Sự kiện tập hợp ủng hộ các biện pháp nhằm ngăn sự độc quyền của một số nền tảng công nghệ đã được trình ra trước Thượng viện và Hạ viện. Đại diện David Cicilline, chủ tọa thuộc tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện cho biết: "Tôi rất tin tưởng khi các dự luật này lên sàn, chúng sẽ được thông qua đầy thuyết phục.".

Ông cho biết, tình hình khả quan nhất là dự luật sẽ sớm được lên sàn vào tuần tới, hoặc trong trường hợp xấu nhất là sang tháng Bảy.

Thượng nghị sĩ Mỹ, Amy Klobuchar, chủ tịch hội đồng chống độc quyền của Thượng viện, cũng cho biết, bà có đủ sự ủng hộ tại Thượng viện để giành được quyền thông qua.

Thứ Ba (14/6), đại diện Ken Buck, một nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa chia sẻ, ông ủng hộ dự luật này vì các quan điểm bảo thủ đang bị bóp nghẹt trên mạng. "Chúng tôi đang bị phân biệt đối xử", ông nói.

Dự luật đã từng là chủ đề trong một cuộc vận động hành lang dữ dội. Các gã khổng lồ công nghệ đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng như sự biến mất của ứng dụng trực tuyến phổ biến Google Maps. Chủ toạ Cicilline đã phủ nhận các cáo buộc này vào thứ Ba.

Tuy nhiên, Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã có thái độ phản đối các dự luật. Cơ quan này cho rằng, đạo luật sẽ trao quyền cho bộ máy quan liêu của chính phủ cai trị. Khi đó, cạnh tranh sẽ không còn được đánh giá dựa trên thành tích nữa, thay vào đó, sự quan tâm của người tiêu dùng sẽ bị gạt sang một bên vì lợi ích của các đối thủ cạnh tranh.

Hàng chục công ty và tổ chức kinh doanh đã gửi một lá thư đến các nhà lập pháp Mỹ hôm thứ Hai (13/6), kêu gọi họ ủng hộ các biện pháp này. Các công ty kêu gọi ủng hộ bao gồm Yelp, Sonos, DuckDuckGo và Spotify.

Trước đó, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) của chính phủ Vương quốc Anh cũng đã có những cáo buộc về việc độc quyền nền tảng di động của Apple và Google, khiến cho người dùng mất đi cơ hội sử dụng các dịch vụ tốt hơn.

Thái Hoàng (theo Reuters)