{keywords}

Facebook dọa không cho phép người dùng tại Australia chia sẻ cả tin tức địa phương lẫn quốc tế trên Facebook và Instagram nếu chính phủ nước này thông qua quy định về thỏa thuận tài chính giữa các nhà xuất bản và nền tảng trực tuyến. 

Quy định mới sẽ buộc các công ty như Facebook, Google phải "chia" miếng bánh doanh thu quảng cáo kỹ thuật số lớn hơn cho các nhà xuất bản vì sử dụng nội dung tin tức của họ. Đây được xem là nỗ lực lớn nhất của một quốc gia nhằm kìm hãm sức mạnh của các "ông lớn" công nghệ với ngành tin tức.

Facebook cho rằng điều đó không hợp lý. Mạng xã hội đã trình lên phương án mà họ cho là hiệu quả hơn song không được áp dụng. Trong bài blog đăng tối muộn ngày 31/8, Campbell Brown, Giám đốc đối tác tin tức toàn cầu của Facebook, nói rằng Australia chỉ cho họ 2 lựa chọn: Loại bỏ tin tức hoàn toàn hoặc chấp nhận hệ thống mà trong đó các nhà xuất bản có thể tính phí bao nhiêu nội dung mà họ muốn với mức giá không có giới hạn rõ ràng. "Thật không may, không doanh nghiệp nào có thể vận hành theo cách ấy", bà khẳng định. 

"Giả định dự thảo trở thành luật, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài dừng cho phép nhà xuất bản và người dùng tại Australia chia sẻ tin tức địa phương và quốc tế trên Facebook và Instagram", nữ giám đốc Facebook tiếp tục.

Các hãng thông tấn trên thế giới từ lâu đã "gai mắt" với việc Google và Facebook chiếm đoạt thị trường quảng cáo số. Hai công ty chiếm hơn một nửa chi tiêu quảng cáo số thường niên tại Mỹ và hơn 70% tại Australia. Điều đó khiến các hãng thông tấn phải chia nhau miếng bánh nhỏ bé còn lại ngay cả khi tin tức của họ tiếp cận lượng độc giả ngày một lớn.

Vài năm gần đây, các nước Châu Âu đã cố gắng buộc những nền tảng trực tuyến trả nhiều tiền hơn cho nhà xuất bản nhưng thất bại. Khi Tây Ban Nha thông qua luật năm 2014 buộc Google trả tiền khi sử dụng tiêu đề và tóm tắt nội dung bài báo trong Google News, Google đã thẳng tay loại các hãng tin Tây Ban Nha, giáng đòn chí mạng vào ngành báo chí trong nước. Pháp và Đức cũng từng thử sức nhưng đều thua cuộc.

Quy định mới của Australia đi xa hơn khi thành lập ban trọng tài độc lập để xác định mức giá mà Facebook và Google phải trả cho nhà xuất bản. Các nền tảng không có quyền rút khỏi thỏa thuận và có thể bị phạt tối đa 10% doanh thu tại Australia cho mỗi vi phạm.

Dù tin tức đóng góp tương đối nhỏ cho doanh thu mạng xã hội, nó lại làm nên sức hấp dẫn cho các nền tảng này. Quyết định tước quyền chia sẻ tin tức của người dùng Australia có thể gây tổn hại lớn tới uy tín của hãng, đặc biệt nếu các nước khác làm theo Australia.

Tuy nhiên, dường như Brown không lo ngại về hiệu ứng gợn sóng. Bà cho rằng Australia là ngoại lệ. Công ty đang đầu tư vào tin tức tại Mỹ và các thị trường khác trên thế giới, tìm ra những thứ có hiệu quả và không có ý định chậm lại. Họ sẽ mở rộng Facebook News sang các nước khác.

Nỗ lực của Australia có thực sự tốt cho toàn ngành báo chí không còn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia tin rằng sẽ phản tác dụng nếu áp đặt quy định quá khắt khe và cuối cùng làm xói mòn khả năng hưởng lợi từ mạng lưới phân phối của Facebook, Google. Theo Bloomberg, nếu các nền tảng loại bỏ cả tiêu đề và tóm tắt nội dung, nó sẽ dẫn tới lượng truy cập giảm, doanh thu giảm, cạnh tranh giảm, cản trở đổi mới và tước mất của người dùng một dịch vụ giá trị. CEO chuẩn bị nghỉ việc của New York Times cũng đồng tình. Quan điểm của ông là ngành báo chí càng khiến cho các nền tảng cộng tác và tình nguyện hỗ trợ báo chí ở mọi cấp độ, họ càng có lợi. Ngược lại, nếu nó trở thành một phần trong quy trình pháp lý và chính trị kéo dài, sẽ không có nhiều sự trợ giúp và gây nhiều hệ lụy tới quảng cáo.

Du Lam (Theo CNBC)

Australia kiện Google dùng sai dữ liệu người dùng

Australia kiện Google dùng sai dữ liệu người dùng

Cơ quan quản lý cạnh tranh Australia đang tiến hành các thủ tục tố tụng chống lại Google vì khiến người dùng nhầm lẫn về việc sử dụng dữ liệu cá nhân cho quảng cáo mục tiêu.