80% khách hàng EVN thanh toán không tiền mặt

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2021, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, chuyển đổi số đã được Tập đoàn triển khai từ sớm.

Theo ông Lâm, EVN hiện có 29,5 triệu hợp đồng mua bán điện tử với 19 triệu công tơ điện, trong đó có trên 50% có thể theo dõi từ xa. Ông Lâm khẳng định đây là một tỷ lệ cao trong khu vực ASEAN.

Từ năm 2012, EVN là đơn vị đầu tiên thực hiện Thông tư 32 của Bộ Tài chính về cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử. Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, đơn vị này đang phát hành khoảng 400 triệu hóa đơn điện tử mỗi năm.

{keywords}
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN. Ảnh: Anh Dũng

Ngoài việc đưa toàn bộ 12 dịch vụ công ngành điện lên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, EVN kết hợp với các ngân hàng tạo ra nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng với các dịch vụ thanh toán không tiền mặt.

“80% khách hàng của EVN trên toàn quốc, với 94% số tiền được sử dụng bằng các giao dịch điện tử", ông Lâm nói.

Vị này cho hay, trong năm 2021, EVN đã cung cấp nền tảng chăm sóc khách hàng Epoint để khách hàng tra cứu tiền điện, sản lượng điện tiêu thụ. Điện lực Việt Nam cũng đặt mục tiêu kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư và hóa đơn điện tử với Tổng cục Thuế. “EVN đặt mục tiêu từ 1/1/2022, sẽ cung cấp dịch vụ điện sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Lâm chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển năng lượng

Tính đến tháng 11/2021, công suất sản xuất điện của Việt Nam đạt gần 76.000 MW. Trong đó, tỷ lệ năng lượng tái tạo đang tăng lên đáng kể. 

Năng lượng mặt trời tại Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 27% sản lượng điện quốc gia, đứng thứ 8 trên thế giới, công suất lắp đặt đạt 17.000MW, tương đương với Úc và chỉ thua một số cường quốc đã đi trước chúng ta từ rất lâu như Mỹ, Trung Quốc”, Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ.

Năng lượng là ngành được ứng dụng số hoá từ sớm so với các ngành, lĩnh vực khác. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ gần đây, như công nghệ cảm biến, lưu trữ, phân tích dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hoá… là tiền đề để năng lượng đạt được các tiến bộ vượt trội.

Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, tác động của công nghệ số cần nhìn nhận từ hai thành phần chính của ngành năng lượng là phía cung ứng và phía tiêu thụ (khách hàng).

Hiện, các khâu từ sản xuất cho tới cung cấp dịch vụ đều có dấu ấn của chuyển đổi số. Ví dụ, tại Việt Nam, tính tới tháng 11/2021, 55% dịch vụ được thực hiện trên cổng dịch vụ công quốc gia là liên quan đến năng lượng điện. Hệ thống giám sát điều khiển không người đã được áp dụng phần lớn với các trạm 110kV (96,4%) và trạm 220kV (74%). Tỷ lệ không dùng tiền mặt, được hỗ trợ bởi quá trình số hoá từ khâu đăng ký dịch vụ, thanh toán cho tới chăm sóc khách hàng bằng ứng dụng AI chatbot.

Trong khi đó, người dùng cũng là yếu tố thúc đẩy ngành năng lượng ứng dụng công nghệ số trong bối cảnh năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng chủ đạo. "Thông qua phần mềm và ứng dụng do EVN phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ phát triển, giờ đây người dùng có thể giám sát mức độ tiêu thụ điện hàng ngày, hàng giờ", vị này nói.

Mục tiêu sắp tới, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết sẽ tập trung sử dụng EVN Cloud và phát triển các trung tâm dữ liệu của các công ty thành viên trong toàn Tập đoàn. Ngoài ra, EVN sẽ tạo ra một nền tảng năng lượng chung để nâng cấp trải nghiệm dịch vụ khách hàng.

Duy Vũ - Vinh Ngô

"Doanh nghiệp Make in Vietnam phải bắt tay để tạo ra hệ sinh thái chuyển đổi số"

"Doanh nghiệp Make in Vietnam phải bắt tay để tạo ra hệ sinh thái chuyển đổi số"

Theo ông Hoàng Minh Quân, CEO Cloudify, nền kinh tế số Việt Nam đứng trước cơ hội tăng trưởng lớn nhất trong khu vực, nhưng các doanh nghiệp Make in Vietnam cần bắt tay tạo hệ sinh thái số, để thúc đẩy khối doanh nghiệp SME tăng trưởng.