Nhận định trên được đại diện Viện Chiến lược TT&TT - Bộ TT&TT chia sẻ tại tọa đàm bàn tròn cấp cao với chủ đề “Đón đầu công nghệ, chủ động thích ứng và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” mới đây.

Tọa đàm vừa được Viện Chiến lược TT&TT, Softserve và IEC Group tổ chức tại Hà Nội.

Khẳng định chuyển đổi số nền kinh tế nói chung và chuyển đổi số các doanh nghiệp nói riêng là xu hướng phát triển tất yếu, ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cũng chỉ rõ: Chuyển đổi số mang lại những thay đổi bước ngoặt, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp mà còn giữa các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP của Việt Nam quý III năm nay là 11,8%, tăng 0,67% so với quý II và 0,88% so với quý I năm 2022. Mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP và đến 2030 chiếm khoảng 30% GDP. 

Đại diện Viện Chiến lược TT&TT phân tích, kinh tế số được nhận định sẽ mang lại những cơ hội mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Việt Nam có khoảng 900.000 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này cần chuyển đổi số để thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi mô hình quản trị. 

“Nếu không chuyển đổi số, các doanh nghiệp có nguy cơ mất đi 1/2 sự thấu hiểu khách hàng sau mỗi 18 tháng và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường giảm một nửa sau mỗi 18 tháng so với đối thủ cạnh tranh chuyển đổi số thành công”, đại diện Viện Chiến lược TT&TT thông tin thêm.

Đại diện Viện Chiến lược TT&TT cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi số để thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi mô hình quản trị.

Đề cập đến chuyển đổi mô hình kinh doanh, Viện Chiến lược TT&TT cho rằng, dữ liệu sẽ trở thành yếu tố đầu vào giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng, xác định chính xác nhu cầu của khách hàng, thấy rõ giá trị của doanh nghiệp mang lại cho khách hàng, tăng cường quan hệ trực tiếp với khách hàng. 

Công nghệ số giúp doanh nghiệp đo lường chính xác thái độ của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của mình; giúp tương tác nhanh, hiệu quả, 24/7 với khách hàng. Bán hàng đa kênh (truyền thống, trực tuyến) giúp doanh nghiệp mở rộng tập khách hàng và mở rộng kênh phân phối. Nền tảng số giúp doanh nghiệp khắc phục giới hạn hoạt động về mặt địa lý, tiếp cận với thị trường toàn quốc và toàn cầu.

Còn về chuyển đổi mô hình quản trị, công nghệ số áp dụng vào hệ thống lập kế hoạch, quản trị nhân sự, quản trị sản xuất, quản trị khách hàng, quản trị chuỗi cung ứng… giúp doanh nghiệp nắm bắt chính xác theo thời gian thực số liệu hoạt động từ đó nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, ra quyết định kịp thời với các tình huống phát sinh, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Khẳng định lợi ích luôn đi cùng với thách thức, đại diện Viện Chiến lược TT&TT đánh giá: Thách thức lớn nhất chính là chiến lược chuyển đổi số. Những câu hỏi thường gặp của các doanh nghiệp là chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, lộ trình chuyển đổi số thế nào, chi phí bao nhiêu là phù hợp, giải pháp công nghệ nào đáp ứng được yêu cầu, thay đổi thói quen hoạt động trên môi trường thực sang thói quen hoạt động trên môi trường số thế nào, nhân lực phải thay đổi ra sao...

“Để trả lời được các câu hỏi trên, lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo quản lý các cấp của doanh nghiệp phải đồng hành với quá trình chuyển đổi số của đơn vị mình.  Giám đốc CNTT sẽ có vai trò quan trọng hơn và tham gia nhiều hơn trong việc đổi mới chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên dữ liệu và công nghệ số”, đại diện Viện Chiến lược TT&TT nêu quan điểm.  

Vân Anh