Ngày 20/12, tại Ngọ Môn, Đại Nội - Thành phố Huế, đã diễn ra sự kiện khai trương hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR của Quần thể di tích Cố đô Huế. Đây là một dấu mốc với quá trình chuyển đổi số của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đồng thời mang lại nhiều trải nghiệm mới cho khách tham quan.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR của Quần thể di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Lê Đình Hoàng)

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, từ đầu năm nay, Trung tâm đã xây dựng và nâng cấp hệ thống vé điện tử trên nền tảng web để phục vụ việc quản lý điều hành các hoạt động bán vé của Trung tâm cũng như phục vụ cho du khách, khách sạn, công ty lữ hành có thể chủ động mua vé trực tuyến khi tham quan các di tích tại Huế. Hệ thống hướng tới sẽ tích hợp trên nền tảng ứng dụng di động.

Được triển khai thử nghiệm từ tháng 11/2022 tại 4 địa điểm Đại Nội, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định, hệ thống bán vé điện tử đã thu được những kết quả tích cực, thuận tiện hơn cho người dùng so với việc ứng dụng hệ thống thẻ từ để vào các cổng kiểm soát như trước đây.

Khách tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế chỉ cần quét mã QR tại cổng kiểm soát. (Ảnh: Lê Đình Hoàng)

Đến nay, toàn bộ vé tham quan tại 4 điểm di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đều đã được cung cấp qua hệ thống phần mềm bán vé điện tử và du khách sẽ thực hiện quét mã QR khi vào cổng kiểm soát. Du khách và các đơn vị lữ hành có thể truy cập hệ thống eticket.hueworldheritage.org.vn để mua vé điện tử.

Ngoài chức năng chính là bán vé tham quan, hệ thống phần mềm còn giới thiệu theo hình thức giản lược các địa điểm du lịch thuộc quần thể di tích Cố đô Huế bằng những bài viết song ngữ Việt - Anh. Hệ thống hình ảnh di sản được chọn lọc với tính thẩm mỹ cao cũng là một điểm nhấn của ứng dụng công nghệ này. 

Cùng với việc đưa vào vận hành chính thức hệ thống bán vé điện tử, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng ra mắt dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR. Đây là hình thức thực tế ảo mở rộng, dùng kính Nreal Glass (XR) và dịch vụ Ki-ốt chụp ảnh được phát triển từ dịch vụ thực tế ảo VR “Đi tìm hoàng cung đã mất” do Trung tâm và Công ty IV COM hợp tác thực hiện trước đây tại Đại Nội - Huế.

Khách tham quan trải nghiệm dịch vụ kính Nreal Glass. (Ảnh: Lê Đình Hoàng)

Cả 2 dịch vụ dùng kính Nreal Glass và Ki-ốt chụp ảnh đều là các dịch vụ có thu phí. Trong đó, với dịch vụ dùng kính Nreal Glass, du khách đeo kính để trải nghiệm nội dung XR nhận biết các vật thể tại các vị trí cụ thể trong quá trình tham quan Đại Nội Huế, được tạo nên dựa trên nền tảng máy chủ ảo cá nhân.

Với dịch vụ Ki-ốt chụp ảnh, máy được đặt trong Trung tâm VR và được chụp theo hình thức chụp AR - một loại hình dịch vụ chụp hình lấy phông nền là Hoàng thành Huế, kết hợp với các nhân vật lịch sử hoặc có thể chèn các hiệu ứng, biểu tượng cảm xúc, sau đó in ra ảnh hoặc các tấm thẻ.

Tính đến nay, Hue-S đã có hơn 800.000 lượt tải ứng dụng.

Hồi tháng 8/2022, cũng để tạo thuận tiện cho người dân và du khách, nền tảng đô thị thông minh Hue-S của tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra phiên bản mới, tích hợp thêm nhiều dịch vụ, tiện ích phục vụ nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm đối tượng người dùng với giao diện và chức năng riêng biệt bao gồm: công dân, doanh nghiệp, nhà nước và khách du lịch. 

Theo đó, khi người dùng chọn 1 nhóm, nền tảng Hue-S chỉ hiển thị những chức năng cần thiết cho nhóm đối tượng đó. Chẳng hạn, khi chọn vai trò là khách du lịch thì toàn bộ hoạt động ứng dụng, thông tin cho người dùng sẽ chuyển đổi hẳn qua giao diện dành cho khách du lịch.

Mới đây nhất, nền tảng Hue-S đã được trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022” ở Top 10 hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số.