Trung tuần tháng 9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, với mục tiêu hỗ trợ hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số. Bộ TT&TT được giao phối hợp cùng Bộ GD&ĐT triển khai chương trình này.

{keywords}

Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tập đoàn công nghệ G-Group đã giao nhiệm vụ cho công ty thành viên HANET Technology bắt tay vào nghiên cứu sản xuất máy tính bảng thương hiệu HANET Smart Edu. Mục tiêu của G-Group là làm thế nào để các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19, gặp hoàn cảnh khó khăn có thể có một chiếc máy tính bảng cấu hình tốt với giá rẻ trong thời gian ngắn nhất, phục vụ nhu cầu học tập trực tuyến. G-Group dự kiến mức giá một chiếc máy tính bảng sẽ từ 2.350.000 đồng cho đến 2.450.000 đồng tuỳ theo cấu hình. 

Đến thời điểm đầu tháng 11/2021, tập đoàn G-Group đang bắt đầu nhận đặt hàng từ các đơn vị. Để có mức giá tốt như trên, số lượng tối thiểu cần để sản xuất là 10.000 chiếc.

Ông Võ Đức Thọ, Tổng giám đốc HANET Technology chia sẻ: G-Group không kinh doanh bán lẻ sản phẩm này, mà chỉ nhận đặt hàng từ các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tài trợ máy tính cho học sinh.

“Chúng tôi mong muốn thông qua dự án phi lợi nhuận này, các em học sinh sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. G-Group có thể sản xuất và cung cấp khoảng 1 triệu chiếc máy tính bảng HANET Smart Edu”, ông Võ Đức Thọ cho hay.

{keywords}

Cũng theo đại diện G-Group, doanh nghiệp công nghệ này thực hiện dự án nghiên cứu và sản xuất máy tính bảng hỗ trợ học sinh học tập trực tuyến cũng cũng giống như các dự án phi lợi nhuận đã được đơn vị thực hiện thời gian gần đây. Mục tiêu hướng tới của các dự án này là hỗ trợ cộng đồng, đóng góp giá trị cho xã hội.

Trước đó, G-Group cũng đã triển khai chương trình tài trợ miễn phí tài khoản GapoWork tích hợp Zoom cho 1.000 trường học trên toàn quốc để giúp nhà trường và thầy cô có công cụ dạy trực tuyến hiệu quả.

Với nhiều nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, mới đây G-Group được Enterprise Asia tôn vinh là Doanh nghiệp trách nhiệm châu Á năm 2021 tại hạng mục “Thúc đẩy xã hội”, cùng gần 70 tập đoàn tên tuổi khác trong khu vực.

Cũng với mục đích hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, chung tay hỗ trợ các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có trang thiết bị để học tập trực tuyến, hồi cuối tháng 10, Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ CMC - CMS Co., Ltd cũng đã chính thức ra mắt máy tính bảng CMS X-Tab, do đơn vị mình đầu tư nghiên cứu và sản xất.

CMS X-Tab 8 có kích thước gọn nhẹ, khả năng kết nối Wi-Fi và 4G tốt, Ram 3GB, Rom 32GB, hệ điều hành Android 10, pin 5000 mAh, camera 2MP/5MP, được sản xuất đồng bộ theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001. Sản phẩm đáp ứng tốt mức giá mục tiêu của chương trình.

CMS cho biết sẽ ưu tiên cung cấp máy tính bảng cho chương trình 1 triệu máy tính trong giai đoạn 1 và tiếp tục nghiên cứu, phát triển dải sản phẩm đầy đủ bao gồm: Máy tính bảng, Máy tính xách tay, Máy tính để bàn màn hình lớn (có trang bị kết nối Wi-Fi, 4G) để đáp ứng tốt nhất nhu cầu học từ xa của học sinh, sinh viên tất cả các cấp.

Liên quan đến nội dung về thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên, ngày 23/9, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về khuyến nghị các tiêu chí kỹ thuật (cấu hình) cơ bản đối với các thiết bị trao tặng thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Theo đó, Bộ TT&TT cho biết, với mục tiêu cần phải trang bị ngay thiết bị cho các em để phục vụ học tập trực tuyến với số lượng hàng triệu chiếc thì máy tính xách thay sẽ không đáp ứng được vì giá thành cao và thị trường không đủ số lượng để cung cấp. Vì thế, thời gian đầu, việc lựa chọn máy tính bảng để đáp ứng yêu cầu cơ bản cho họp tập trực tuyến là giải pháp tình thế cần thiết.

Tuy nhiên, trong dài hạn, Bộ TT&TT cho rằng vẫn cần phải xây dựng thiết bị và cấu hình phù hợp cho từng đối tượng học mới phát huy hiệu quả của chương trình cung cấp thiết bị điện tử trong giáo dục. Cụ thể, Bộ TT&TT đề xuất trong giai đoạn sau của chương trình “Sóng và máy tính cho em”, từ năm 2022, có thể sử dụng máy tính xách tay cho từng cấp học với các ứng dụng phần mềm giáo dục tiên tiến.

Bộ TT&TT cũng cho biết thêm, Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp để đánh giá năng lực sản xuất và cung cấp, thời gian giao hàng và giá thành thiết bị. Bên cạnh đó, cũng thông qua các buổi làm việc phổ biến một số mục tiêu định hướng của chương trình cho cả các hãng sản xuất nước ngoài, doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối.

“Hầu hết các doanh nghiệp này có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm điện tử, có khả năng cung ứng được máy tính bảng trong năm 2021 đáp ứng mục tiêu của Chương trình. Bộ TT&TT khuyến nghị ưu tiên các thiết bị của các doanh nghiệp sản xuất trong nước theo tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là với các dự án mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước”, Bộ TT&TT đề nghị.

Vân Anh

3 đối tượng ưu tiên của chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại Bắc Giang

3 đối tượng ưu tiên của chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại Bắc Giang

Học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, có bố hoặc mẹ mất do dịch và chưa có máy tính để học trực tuyến là đối tượng ưu tiên thứ 3 của chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại Bắc Giang.