icon icon

PV: Khi chuyển từ ngành ngoại giao sang làm một reviewer, Duy có luyến tiếc gì không bởi Học viện Ngoại giao là ngôi trường mơ ước của khá nhiều người?

Ngô Đức Duy: Tuy tốt nghiệp ngành ngoại giao, tính cách của em không đúng với một người làm nghề này cho lắm. Em ít nói, ngại giao tiếp và bị run khi nói chuyện với người khác, điều mà một sinh viên ngoại giao hay một reviewer không nên như vậy. 

Môi trường ngoại giao dạy cho em cách làm sao để cố gắng hơn. Nhiều lúc em nhìn những người bạn xung quanh với ánh mắt ngưỡng mộ. Cảm giác đấy chính là động lực khiến em phải phát triển bản thân. 

Đó là điều mà môi trường ngoại giao đã cung cấp cho em. Khi nghĩ lại quá khứ, em không cảm thấy nuối tiếc vì nó vẫn đang giúp ích cho em hàng ngày. 

PV: Rào cản của nhiều YouTuber là sự ngăn cản của gia đình bởi họ không biết con mình đang làm gì. Duy có phải chịu những áp lực như thế không?

Ngô Đức Duy: Gia đình em cũng trải qua những giai đoạn như vậy. Rất khó định nghĩa cho phụ huynh về những việc mình đang làm, để họ yên tâm đây là một công việc ổn định cho con mình phát triển lâu dài. Phải mất mấy năm trời bố mẹ em không thực sự hiểu em đang làm gì. Tuy nhiên hồi đấy mới ra trường nên bố mẹ vẫn cho phép em thử.

Dần dần, sau khi nhìn thấy những điều em đã làm, thấy người ta nói về con mình theo hướng tích cực, bố mẹ em đã bắt đầu cảm thấy yên tâm hơn. Bản thân bố mẹ em cũng là người xem YouTube, cũng tiếp cận với mạng xã hội nhiều nên dần dần cũng có một chút khái niệm mơ hồ về nghề này. Cho đến thời điểm hiện tại, bố mẹ em đã bắt đầu hiểu em đang làm gì rồi. 

PV: Nói đến một YouTuber, nhiều bậc phụ huynh không an tâm lắm khi con cái họ đi theo con đường này. Nếu có cơ hội để trấn an các bậc phụ huynh đó, Duy sẽ nói điều gì?

Ngô Đức Duy: Theo em mọi thứ đều có 2 mặt, mạng xã hội và Internet cũng như vậy. Nếu thường xuyên tiếp cận với những cái xấu thì mình sẽ thấy nó xấu, và ngược lại. Internet hay YouTube, TikTok có những mảng tối, rất tối, nhưng nó cũng có những mảng sáng khi có thể cung cấp cho chúng ta nhiều kiến thức. 

Không phải tự nhiên các nền tảng này lại phát triển mạnh đến vậy. Khi người người, nhà nhà đều dùng, ai cũng xem YouTube, TikTok thì nó phải có một giá trị nào đấy. Nếu thực sự xấu, nó sẽ bị xã hội đào thải rất nhanh. 

PV: Nhiều bạn trẻ coi YouTuber như một thần tượng. Trong mắt họ, cuộc sống của các YouTuber lúc nào cũng toàn một màu hồng. Duy có thể chia sẻ cho mọi người biết về các góc khuất của nghề này được không, những điều không phải ai cũng biết nếu chỉ xem qua màn hình điện thoại?

Ngô Đức Duy: Em không nghĩ mình là một thần tượng. Khi ra ngoài đường, nhiều bạn gặp em và bảo em là idol, nhận là fan của em, nhưng em không nghĩ mình to lớn đến thế. Em cũng chỉ là một người bình thường, lên mạng và chia sẻ những cái mà mình cảm thấy vui vẻ, thích thú cho người khác xem thôi. 

Với những bạn nghĩ làm nghề content creator (sáng tạo nội dung) toàn màu hồng, thu nhập cao, cuộc sống sang chảnh, em sẽ nói với họ rằng, nghề nào cũng như vậy cả, không có khái niệm đồng tiền dễ dàng. 

Nếu muốn kiếm được nhiều tiền, muốn có cuộc sống tốt hơn thì mình phải trả một cái giá tương xứng, bằng sự nỗ lực và cố gắng của bản thân. Không phải cứ cầm máy quay lên là cuộc sống của mình tốt ngay được. Phải trải qua một khoảng thời gian rất dài. 

Cuộc sống của em cũng không màu hồng như nhiều người vẫn tưởng đâu. Làm công việc này rất áp lực. Những áp lực này đến từ các ý tưởng, nội dung, đó là những áp lực vô hình của một người làm sáng tạo nội dung. Đó còn là áp lực từ chính những người xem mà mình không nhìn thấy họ.  

Nếu ai đó định làm nghề này, em sẽ cảnh báo họ rằng, sáng tạo nội dung là nghề mà chỉ số stress của nó không thua kém bất kỳ một nghề nghiệp nào. Thậm chí mức độ stress của nghề này còn thuộc hàng top. 

PV: Nhiều người nói rằng Duy Thẩm bây giờ giàu lắm rồi. Từ giàu này có thực sự đúng hay không?

Ngô Đức Duy: Có một định nghĩa khá vui về công ty của em. Đó là công ty này toàn người giàu, ai cũng giàu. Em có thể xác nhận điều này là chính xác. Nhưng điều quan trọng hơn cả là đã giàu thì chớ, mọi người đều rất giỏi, lại còn có cả ngoại hình. Do vậy khi vào làm việc ở đây, em thực sự cảm thấy khá là ngợp. 

Những ai theo dõi em từ lâu chắc chắn sẽ đều biết xuất phát điểm của em là như thế nào. Đối với những khán giả mới, chắc họ sẽ cho rằng em giàu, nhưng thực sự em không giàu đến mức đó. Với những người xem em từ ngày xưa, họ sẽ biết rằng em đi lên từ con số 0, cả về tài chính lẫn kinh nghiệm làm việc. 

PV: Duy có phải tiết chế lời nói của mình không khi giờ đây cả bố mẹ, họ hàng và hàng xóm,... đều xem video của mình?

Ngô Đức Duy: Có chứ. Mỗi khi em lên video, dù chỉ ngắn hơn 1 phút thôi, cá nhân em đều kiểm duyệt rất lâu, căn chỉnh từng chữ một để xem liệu có từ nào đó không ổn, có nội dung nào mình nghĩ không nên đưa ra không. 

Mọi thứ lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Nếu em nói ra điều gì đấy gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức của người xem thì nó cũng sẽ tác động ngược lại với chính bản thân mình. 

Trong thị trường này, một khi đã bị khán giả lên án, quay lưng, đó là một điều tốt kỵ mà bất cứ content creator nào cũng đều muốn tránh cả. Mỗi khi đưa bất kỳ điều gì lên mạng, bản thân em trước tiên phải cảm thấy nội dung mình chia sẻ không gây ra vấn đề gì với những người xung quanh. 

PV: Duy có bao giờ sợ khán giả có cảm giác chán mình không? Khi mà em xuất hiện quá nhiều và dần dần sau đó sẽ có thêm các thế hệ thần tượng mạng mới?

Ngô Đức Duy: Như đã nói ở trên, em không nghĩ mình là một thần tượng. Em luôn làm công việc của mình, chia sẻ những nội dung mà em thích và những người xem của em thích. Chỉ như vậy thôi. Do không phải một thần tượng, em không sợ một thế hệ thần tượng mạng nào mới nổi lên cả. 

Về vấn đề áp lực đào thải khi các khán giả có thể chán mình, đây là một áp lực rất lớn của nghề này. Danh tiếng, sự hiệu quả của mình khi làm video sẽ tỷ lệ thuận với giá trị mà mình tạo ra, cũng như thu nhập trong nghề. 

Đối với em, mỗi ngày khi làm video, luôn có một áp lực vô hình về việc mình phải làm thế nào cho tốt, để giữ chân được người xem cũng như thu hút được khán giả mới. Phải liên tục đổi mới, không được một màu. 

Mỗi sáng thức dậy, em đều phải nghĩ hôm nay mình sẽ có nội dung gì hay, để người xem thực sự cảm thấy thú vị. Đây là thách thức đối với bất cứ ai làm nghề này. Đó cũng là áp lực cũng như điều mà em suy nghĩ suốt 6 năm qua kể từ ngày làm nghề. 

PV: Trước kia, nghề của Duy hay được gọi là YouTuber, nhưng giờ đây định nghĩa về nghề này đã thay đổi vì bắt đầu xuất hiện nhiều nền tảng truyền thông hơn. Bây giờ Duy định nghĩa nghề của mình là gì?

Ngô Đức Duy: Đối với em, nghề của em là một content creator (người sáng tạo nội dung). Đúng như anh nói, nền tảng sáng tạo nội dung bây giờ không chỉ có YouTube mà còn có TikTok, Instagram và nhiều nền tảng khác. Bởi vậy, người sáng tạo nội dung có lẽ là từ miêu tả hợp lý nhất cho công việc mà em đang làm. 

PV: Đâu là khoảnh khắc khiến Duy không thể nào quên trong sự nghiệp?

Ngô Đức Duy: Đó là cảm xúc sau khi video đầu tiên mà em thực hiện được đăng tải lên YouTube. Khi đọc bình luận, em khá suy sụp bởi 100% người xem đều chê. Họ bảo sao giọng chán thế, nói không ra hơi, tay run như cầy sấy. Đó là khoảnh khắc mà em nghĩ dù có làm bao nhiêu năm em cũng không bao giờ quên được. 

PV: So với khoảng 5 năm trước đây, nghề YouTuber nói riêng hay content creator nói chung đã chuyên nghiệp hóa hơn rất nhiều. Vậy Duy hình dung về nghề này thế nào trong khoảng 5 năm tiếp theo?

Ngô Đức Duy: Ở thời điểm em mới làm, không ai có thể hình dung được có một ngày người ta chuyển từ dạng video dài trên YouTube sang video ngắn trên TikTok. 

Sự chuyển giao này thậm chí diễn ra nhanh đến mức độ chóng mặt. Một số người đồng nghiệp của em ở thời điểm hiện tại đang bắt đầu cảm thấy tiếc nuối khi họ không chuyển đổi nội dung của mình sang dạng video ngắn sớm hơn. Khi họ định làm thì đã quá muộn rồi. 

Trong vòng 5 năm tới, em nghĩ nghề của mình sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa và thậm chí đào thải những thứ mà mình nghĩ đang tốt ở thời điểm hiện tại. Có thể sẽ có một nền tảng nào đó nổi lên và đe doạ cả TikTok lẫn YouTube, như cách TikTok đang đe dọa YouTube và Facebook bây giờ. 

Ngay như TikTok, nền tảng này đang bắt đầu tích hợp cả những tính năng mua sắm trên một ứng dụng mà chúng ta vẫn nghĩ chỉ dùng để xem video. Biết đâu đó, vài năm nữa, những nền tảng này lại đưa ta tới với những hình thức tương tác mới mà chúng ta nghĩ là không thể nào thực hiện được. 

Bất cứ ai đang làm nghề này cũng nên sẵn sàng cho một sự thay đổi. Nếu nhận ra một nền tảng hay một xu hướng nào đó đang dần tác động đến thị hiếu người xem, chúng ta phải chuyển đổi ngay lập tức. Mạng xã hội và nội dung sẽ không bao giờ chờ ai cả.

PV: Ước mơ của một người làm nội dung có lẽ sẽ thay đổi theo thời gian. Ban đầu họ sẽ muốn có nhiều người xem video của mình, sau đó họ sẽ muốn có nhiều lượt tương tác tích cực, tiếp đến là có nhiều thu nhập từ nghề. Vậy bây giờ, với Duy, khi đã có những thành tựu đó rồi, ước mơ của em là gì?

Ngô Đức Duy: Cách đây 5, 6 năm, khi mới bắt đầu theo nghề, ước mơ đầu tiên của em là có một kênh YouTube của riêng mình. Sau đó, em có ước mơ muốn có một nút bạc YouTube. Tiếp đến, em tưởng tượng cảnh mình nhận nút vàng YouTube sẽ rất vui. Mới đây, khi chuyển từ YouTube sang một nền tảng mới, điều mong muốn của em là có được 1 triệu người theo dõi trên TikTok. 

Hiện tất cả những mục tiêu trên của em đều đã đạt được, tuy vậy, em luôn cảm thấy mình vẫn đang còn thiếu một cái gì đó. Em luôn có một tâm niệm, đó là khi mình đã đạt được một cái gì đó thì mình sẽ coi nó như một điều bình thường. Lúc đó, em sẽ đi tìm kiếm một thử thách mới khó hơn. Cuộc sống của em giống như một thế giới game. Em luôn nghĩ cách vượt qua level và phá đảo trò chơi của mình. 

Nếu để nói về một mục tiêu ngắn hạn, em muốn phát triển nền tảng cá nhân của mình cao hơn, xa hơn và rộng hơn nữa. Ngày xưa nhiều người biết đến em là một reviewer công nghệ. Khi em đã có chỗ đứng trong nghề, em muốn chinh phục những thử thách khác, mở rộng nội dung của mình sang những mảng mới, ví dụ như trải nghiệm, du lịch, xe cộ,... 

Mục tiêu trong tương lai gần của em là có thêm nhiều khán giả ở những mảng nội dung mới. Có thể khi đó trong mắt người xem em không phải một chuyên gia, nhưng họ sẽ xem em ở góc độ của một người trải nghiệm. Đó là những điều em đang thử nghiệm và cũng đã có những thành công nhất định. 

Với tương lai xa hơn, em muốn những người xung quanh, các đồng nghiệp của em đều có được những thành công tương tự như em. Em muốn tập thể của mình là một team mạnh. Đó cũng là cái mà em đang làm bây giờ. Em đang dùng sự ảnh hưởng nho nhỏ của mình để lan truyền giúp những người xung quanh em được nhiều người biết đến hơn. 

Theo suy nghĩ của em, đi một mình có thể sẽ đi nhanh, nhưng nếu đi cùng nhau mình sẽ đi được xa, xa hơn nữa.

PV: Cảm ơn Duy vì buổi trao đổi này.

Trọng Đạt

Thiết kế: Nguyễn Ngọc

Trọng Đạt

Xem các bài viết của tác giả