Giải pháp "Make in Vietnam" hỗ trợ đảm bảo an toàn cho thế vận hội

Chiều tối nay, ngày 23/7, thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 sẽ khai mạc. Sau hơn 1 năm trì hoãn do đại dịch Covid-19, sự kiện thể thao lớn chính thức được tổ chức mà không có khán giả tham dự.

Quy tụ hơn 15.000 vận động viên, huấn luyện viên, quan chức trong giới thể thao và phóng viên báo chí... đến từ hơn 206 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, công tác tổ chức để đảm bảo an toàn cho Olympic và Paralympic Tokyo 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là một thách thức vô cùng lớn với Nhật Bản cũng như các đơn vị tham gia công tác tổ chức.

{keywords}
Sân vận động quốc gia Nhật Bản, nơi diễn ra lễ khai mạc khai mạc Olympic và Paralympic Tokyo 2020 vào 18h ngày 23/7. (Ảnh: Reuters)

Chỉ vài ngày trước thời điểm khai mạc, đã liên tục có các ca mắc mới Covid-19 được ghi nhận. Vì vậy, để đảm bảo khâu tổ chức thế vận hội, Nhật Bản đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị và đầu tư mạnh cho việc công tác xét nghiệm và phân tích kết quả xét nghiệm Covid-19.

Là đơn vị được Ban tổ chức lựa chọn để triển khai và vận hành hệ thống quản lý xét nghiệm Covid-19 phục vụ Olympic và Paralympic Tokyo 2020, doanh nghiệp công nghệ chuyên về lĩnh vực y tế Ominext Group đã bắt tay vào khai thác và phát triển hệ thống quan trọng này từ tháng 10 năm ngoái.

Theo chia sẻ của đại diện Ominext Group, để được góp sức sự kiện thể thao lớn này, doanh nghiệp đã phải chứng minh năng lực của mình bằng kinh nghiệm phát triển hơn 250 hệ thống CNTT trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhật Bản trong suốt 10 năm qua.

Trong năm 2020, Ominext đã có cơ hội hợp tác với một số tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về thử nghiệm lâm sàng, phát triển hệ thống logistics giúp quản lý yêu cầu, vận chuyển và trả kết quả xét nghiệm phục vụ Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

Kể từ tháng 10/2020, Ominext bắt đầu phát triển hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ thế vận hội, bằng cách hỗ trợ khách hàng từ khâu định nghĩa yêu cầu, thiết kế, lập trình cho đến kiểm tra đến vận hành hệ thống.

Trong khoảng thời gian chuẩn bị, đội ngũ kỹ sư CNTT Ominext có nhiệm vụ điều chỉnh và phát triển các chức năng lớn của hệ thống để không chỉ đảm bảo các yêu cầu phục vụ cho chuyên môn y tế, xét nghiệm mà còn đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật và hạ tầng phần cứng, phần mềm trong quá trình triển khai.

“Chiến dịch 60 ngày đêm” vì sự an toàn của Olympic 2020

Trong 60 ngày từ ngày 8/7 đến 6/9, đội ngũ kỹ sư Ominext đã và đang bắt tay vào “chiến dịch” quan trọng để đảm bảo Olympic và Paralympic Tokyo 2020 được diễn ra an toàn và thành công.

Cụ thể, nhiệm vụ của Ominext Group là giám sát và đảm bảo hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ thế vận hội hoạt động thông suốt 24/7. “Điều này đồng nghĩa với việc cần xây dựng một quy trình đối ứng và phối hợp hết sức chặt chẽ trong bối cảnh kết hợp vận hành hệ thống từ Việt Nam và kỹ sư “trực chiến” tại Nhật Bản”, đại diện Ominext Group chia sẻ.

{keywords}
Hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ thế vận hội đang vận hành khá tốt, vào thời gian cao điểm, hệ thống đã xử lý tới 20.000 yêu cầu trong chưa đầy 3 phút.

Hệ thống quản lý xét nghiệm do doanh nghiệp công nghệ Việt phát triển giúp quản lý vận hành khâu logistics trong xét nghiệm Covid-19 từ việc nhận các yêu cầu xét nghiệm, thu nhận mẫu, theo dõi tình trạng vận chuyển, đưa mẫu về các trung tâm Labo, theo dõi tình trạng xét nghiệm, trả kết quả... theo một chu trình khép kín.

Hệ thống được triển khai trên nền tảng đám mây của Microsoft Azure và được thiết kế để hoạt động ổn định liên tục ngay cả khi có một trung tâm dữ liệu của Azure gặp sự cố.

Thực tế triển khai từ ngày 8/7 đến nay, theo đánh giá, hệ thống đang vận hành khá tốt, vào thời gian cao điểm, hệ thống đã xử lý tới 20.000 yêu cầu trong chưa đầy 3 phút và thực sự là một trong những hệ thống không thể thiếu, đóng góp tích cực, nhanh chóng trong xét nghiệm Covid-19.

Đại diện nhóm kỹ sư đang dốc sức triển khai dự án, Giám đốc Công nghệ Ominext Group Phan Mạnh Hùng cho hay, Ominext gọi đây là “chiến dịch 60 ngày đêm” bảo vệ hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

"Bằng năng lực, công nghệ, nhiệt huyết và tinh thần đồng đội, chúng tôi sẽ đảm bảo vận hành hệ thống suôn sẻ trong suốt quá trình diễn ra Thế vận hội, đóng góp vào thành công của sự kiện thể thao lớn này. Đội ngũ Ominext cũng hy vọng đây sẽ là một minh chứng cho việc ứng dụng cộng nghệ có thể giúp nâng cao chất lượng, tối ưu thời gian và hạn chế tối đa các sự cố, sai sót trong y  tế”, ông Phan Mạnh Hùng tin tưởng.

Vân Anh 

Việt Nam sẽ chuyển mạnh sang làm sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam”

Việt Nam sẽ chuyển mạnh sang làm sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam”

Nhấn mạnh định hướng phát triển để Việt Nam trở thành nơi tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghệ, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT cũng cho biết, Việt Nam sẽ chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Vietnam”.