Honda cho biết, hãng tiếp tục có tháng tăng trưởng mạnh mẽ. Tháng 8, Honda đã bán ra tổng số 198.405 xe máy các loại, tăng 20,8% so với tháng trước và tăng 100,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tháng tăng trưởng thứ 2 liên tiếp của Honda, sau một thời gian gặp khó khăn do nguồn cung linh kiện hạn chế đã ảnh hưởng đến sản xuất của hãng.

Thống kê chi tiết cho thấy, ở phân khúc xe số, Wave Alpha, doanh số đạt 43.349 xe, chiếm 21,8 % tổng doanh số bán xe máy của hãng trong tháng 8.

{keywords}
Doanh số xe máy Honda tiếp tục tăng mạnh. Ảnh minh họa: Internet

Phân khúc xe tay ga cũng phục hồi mạnh mẽ hơn. Sản lượng xe máy của Honda tăng trưởng mạnh và cải thiện đáng kể nguồn cung cho thị trường. Cụ thể, dòng xe Vision phục hồi trở lại với 48.000 xe đã bán ra, chiếm 24,2% tổng doanh số bán xe máy của Honda trong tháng vừa qua.

Honda hiện chiếm khoảng 80% thị phần xe máy tại Việt Nam, nên việc hãng xe tăng sản lượng cũng đã có những tác động đến với thị trường xe máy trong nước.

Trong khi đó, nguồn cung và sản lượng của các hãng xe khác cũng tiếp tục giữ ổn định. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng 8, sản lượng xe máy sản xuất tại Việt Nam đã tăng khoảng 20%, so với tháng trước đó, khi có gần 251.000 xe được sản xuất. Lượng xe máy sản xuất trong nước cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cộng dồn trong 8 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã sản xuất trên 2 triệu chiếc xe máy các loại, sản lượng đã tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu trên cho thấy, sản xuất đã dần ổn định trở lại khi có nguồn linh kiện.

Trước đó, trong suốt nửa đầu năm 2022, nhiều hãng xe máy tại Việt Nam cho biết, đang chịu áp lực, bởi nguồn cung linh kiện thiếu hụt, khiến không thể sản xuất xe để cung ứng đủ cho thị trường. Nguồn cung đã ổn định hơn giúp giá bán nhiều mẫu xe ga trên thị trường hạ nhiệt hơn so với vài tháng trước.

Phúc Vinh

Nhiều hãng ô tô, xe máy ở Việt Nam đối mặt với áp lực thiếu linh kiện

Nhiều hãng ô tô, xe máy ở Việt Nam đối mặt với áp lực thiếu linh kiện

Giá bán thực tế chênh cao, thời gian giao xe bị kéo dài do cung không đủ cầu khiến nhiều khách hàng có nhu cầu buộc phải chờ đợi nếu không muốn "xuống" thêm tiền