Theo thống kê, hiện nay điện năng dành cho chiếu sáng ở Việt Nam đang chiếm khoảng 35% tổng năng lượng điện cung ứng toàn quốc, trong khi trên thế giới, lĩnh vực này chỉ chiếm 15-17%. Đi tìm giải pháp tiết kiệm điện cho chiếu sáng và đồng thời bảo vệ môi trường là việc cấp bách hơn bao giờ hết. Đây cũng là những điểm khiến Rạng Đông phải không ngừng đổi mới, tìm kiếm và ứng dụng các công nghệ để phát triển. Từ doanh nghiệp sản xuất truyền thống, Rạng Đông đang tiên phong cung cấp hệ thống giải pháp đồng bộ dựa trên công nghệ lõi là chiếu sáng và IoT.

Chiến lược chuyển đổi số với 4 yếu tố cốt lõi gồm: tái cấu trúc chiến lược sản phẩm, hình thành hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ 4.0; tái cấu trúc mô hình kinh doanh; Phát triển kinh doanh đa kênh; khai thác hiệu ứng mạng lưới của kinh tế nền tảng. 

Doanh nghiệp sản xuất bóng đèn nâng cao năng lực sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ số. Ảnh: RĐ

Bắt đầu từ chuẩn hóa quy trình, số hóa các quy trình riêng lẻ, áp dụng công cụ số vào một vài quy trình hiện có; mở rộng và áp dụng công cụ số vào một số quy trình của một chuỗi công việc, từ đó thực hiện đồng bộ hóa từng phần trong từng lĩnh vực. Giai đoạn tới, công ty sẽ kết nối, đồng bộ hóa toàn phần với mục tiêu tăng trưởng 25-30%/năm trong giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu đến 2025 sẽ xây dựng Nhà máy sản xuất thông minh.

Hệ sinh thái sản phẩm của Rạng Đông hiện nay gồm: nhà thông minh (Smart Home); đô thị thông minh (Smart City) và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, dòng sản phẩm nhà thông minh tập trung vào sản xuất ra những nguồn sáng có thể bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người giúp cải thiện và chiếu sáng theo cơ sở sinh học, có thể ứng dụng cá biệt hóa vào cho từng đối tượng.
 
Trong khi đó, giải pháp đô thị thông minh tập trung vào các ứng dụng chiếu sáng trong thành phố thông minh. Ngoài ra, đơn vị cũng đang cung cấp nhóm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao dựa trên hai công nghệ lõi là công nghệ chiếu sáng và hai là công nghệ điều khiển hành vi. Thế mạnh của Rạng Đông là có thể tạo ra nguồn sáng mà có bước sóng khác nhau để phù hợp với chu kỳ sinh trưởng và phát triển của từng loại vật nuôi, cây trồng, tiếp đến là tạo ra nguồn sáng ảnh hưởng đến hành vi để tăng năng suất.
 
Để có được hệ sinh thái này thì phải có sản xuất thông minh với trình độ tự động hóa cao và nâng cao được tốc độ điều hành thị trường theo thời gian thực và cuối cùng là rút ngắn được thời gian và khoảng cách để đưa sản phẩm ra thị trường. Theo đó, Rạng Đông đã xây dựng một nền sản xuất thông minh, linh hoạt, hướng tới đáp ứng yêu cầu sản xuất lô lớn cho các nhu cầu cá biệt hoá. Nâng cao trình độ công nghệ số hệ thống điều hành sản xuất, sử dụng trí tuệ nhân tạo trên dây chuyền thực hiện kiểm soát tự động và cảnh báo hỗ trợ quản lý và điều hành dựa trên trạng thái dây chuyền theo thời gian thực. Nhờ đó năng suất lao động đã tăng tới 30% với dòng sản phẩm đèn LED và khoảng 37% với sản phẩm phích nước.
 
Theo thông tin từ Báo cáo đổi mới sáng tạo mở, Rạng Đông hiện đang có tới 3 trung tâm R&D bao gồm: Trung tâm nghiên cứu công nghệ ánh sáng; Trung tâm nghiên cứu công nghệ số trong đó chủ yếu nghiên cứu các công nghệ mới như cloud, IoT, Big data, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cảm biến. Ngoài ra, một trung tâm thứ ba chuyên nghiên cứu và phát triển các nền tảng nền tảng bao gồm cả nền tảng công nghệ và nền tảng kinh doanh. Đơn vị này cũng dành tới 15-17% lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho Quỹ đổi mới sáng tạo, trong đó, 1/3 nguồn lực đầu tư của quỹ này dành cho các sinh viên.
 
Đổi mới sáng tạo được xác định của không chỉ nằm trong phần công nghệ, mà là cả nỗ lực đổi mới mô hình kinh doanh. Từ sản xuất đến kinh doanh hay các quy trình trong và sau sản xuất. Với chiến lược chuyển đổi số được thực hiện từ 2020, đến nay mức tăng trưởng của doanh nghiệp đạt 15 – 20% (so với trước đây từ 8 – 10%).