Người Việt Nam dành gần 1,5 tiếng mỗi ngày để xem video, nội dung số

Các nhận định, con số thống kê được ông Huỳnh Long Thuỷ, Tổng Giám đốc VieON chia sẻ chiều 9/12, tại phiên thảo luận "Kết nối hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Việt Nam và nước ngoài". Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022.

Ông Huỳnh Long Thủy dẫn số liệu từ các cơ quan quản lý, 75% dân số Việt Nam sử dụng Internet, với hơn 70 triệu người, trong đó có tới 95% người dùng Internet xem video: “Họ dành ra trung bình 84 phút mỗi ngày để xem video. Nội dung đến từ khắp mọi nền tảng số”.

Ông Huỳnh Long Thuỷ - Tổng Giám đốc VieON. Ảnh: Nhật Sinh

Theo thống kê của VieON, Việt Nam có tỷ lệ người dùng Internet chiếm hơn 73% dân số. Trung bình mỗi người sử dụng Internet trong nước lên đến 6 giờ 38 phút mỗi ngày. Hai hành vi chính trên Internet là xem tivi và video với 2 giờ 47 phút, lướt mạng xã hội với 2 giờ 28 phút, con số này chiếm khoảng 80% số thời gian sử dụng Internet.

Ông Thuỷ nêu ra các xu hướng phát triển của nội dung số hiện nay đó là dịch chuyển từ nội dung truyền hình truyền thống sang Internet: tại Việt Nam có 70,4 triệu người dùng Facebook; 62,5 triệu người dùng Google và gần 40 triệu người dùng TikTok. Sự phổ biến của Internet, nền tảng mạng xã hội khiến các nội dung tràn lan trên mạng.

“Nội dung đến từ mọi nền tảng số. Giờ đây, ai cũng tạo ra được nội dung và đăng tải trên mạng xã hội, tạo ra sự đa dạng, thu hút người xem. Điều này cũng gây ra thực trạng nhốn nháo khi nhà nhà và người người sản xuất nội dung số. Nhà sản xuất đưa nội dung lên các nền tảng xã hội có thể kiếm tiền”, ông Thuỷ nói. Thống kê cho thấy 70% nội dung trên mạng xã hội được tạo ra bởi các Tiktoker, YouTuber...

Một xu hướng nữa, theo ông Thuỷ đó là sự dịch chuyển từ truyền hình truyền thống thành truyền hình số và OTT. Hiện có 26 triệu hộ gia đình với hơn 13 triệu thuê bao truyền hình trả tiền chứng tỏ cơ hội rộng lớn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, phải kể đến sự thay đổi trong trải nghiệm người xem khiến việc khai thác và lựa chọn nội dung số sẽ thay đổi. Các công ty sẽ chiều khách hàng nhằm mục đích chiếm hữu người xem. Và cuối cùng, nhà đầu tư sẽ khó khăn trong việc nhận định tương lai.

Vị chuyên gia cho rằng, hệ sinh thái nội dung số Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bị kiểm soát và xâm lăng văn hóa ngay trên sân nhà, khi dịch vụ nghe nhìn bị kiểm soát bởi nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi hầu hết nội dung trên các ứng dụng OTT ngoại đều không được kiểm duyệt.

Khi nêu giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với nội dung và nền tảng xuyên biên giới, ông Thuỷ chú trọng đến việc đẩy mạnh các nền tảng OTT trong nước do Việt Nam kiểm soát; đồng thời tăng sự hiện diện trên mọi thiết bị để người Việt tiếp cận dễ dàng hơn. 

"Giải pháp là tăng độ xuất hiện và nhận diện, sẵn sàng trên các nền tảng dịch vụ và thiết bị; tạo cơ hội cho người dùng có thể trải nghiệm nền tảng do Việt Nam kiểm soát ở bất cứ nơi đâu và trên mọi thiết bị", ông Thuỷ nói.

Một điểm nữa là các doanh nghiệp nội dung cần sáng tạo nội dung thuần Việt chiếm lĩnh nền tảng social để dẫn về nền tảng tự chủ OTT và hướng tới sự phát triển bền vững. "Nền móng nội dung số vững chắc là phải sáng tạo nội dung văn hoá bản địa", ông Thuỷ chia sẻ.