Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)  đã tổ chức hội nghị “Tập huấn về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa” cho hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hội nghị nhằm giúp doanh nghiệp hiểu biết sâu sắc hơn các nền tảng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhìn nhận đầy đủ về áp dụng mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc trong xây dựng và định vị thương hiệu nhằm tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng.

Theo ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, chương trình tập huấn về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là là cơ hội tốt để các doanh nghiệp có thêm hiểu biết về áp dụng mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp sẽ tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng và gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới.

Ông Lê Anh Hưng - Giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam trình bày tại hội thảo.

Ông Lê Anh Hưng - Giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam đã trình bày về tổng quan về mã số mã vạch, ứng dụng của mã số mã vạch trong thực tế và hướng dẫn chức năng, cách sử dụng hệ thống quản lý mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam. Ông cũng giới thiệu Tiêu chuẩn Việt Nam 12850: 2019 và các bước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Chương trình tập huấn đã cung cấp kiến thức thiết thực, sát với nhu cầu và tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới. Giúp các doanh nghiệp nắm bắt được những kiến thức cơ bản về mã số mã vạch, ứng dụng của mã số mã vạch trong thực tế, về chức năng và cách sử dụng hệ thống quản lý mã số mã vạch.

Thông qua hội nghị, doanh nghiệp nắm được những vấn đề cốt lõi của mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Qua đó, đổi mới phương thức kinh doanh, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, xây dựng chiến lược kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ, ứng dụng các phần mềm tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các sản phẩm, hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp cho biết, từ sau khi được công nhận nhãn hiệu và có tem truy xuất nguồn gốc, việc tiêu thụ hàng hóa cũng đi lên rõ rệt. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để có sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn và bảo đảm nguồn gốc.

Đối với các doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc sẽ đáp ứng quy định của các quốc gia nhập khẩu như Mỹ, Nhật, EU, giúp mở rộng thị trường, thông quan dễ dàng và tăng sức cạnh tranh. Về phía người tiêu dùng, họ yên tâm hơn khi biết được thông tin về nguồn gốc, quá trình sản xuất tạo sự tin tưởng so với các sản phẩm cùng loại.

Vào tháng 11, Đà Nẵng đã đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục chọn mua thực phẩm tươi sống, dán tem hoặc gắn mã truy xuất nguồn gốc. Ban quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng đã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho khoảng 50 cơ sở thực phẩm. Với những sản phẩm này, người dân chỉ cần dùng smartphone để quét mã QR tiến hành truy xuất nguồn gốc.

Từ cuối tháng 10/2021, dự án “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm – giai đoạn 1” đã được triển khai, tập trung vào chuỗi thịt heo và thịt bò tại một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn. Đại diện một doanh nghiệp tham gia dự án cho hay, chỉ sau vài tháng áp dụng truy xuất nguồn gốc, đã có bước tiến xa trong quản lý chất lượng thực phẩm, tạo niềm tin đối với khách hàng.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, TGĐ Công ty Vissan, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR, mã vạch là xu hướng và nhu cầu tất yếu. Sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc sẽ có sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.