Chuyển đổi số thất bại vì thiếu kiến thức

PGS.TS. Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế ISB – Đại học Kinh tế TP.HCM - kể câu chuyện chuyển đổi số của một doanh nghiệp kinh doanh bánh ngọt có tiếng tại TP.HCM và cả nước. Đầu tiên, doanh nghiệp mua hệ thống phần mềm để thực hiện chuyển đổi số, song những người thợ làm bánh lành nghề lâu năm không quen vận hành công nghệ, cộng với một số rào cản khác nên thất bại.

Sau đó, vị chủ doanh nghiệp tuyển thêm nhân công trẻ, dù không có kỹ năng làm bánh điêu luyện nhưng lại làm quen với máy móc và công nghệ rất nhanh, do đó vận hành hệ thống trơn tru hơn. Và công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp mới phát triển thành công như hôm nay.

Theo ông Quân, hầu hết các doanh nghiệp khi bắt đầu chuyển đổi số đều gặp nhiều khó khăn. Ước tính có khoảng 70% doanh nghiệp thất bại vì mong đợi rất nhiều nhưng không làm được. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp vừa phải làm công việc hàng ngày để bảo đảm kinh doanh sản xuất, vừa phải đối phó với vận hành hệ thống công nghệ nên quá tải. Đơn vị nào có lãnh đạo quyết liệt thì hoàn thành chuyển đổi số nhưng không trọn vẹn, chẳng hạn chỉ tận dụng được một vài tính năng của hệ thống.

“Nhiều doanh nghiệp bỏ hàng triệu USD nhưng vận hành doanh nghiệp vừa bằng công nghệ vừa bằng… cơm. Không ít công đoạn phải dùng Excel”, ông Quân thông tin. Thất bại trong chuyển đổi số không chỉ mất tiền mà mất cả cơ hội. Ví dụ đối thủ chuyển đổi thành công, vượt lên trước, năng lực cạnh tranh cao hơn thì doanh nghiệp đi sau sẽ thua thiệt.  Bản thân mỗi doanh nghiệp hiểu rất rõ khiếm khuyết của mình nhưng lại không nắm được quy trình chuyển đổi số. Do đó, mỗi đơn vị cần trang bị kiến thức, phải trải nghiệm và nhìn được chiến lược chuyển đổi số.

{keywords}
PGS.TS. Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế ISB – Đại học Kinh tế TP.HCM phát biểu về thực trạng nhiều doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số. (Ảnh: Hải Đăng)

PGS.TS. Trần Hà Minh Quân nêu ý kiến tại buổi công bố hợp tác giữa Viện ISB và Base.vn, nhằm đưa ra một khoá đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó, giảng viên của chương trình đều là những người đã tham gia thực tế cùng doanh nghiệp.

TS. Ngô Công Khánh - Trưởng khoa Quản trị, Viện ISB - dẫn số liệu cho thấy các nhà máy trên thế giới đang có xu hướng tự động hoá hoàn toàn, giảm bớt công nhân, do đó lợi thế về nhân công giá rẻ của một số quốc gia như tại Việt Nam sẽ mất đi. Ngược lại, một số doanh nghiệp lớn lại có xu hướng chuyển sản xuất về các nước như Việt Nam nhằm tận dụng hai lợi thế: nhân công rẻ và nhà máy hiện đại. Bởi vậy chính các doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi số để thích ứng với xu hướng sản xuất mới.

“Đây là chuyện sống còn của doanh nghiệp trong thời gian tới chứ không còn là chuyện trên giấy”, ông Khánh khẳng định. Các doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nội tại, đáp ứng nhu cầu của đối tác và thị trường. 

Muốn vậy, doanh nghiệp cần có công cụ tự đánh giá năng lực về mức độ sẵn sàng, liên quan đến nhà máy, thiết bị, quản lý chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm, chiến lược và tổ chức doanh nghiệp,... Sau khi đánh giá, tuỳ năng lực và nguồn lực, doanh nghiệp có thể chọn chuyển đổi số ở hạng mục cần thiết nhất.

Cần thay đổi nhận thức của nhân viên về chuyển đổi số

Ông Lê Đức Minh, Trưởng bộ phận Triển khai khu vực miền Nam Base.vn, đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng mỗi doanh nghiệp có một thực trạng riêng nên cần có mục tiêu cụ thể, sau đó hoạch định chiến lược thực thi.

Đại diện Base.vn cho hay, cứ triển khai chuyển đổi số cho 100 khách hàng thì 20 khách thất bại vì bỏ ngang hay ngưng giữa chừng. Lý do chính của chuyển đổi không thành công là sự sẵn sàng của ban lãnh đạo và đội ngũ tiên phong chưa đạt mức cao nhất. Tuy vậy, ông Minh dẫn số liệu cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng tương tự, thống kê cho thấy trong năm 2021, 70% ngân sách chuyển đổi số toàn cầu bị lãng phí khoảng 900 triệu - 1,3 tỷ USD.

Một trong những bước quan trọng theo ông Minh, là loại bỏ rào cản tư duy của nhân viên. Nhiều người sợ bị thay thế bởi công nghệ nên sinh ra thái độ phản ứng. Cần truyền thông rõ ràng về việc công nghệ giúp đỡ chứ không thay thế con người.

Hải Đăng

Kiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm

Kiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Thừa Thiên Huế đã từng bước kiến tạo nên một mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số vì cuộc sống tốt đẹp hơn.