Bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), cho biết trong những năm tiếp theo dược phẩm sẽ trở thành ngành hàng chủ lực và tiềm năng cho công ty. Tại đại hội cổ đông thường niên của FPT Retail năm 2019, bà Điệp cho biết đến năm 2022, chuỗi bán lẻ dược phẩm của công ty dự kiến đạt 6.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm thông qua nhà thuốc.

Bà Nguyễn Bạch Điệp (cầm micro), đang phát biểu tại Đại hội cổ đông FPT Retail 2019 - Ảnh: Hải Đăng

Đóng góp doanh thu lớn nhất cho FPT Retail hiện nay là chuỗi bán lẻ hàng công nghệ FPT Shop. Dự báo của GfK năm nay ngành di động sẽ chỉ tăng trưởng 1%, bắt đầu bão hoà. Để tiếp tục tăng trưởng doanh thu, các chuỗi bán lẻ hàng công nghệ bắt đầu tìm mở lĩnh vực bán lẻ mới. Thế Giới Di Động, chuỗi bán lẻ đối thủ của FPT Shop, chọn mở bách hoá làm ngành chủ lực trong các năm tiếp theo. Trong khi đó, như tuyên bố của bà Điệp, FPT Retail sẽ chọn hướng phát triển dược phẩm.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail hiện có 20 cửa hàng, năm 2019 dự kiến mở thêm 50 cửa hàng để thành 70, đạt doanh thu dự kiến đạt 500 tỷ đồng. Các năm tiếp theo tốc độ mở mới sẽ tăng nhanh, đến năm 2022 dự kiến đạt 700 cửa hàng.

“Quy mô ngành dược hiện nay khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương độ lớn ngành hàng điện thoại. Do đó tiềm năng của ngành này rất lớn và sẽ trở thành ngành hàng chủ lực của FPT Retail trong các năm tới”, bà Điệp phát biểu.

Theo bà Điệp, hiện có khoảng 30 ngàn nhà thuốc nhỏ lẻ trên cả nước, gấp 3 lần chuỗi cửa hàng điện thoại nhỏ trước đây. Dù vậy, chưa có chuỗi nào thực sự lớn để đứng đầu ngành này. Bên cạnh đó, mức sống của người dân Việt Nam đang tăng lên, nhu cầu mua thực phẩm chức năng cũng tăng theo. Nếu thấu hiểu ngành nghề, bên cạnh chuỗi bán lẻ dược phẩm, FPT Retail có thể sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc trong tương lai.

Hiện nay chuỗi Long Châu đang lỗ khoảng 20 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 sẽ hoà vốn. Doanh thu 6.500 tỷ đồng dự kiến trong năm 2020 chưa tính kế hoạch sản xuất hay nhập khẩu, phân phối thuốc nếu có triển khai - bà Điệp giải thích.

FPT Retail đang thử nghiệm mở mới cửa hàng Long Châu, hoặc tận dụng mặt bằng và khách hàng của một số cửa hàng FPT để mở thêm cửa hàng thuốc. Ngoài thị trường TP.HCM, Long Châu sẽ mở thêm ở các tỉnh như Bình Dương, Long An,...

Nhà thuốc Long Châu đặt cạnh một cửa hàng FPT Shop - Ảnh: Long Châu

Bên cạnh chuỗi nhà thuốc, kế hoạch kinh doanh năm 2019 của FPT Retail sẽ vẫn tập trung các mảng cốt lõi của công ty, đồng thời đẩy mạnh các mảng SIM số, bán hàng online, bán trả góp vào các doanh nghiệp, và mở rộng thêm cửa hàng.

Năm 2019, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ đạt 418 tỷ, tương đương mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 20% so với năm 2018.

Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu phụ kiện đạt 1.000 tỷ đồng tương ứng tăng trưởng 350 tỷ đồng và dịch vụ sim số thu hộ tăng trưởng 100 tỷ đồng. Đây sẽ là hai mảng chiến lược đóng góp doanh thu và lợi nhuận cao cho FPT Retail trong năm 2019.

Năm nay, bà Điệp cho biết sẽ nhập trực tiếp phụ kiện từ nơi sản xuất để có mức giá rẻ hơn. Do đó phụ kiện trong năm 2019 sẽ có giá bán thấp hơn nhưng lợi nhuận có thể cao hơn 10% so với trước.

Ở mảng online, công ty sẽ hợp tác thêm với các hãng chuyên có sản phẩm bán hàng qua mạng để có mức giá phù hợp. Các sản phẩm bán online có chất lượng tương đương và có cùng chính sách bảo hành, khi được bán trên website sẽ có mức giá rẻ hơn so với khi bán tại cửa hàng.

Bà Điệp cho biết năm 2019 sẽ mở thêm 100 cửa hàng để tăng lên 633 cửa hàng. Ngoài mở rộng ở các khu vực trung tâm lớn, các cửa hàng mới sẽ đi sâu vào các khu dân cư của huyện, xã chưa khai thác.

Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2018

Trong năm 2018, FPT Retail ghi nhận tổng doanh thu đạt 15.298 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017. Doanh thu online đạt mức 2,432 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 21%. Lợi nhuận trước thuế đạt 435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017.

Tính đến tháng 12/2018, tổng số cửa hàng FPT Shop là 533, tăng 60 cửa hàng so với cuối kỳ tháng 12/2017. Doanh số trung bình trên của hàng đạt 2.4 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng nhẹ so với năm 2017.

Bên cạnh đó, số cửa hàng F-Studio by FPT (Bao gồm APR và cửa hàng AAR side – by – side) trong năm 2018 đạt 14 cửa hàng. Doanh số của chuỗi cửa hàng này đóng góp 423 tỷ đồng vào tổng doanh số FPT Retail, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong năm 2018, mảng thương mại điện tử của FPT Shop tiếp tục có sự tăng trưởng. Theo đó, lượt truy cập online của khách hàng vào trang web FPTShop.com.vn là 360.325.253 lượt, tăng 41,6% so với năm 2017. Điều này góp phần tạo nên sự tăng mạnh về doanh thu online của công ty trong năm 2018 – tăng 21% so với năm 2017.