Sáng 21/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị cán bộ thành phố theo hình thức trực tuyến, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác tham dự và cho ý kiến tại hội nghị.

Hải Phòng thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi số

Theo ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Hải Phòng là địa phương đứng thứ 5 về phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, các chỉ số đánh giá xếp hạng trong lĩnh vực TT&TT, chuyển đổi số còn ở mức thấp. Theo bảng xếp hạng ICT Index, năm 2020, Hải Phòng đứng thứ 50 về hạ tầng kỹ thuật, 38 về hạ tầng nhân lực, 43 về ứng dụng CNTT và thứ 36 về Dịch vụ công trực tuyến. 

Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng phân tích về thực tế tại địa phương: hạ tầng kỹ thuật số còn thiếu và yếu, chất lượng dịch vụ chưa cao; dữ liệu số gần như không có, ít cơ sở dữ liệu dùng chung; tỷ lệ sử dụng điện thoại feature cao (9,75%); tốc độ di động và tốc độ băng thông rộng đều ở mức thấp. Ngoài ra, ngân sách chi cho CNTT của Hải Phòng ít so với các tỉnh thành khác nhất là địa phương top đầu; TMĐT tăng trưởng rất thấp so với trung bình của cả nước. “Thứ hạng này không tương xứng với thứ hạng phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Hải Phòng”, ông Cường nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng, nhiệm kỳ này đánh dấu bước thay đổi căn bản về chuyển đổi số của thành phố với cách tiếp cận mới. Nghị quyết 03 của Thành ủy xác định chuyển đổi số là động lực, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống chính trị; nhận thức đóng vai trò quyết định; vai trò đặc biệt của người đứng đầu; dữ liệu số là nguồn tài nguyên cần được chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hội nghị trực tuyến tới 327 điểm cầu và trên 11.300 đại biểu tham dự.

Thành phố đã xây dựng Chương trình hành động với 9 nhóm và 147 nhiệm vụ trong giai đoạn 2022 – 2023. Năm 2022, Hải Phòng thực hiện 59 nhiệm vụ thuộc 4 nhóm, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ gồm: Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dữ liệu dùng chung; Xây dựng dữ liệu số; Hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ số; Triển khai nhanh và mạnh ứng dụng chuyển đổi số có tác động đến chính quyền, người dân, doanh nghiệp.

Khó đâu, gỡ ngay ở đó

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác gồm các đơn vị trong Bộ và các doanh nghiệp trong ngành đã trao đổi trực tiếp, thẳng thắn để giải đáp, tháo gỡ ngay những nút thắt cho Hải Phòng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, nhiều người dân chưa nhìn thấy được lợi ích của các nền tảng số và chưa sử dụng, Hải Phòng cần giải quyết bài toán này trước. Năm 2022, các Tổ công nghệ số cộng đồng (với nòng cốt là lực lượng thanh niên) sẽ đến từng gia đình hướng dẫn trực tiếp thay vì chỉ tuyên truyền, thuyết phục. “Người dân dùng các nền tảng số rồi sẽ tạo thành xã hội số, tạo thị trường để chuyển đổi mạnh mẽ hơn”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp, tháo gỡ ngay các khó khăn của địa phương.

Tháng 6 tới, Bộ TT&TT xây dựng xong 35 nền tảng số để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài các nền tảng này, Hải Phòng có thể phát triển riêng những nền tảng số của riêng mình nhưng tinh thần phải làm nhanh, đi đầu để chia sẻ cho các địa phương khác dùng chung, có như vậy mới đưa Hải Phòng thành trung tâm công nghệ của cả nước.

Để giải quyết bài toán về phát triển hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần đo đạc, đánh giá chất lượng các dịch vụ viễn thông, hạ tầng, đưa ra yêu cầu cho các doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay xây dựng. “Đầu tư hạ tầng không quá khó, triển khai cũng nhanh, tôi đề nghị trong năm nay, thành phố chủ trì họp với các nhà mạng, tạo điều kiện cho họ xây dựng cơ sở hạ tầng, mục tiêu đưa Hải Phòng vào top 10 của cả nước”, Bộ trưởng nói.

Doanh nghiệp cam kết đầu tư tại Hải Phòng

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT kiến nghị Hải Phòng tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế để doanh nghiệp xây dựng các hạ tầng di động, băng thông rộng mới có thể triển khai kế hoạch chuyển đổi số. 

Ông Thái cho biết đối với 5 lĩnh vực được thành phố tập trung ưu tiên, các doanh nghiệp sẽ cùng phối hợp triển khai nhưng rào cản đầu tiên lại thuộc về cơ quan quản lý.  Vị này cho rằng, các doanh nghiệp sẵn sàng cam kết bởi đây là lĩnh vực mới và là cơ hội tăng trưởng doanh thu, nhưng chính quyền các cấp phải quyết tâm mới có thể thực thi. “Chúng ta có quyết tâm làm thật không, nếu quyết tâm thật mới có kết quả, nếu không sẽ rất khó”, ông Thái nói.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT

Cùng ý kiến, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel bày tỏ, doanh nghiệp mong muốn và quyết tâm phủ sóng các vùng lõm sóng nhưng đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn ở địa bàn. Viettel cho biết đơn vị cam kết triển khai các hạ tầng số, hạ tầng cáp quang đạt mục tiêu mà Hải Phòng đưa ra ngay trong năm 2022, đồng thời triển khai hạ tầng lưu trữ số và đưa thành phố trở thành trung tâm của vùng Đông Bắc.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng

Theo ông Vĩnh Tuấn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty viễn thông MobiFone, nhà mạng này hiện đang chiếm 30% thị phần tại Hải Phòng. Trong đó số thiết bị smartphone chiếm trên 88% và chỉ còn khoảng 55.000 điện thoại feature. Do đó, có thể chuyển đổi và đáp ứng mục tiêu mà Bộ TT&TT và Hải Phòng đưa ra. Đại diện MobiFone cũng cam kết cùng các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tăng số lượng trạm và phủ sóng 5G tới 95% khu dân cư trong vòng 2 năm sau khi được cấp phép băng tần. 

Ông Vĩnh Tuấn Bảo, Phó Tổng Giám đốc MobiFone

Lãnh đạo các doanh nghiệp khác như VNPT, CMC, Bkav, Gapo, Savis, Workway đều cam kết đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng logistic, trung tâm dữ liệu, đại học số tại Hải Phòng và đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất cũng như cơ chế cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số tạo động lực mới cho sự phát triển

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh lại quan điểm: Chuyển đổi số là thay đổi cách thức vận hành, thay đổi cách làm. Chuyển đổi số mà chỉ đổi mới công nghệ, không thay đổi cách thức vận hành thì không mang lại hiệu quả. Đổi mới cách thức vận hành phải đi kèm với đổi mới công nghệ thì mới mang lại hiệu quả.

Bộ trưởng cho rằng các địa phương muốn chuyển đổi số thì cần chọn các bài toán khó đã qua nhiều nhiệm kỳ không giải quyết được để công nghệ tìm lời giải. “Hải Phòng đứng trong top 5 về kinh tế lớn của đất nước, vậy có cách nào để trở thành trung tâm công nghệ số của đất nước không? Trung tâm về nguồn nhân lực số không?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số tạo ra không gian mới cho phát triển. Không gian tăng trưởng của Việt Nam còn rất lớn khi kinh tế số mới chỉ chiếm 11 - 12% GDP. “Chúng ta đặt mục tiêu vào năm 2025, kinh tế số đạt 20% GDP thì tốc độ phát triển là 20 - 25%. Tốc độ này chính là cơ hội nên luôn phải nghĩ chuyển đổi số tạo ra một không gian mới, tạo ra một sự phát triển mới”, ông nói.

Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hạ tầng số đối với phát triển kinh tế, Bộ trưởng cho biết cần phát triển được hạ tầng viễn thông băng thông rộng, phủ sóng rộng khắp, mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang. Đó là hạ tầng điện toán đám mây, lưu trữ và xử lý dữ liệu của Việt Nam tại Việt Nam. Đó là hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ. Đó là các nền tảng số quốc gia. Những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển được rất nhiều nền tảng số để giải quyết vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường. Các địa phương lựa chọn nền tảng số phù hợp để giải quyết những vấn đề của mình. 

Người đứng đầu ngành TT&TT nhận định rằng, Hải Phòng đã hội tủ đầy đủ điều kiện và cần triển khai ngay chuyển đổi số với mục tiêu và cách làm khác biệt. “Khi chúng ta đặt mục tiêu đặc biệt, chúng ta sẽ có cách làm đặc biệt mà chuyển đổi số là thay đổi và cần nhất là cách tiếp cận mới. Không gian mới, cách tiếp cận mới sẽ tạo ra sự phát triển đột phá”, Bộ trưởng nói thêm.

Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ TT&TT và UBND thành phố Hải Phòng thống nhất triển khai Chương trình phối hợp hành động thúc đẩy chuyển đổi số cho thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025.

Bài: Duy Vũ

Ảnh: Lê Anh Dũng 

XEM TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HÙNG