Nhận định trên được Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT) Nguyễn Khắc Lịch chia sẻ tại tọa đàm “Nền tảng điện toán đám mây Việt Nam an toàn phục vụ chuyển đổi số” - một hoạt động trong khuôn khổ hội thảo Ngày ATTT Việt Nam 2020 do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) tổ chức ngày 2/12.

{keywords}
Theo Phó Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Khắc Lịch, việc làm sao để các nền tảng đám mây "Make in Việt Nam" được dùng rộng rãi cũng là một mục tiêu mà những doanh nghiệp Việt Nam phải đạt được.

Mục tiêu kép của lĩnh vực điện toán đám mây tại Việt Nam

Trao đổi tại tọa đàm, ông Lịch cho biết, Bộ TT&TT coi nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới. Đây cũng là một nền tảng đóng góp cho hạ tầng số, có vai trò quan trọng và các doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ.

Với định hướng này, Bộ TT&TT đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật gồm 153 tiêu chí để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.

Kết quả đánh giá thực tế các nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, như ICTnews đã đưa tin, vừa được Bộ TT&TT công bố. Theo đó, 5 nền tảng đám mây “Make in Việt Nam” của Viettel, VNPT, VNG, CMC, VCCorp đã được Cục ATTT xác nhận đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, theo đại diện Cục ATTT, phần lớn “miếng bánh” điện toán đám mây tại Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. “Chúng ta cần hướng tới mục tiêu kép: vừa thúc đẩy phát triển các nền tảng điện toán đám mây “Make in Việt Nam”, vừa phải làm sao để những nền tảng này được sử dụng rộng rãi. Có như vậy, chúng ta mới có thể thành công”, ông Lịch nhấn mạnh.

Nhiều cơ hội mở rộng thị trường

Thông tin rõ hơn về bức tranh thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam, ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC cho hay, trong khoảng 200 triệu USD doanh thu năm 2019 của thị trường Cloud Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài chiếm hơn 80%, các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm gần 20%. Một nguyên nhân là doanh nghiệp Việt đi sau nhiều so với các "ông lớn" công nghệ thế giới trong lĩnh vực này.

Đại diện Viettel IDC cho biết thêm, tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm gần đây của thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam khoảng 40-45%, trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới là 29%. Dự kiến đến 2025, tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam duy trì mức 40%, dù con số trung bình thế giới được dự báo vẫn từ 25-29%.

“Việt Nam là một trong những thị trường thuận lợi. Công cuộc chuyển đổi số đang được các bộ, ban ngành, đặc biệt là Bộ TT&TT thúc đẩy mạnh. Chúng tôi cho rằng, thị trường điện toán đám mây Việt Nam còn phát triển hơn nữa, không dừng lại ở tốc độ tăng trưởng 40% như dự báo”, ông Ngọc phân tích.

Theo ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng giám đốc CMC Telecom, thị trường Cloud về cơ bản thường chia làm 3 giai đoạn: Cloud như một giải pháp ưu tiên, dần trở thành giải pháp bắt buộc trong hệ thống CNTT và được định hướng chuyển thành hành động chiến lược. Cách đây 1 - 2 năm, Việt Nam ở vào giai đoạn coi Cloud như giải pháp ưu tiên.

Tuy nhiên, ông Sơn nhận định, vừa qua, Việt Nam có 2 yếu tố rất mạnh thúc đẩy sự thay đổi của thị trường, dẫn đến tăng trưởng 3 con số, đưa Cloud Việt Nam chuyển sang giai đoạn bắt buộc. Yếu tố đầu tiên là sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Chính phủ, Bộ TT&TT và các bộ về thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, công nghệ số… “Đây chính là nền tảng quan trọng đưa đến sự thay đổi trong các vấn đề về tiêu dùng, nhất là với những khách hàng lớn khối cơ quan nhà nước, các tổ chức tài chính. Và yếu tố thứ hai, ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân là đại dịch Covid-19”, ông Sơn chia sẻ.

{keywords}
Các doanh nghiệp Việt đang và sẽ cung cấp giải pháp điện toán đám mây tham dự tọa đàm đều thống nhất mục tiêu hướng tới là chiếm 50% thị trường trong nước (Ảnh minh họa)

Bên cạnh cơ hội để mở rộng “miếng bánh” thị phần, các diễn giả tham gia tọa đàm cũng thảo luận về những thách thức của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.

Theo Phó Chủ tịch VNISA Vũ Quốc Khánh, điện toán đám mây càng phổ biến thì điểm yếu về ATTT sẽ trở thành vấn đề lớn. Dẫn ra kết quả bình xét danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2020 cho các sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa được VNISA thực hiện mới đây, ông Khánh cho hay, trong 45 sản phẩm, dịch vụ được trao danh hiệu, chỉ có 1 giải pháp là nhắm trực tiếp tới điện toán đám mây.

Nói về thách thức mà CMC cũng như các doanh nghiệp cung cấp nền tảng điện toán mây đều phải đối mặt, ông Sơn cho rằng có 3 rào cản cần vượt qua là: sự nhận thức “rời khỏi vùng an toàn”, sự tin tưởng về tính toàn vẹn và ATTT khi dịch chuyển lên Cloud; bài toán cạnh tranh với các Cloud quốc tế có tiêu chuẩn và quy mô toàn cầu; bài toán về nhân lực CNTT cấp cao nói chung và ATTT nói riêng.

Phát triển dựa trên công nghệ mở

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vấn đề trên, ông Sơn cho hay, bên cạnh việc tuân thủ các chính sách để nâng cao mức độ sẵn sàng lên Cloud, CMC đã nghiên cứu, xây dựng nhiều giải pháp ngành vừa đáp ứng nhanh bài toán thực tiễn, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về an toàn dữ liệu “đặt tại Việt Nam”, vừa song song kết hợp cung cấp Multi Cloud thông qua nền tảng CMC Cloud. Ngoài ra, doanh nghiệp liên tục bổ sung mạnh mẽ, tăng cường đào tạo, liên kết  đội ngũ chuyên gia, cộng đồng chuyên gia Cloud.

Ở góc độ của Cục ATTT, ông Lịch cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đi sau nên phải dựa trên công nghệ mở để làm chủ nền tảng điện toán đám mây, tạo niềm tin số. Theo ông Lịch, 5 doanh nghiệp sở hữu các nền tảng điện toán đám mây “Make in Việt Nam” được Bộ TT&TT công nhận đáp ứng tiêu chuẩn đều đã phát triển nền tảng dựa trên mã nguồn mở.

““Đây cũng là định hướng lớn của Bộ TT&TT. Chúng ta phải dùng mã nguồn mở, nền tảng mở và cả tư tưởng công nghệ mở để xây dựng những sản phẩm công nghệ số Việt Nam”, ông Lịch nhấn mạnh.

Chia sẻ về lý do VNPT chọn OpenStack để phát triển nền tảng dịch vụ VNPT Cloud, Tổng giám đốc VNPT IT Ngô Diên Hy cho hay, 2 năm trước khi bắt đầu với OpenStack, VNPT đã chọn đối tác để cung cấp dịch vụ Cloud trên môi trường ảo hóa Vmware và gặp phải một số vấn đề, trong đó có việc người dùng không sẵn sàng bỏ chi phí cao để sử dụng, dẫn đến bài toán kinh doanh không hiệu quả.

Từ năm 2012, VNPT đã thí điểm với ý tưởng phát triển Private Cloud (đám mây riêng - PV) nguồn mở cho tập đoàn để triển khai các ứng dụng nội bộ, tiếp đó nhân rộng và từ 2017 đã cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng OpenStack cho người dùng. 

Vân Anh

Bộ TT&TT công bố 5 nền tảng điện toán đám mây Make in Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn

Bộ TT&TT công bố 5 nền tảng điện toán đám mây Make in Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn

Bộ TT&TT vừa công bố, trao chứng nhận cho 5 doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ nền tảng điện toán đám mây đã đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử gồm Viettel, VNG, CMC, VNPT và VCCorp.