Thảo luận tại tọa đàm “Tiêu chuẩn nào cho camera make in Vietnam?” do VietNamNet tổ chức mới đây, ông Khương Duy, Giám đốc Trung tâm Camera, Viettel High Tech nhận định, các nhà mạng với ưu thế tập khách hàng lớn đang sử dụng dịch vụ có rất nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận khách hàng để đưa các sản phẩm camera ra thị trường. Viettel High Tech tham gia thị trường camera với định hướng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đa dạng và toàn diện cho tập khách hàng hộ gia đình đang sử dụng dịch vụ FTTH. Viettel High Tech mong muốn cung cấp sản phẩm đảm bảo an ninh, an toàn cho khách hàng với sản phẩm Make in Vietnam by Viettel: hệ thống quản lý và lưu trữ tại Viettel, các tính năng thông minh do người Việt nghiên cứu phát triển và làm chủ. Việc các nhà mạng tham gia sản xuất Camera AI sẽ mang nhiều lợi ích cho người dùng khi lựa chọn sản phẩm, yên tâm về bảo mật thông tin cá nhân với chi phí tối ưu và được sử dụng kèm theo với những dịch vụ viễn thông khác.

Tuy nhiên, Viettel High Tech không tập trung cuộc chiến về giá, giá trị mang lại không chỉ là bản thân sản phẩm camera mà là cả một giải pháp, nền tảng, hệ sinh thái nhằm mục đích mang đến nhiều giá trị gia tăng cho người dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng vào tính năng an toàn cho người dùng cá nhân, bảo mật an toàn trong xây dựng giao thông thông minh, đô thị thông minh, phục vụ cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…

Viettel High Tech sẽ cung cấp các sản phẩm camera cho khách hàng hộ gia đình và camera AI cao cấp.

Để làm được điều đó, Viettel High Tech tập trung xây dựng thuật toán, ứng dụng AI, tận dụng lợi thế từ nhà mạng Viettel với tập khách hàng gần như phủ sóng khắp cả nước – đây là thị trường dễ tiếp cận. Dự kiến năm 2023, Viettel High Tech sẽ cung cấp các sản phẩm camera cho khách hàng hộ gia đình và camera AI cao cấp cung cấp những giải pháp cho các lĩnh vực như thành phố thông minh, an ninh, quốc phòng, Chính phủ và hành chính công.

Theo ông Hoàng Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc MobiFone Global, quy mô thị trường camera ở Việt Nam theo nghiên cứu sơ bộ là khoảng 2 camera/100 người. Tỷ lệ này còn thấp so với các quốc gia, ví dụ ở Mỹ và Trung Quốc tỷ lệ là 15 camera/100 dân. Theo xu hướng chuyển đổi số của xã hội, nhu cầu của người dân đối với việc sử dụng camera ngày càng lớn. Các khách hàng cá nhân thường dùng giám sát người già, trẻ em, chống trộm; các khu công nghiệp sử dụng camera giám sát nội khu; với các thành phố, camera được ứng dụng để theo dõi giao thông, an ninh... Hầu hết các loại camera này xuất xứ từ nước ngoài, mang đến những nguy cơ lớn cho an ninh quốc gia. Xu hướng trong thời gian tới là Chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển các camera an ninh theo tiêu chuẩn Việt Nam, phục vụ người Việt. Do đó, tiềm năng của thị trường camera Việt Nam còn rất lớn, không chỉ về sản xuất thiết bị mà còn là công nghệ AI phù hợp với nhu cầu của người dùng.

Theo ông Hoàng Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc MobiFone Global, húng ta nên có các tiêu chuẩn cho camera Make in Việt Nam, cả phần cứng và phần mềm.

Ông Huy nhấn mạnh, chúng ta nên có các tiêu chuẩn cho camera Make in Việt Nam, cả phần cứng và phần mềm. Theo Luật An ninh mạng, các mạng xã hội phải lưu trữ thông tin người dùng ở Việt Nam. Tương tự, với dịch vụ camera, những thông tin thu thập được từ đó rất quan trọng và phải đặt ở Việt Nam. Dịch vụ quản trị dữ liệu, hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng cũng cần có tiêu chuẩn riêng.

Đối với doanh nghiệp viễn thông, camera hiện nay không phải như ngày xưa - kết nối cáp đồng trục và mỗi hộ phải có một đầu thu, bây giờ là camera IP kết nối Internet. Dịch vụ camera gần giống như một dịch vụ viễn thông do phải có đường truyền, lưu trữ trên cloud,... Đây chính là thế mạnh của các nhà mạng. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ không có được sự kết nối với các nhà mạng như doanh nghiệp sản xuất camera trong nước.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology cho rằng phải có những yêu cầu khác nhau về chất lượng camera, mức thu phát sóng, chịu môi trường và bảo mật. 

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology nhận định, camera là một thiết bị ứng dụng nhiều công nghệ cao, tiên tiến về phần cứng và phần mềm, có khả năng hoạt động như một máy tính kết nối Internet và có thể kết nối với hệ thống quản lý hỗ trợ kỹ thuật tập trung. Phần lớn các thiết bị công nghệ lưu hành đều phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định, phục vụ hợp quy hợp chuẩn, nhập khẩu… Camera là một thiết bị công nghệ tích hợp, vừa là thiết bị quang, thiết bị thu phát sóng, máy tính kết nối mạng, cũng là thiết bị IoT, do vậy việc ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật là rất cần thiết. Tiêu chuẩn cho các phân khúc như camera cho hộ gia đình, camera công cộng, camera giao thông, camera dùng cho khối Chính phủ… phải có những yêu cầu khác nhau về chất lượng, mức thu phát sóng, chịu môi trường và đặc biệt là đảm bảo an toàn bảo mật.