{keywords}
 

Đây chính là kết luận của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature: Human Behavior tháng 3/2020. Một nhóm nghiên cứu do chuyên gia Andrew Guess của Đại học Princeton dẫn đầu đã theo dõi lượng sử dụng Internet của hơn 3.000 người Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Họ phát hiện hơn 15% thời gian Facebook dẫn tới các nguồn tin không đáng tin cậy, trong khi chỉ có 6% dẫn đến các nguồn tin chính thống. Tỉ lệ này của Google là 3,3% so với 6,2% và Twitter là 1% so với 1,5%.

Điều nghiêm trọng hơn, theo các nhà nghiên cứu, đó là tỉ lệ tương tác với các website tin giả mà họ quan sát được. Ước tính, thời gian đọc trung bình một tin giả là 64 giây, còn tin thật là 42 giây.

Tháng 7/2020, tỷ phú Bill Gates đưa ra quan điểm tương tự. Ông cho rằng tin giả có xu hướng phát tán nhanh hơn tin thật trên các mạng xã hội. Tin thật lan truyền một cách chậm chạp so với thông tin xuyên tạc, tiêu cực, khiến cho những công ty như Facebook khó đạt được cân bằng.

Tháng 10/2020, một báo cáo khác cho thấy nhiều người tương tác với tin giả trên Facebook hơn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 so với năm 2016. Kể từ năm 2016, lượt tương tác với tin giả tăng tới 242%. Các nhà nghiên cứu cho biết nội dung đến từ những website ngụy trang là cơ quan báo chí nhưng liên tục đưa thông tin sai sự thật.

Và cho tới thời điểm hiện tại, sau khi Facebook tuyên bố cấm người dùng Australia tiếp cận tin tức trên nền tảng của mình, tin giả vẫn tồn tại. Người Australia vẫn nhìn thấy tin giả nhưng mỉa mai thay, chúng không còn phải cạnh tranh với tin thật nữa. Từ 18/2, họ không được xem, chia sẻ tin tức trong nước lẫn quốc tế. Người dùng nước ngoài không được chia sẻ hay xem tin tức từ Australia. Ngay cả những đối tác xác minh sự thật cho Facebook cũng không thể đăng nội dung mà họ tạo cho công ty. Điều đó đồng nghĩa, người dùng không thể sử dụng bất kỳ thứ gì để chống lại tin giả mỗi khi họ nhìn thấy nó.

Theo Gizmodo, Facebook không cấm tất cả tin tức. Những hội nhóm “anti vaccine” lâu đời và lớn nhất Australia, những website tin giả thường đăng nội dung cực đoan, thuyết âm mưu… đều không bị ảnh hưởng. Trong khi mạng xã hội này lựa chọn đối đầu với chính phủ Australia, tin giả tiếp tục sống tốt, thậm chí còn sống khỏe hơn do thiếu vắng nguồn tin chính thống. Đặc biệt, nó lại xảy ra trong thời kỳ dịch bệnh, khi Australia bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine Covid-19 và bước vào mùa cháy rừng. Đây không phải lúc để tin giả hoành hành.

Tờ The Conversation từng nhận định: “Facebook chính là lý do khiến tin giả ở lại”. Vấn đề đầu tiên với Facebook chính là mô hình kinh doanh của nó. Mạng xã hội nhanh chóng vươn mình thành doanh nghiệp tỷ đô nhờ thu thập và sử dụng dữ liệu do 2,79 tỷ người dùng chia sẻ. Dữ liệu này định hình những quảng cáo chúng ta nhìn thấy trên Bảng tin. Facebook lấy thông tin từ những gì chúng ta thích, bình luận, chia sẻ; những bài viết chúng ta ẩn và xóa; những video chúng ta xem; những quảng cáo chúng ta bấm vào; những câu đố mà chúng ta tham gia. Thực tế, bê bối Cambridge Analytica chấn động năm 2014 cũng xuất phát từ những câu đố tưởng như vô thưởng vô phạt ấy. Lãnh đạo Facebook biết về vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ nhưng lựa chọn giải quyết nội bộ mà không công khai cho tới khi mọi việc vỡ lở.

Đây là điều vô nghĩa khi sứ mệnh của Facebook là tạo ra một thế giới cởi mở hơn và gắn kết hơn, xây dựng dựa trên sự minh bạch và niềm tin. Một doanh nghiệp nói rằng bảo vệ và xem trọng quyền riêng tư lại kiếm hàng tỷ USD từ dữ liệu và vướng vào bê bối dữ liệu.

Song, khi các sự cố xảy ra, Mark Zuckerberg và Facebook lại phủ nhận tầm ảnh hưởng và vai trò của mình.

Hiện tại, Facebook xử lý vấn nạn tin giả trên nền tảng theo ba hướng: phá vỡ động lực kinh tế do hầu hết tin giả có động cơ tài chính; xây dựng sản phẩm mới nhằm ngăn phát tán tin giả; hỗ trợ mọi người khi chạm trán tin giả.

Bất chấp các nỗ lực kể trên, Facebook vẫn đang kiếm tiền từ tin giả, cụ thể là từ các website anti vaccine. Theo tổ chức phi lợi nhuận Báo chí điều tra của Anh, Facebook cho phép người dùng hưởng lợi khi phát tán thuyết âm mưu, thông tin sai sự thật về dịch bệnh và vaccine, trong đó triển khai công cụ huy động tiền trên các trang chứa nội dung đã bị báo cáo.

Một cuộc điều tra chỉ ra 430 trang – với tổng cộng 45 triệu người theo dõi – đang sử dụng công cụ của Facebook, bao gồm các cửa hàng ảo và thuê bao, trong khi lan truyền tin xuyên tạc về Covid-19 hoặc vaccine. Điều này xảy ra dù một năm trước, công ty cam kết không người dùng hay tổ chức nào được kiếm lời trực tiếp từ thông tin giả mạo về Covid-19.

Nhìn chung, Facebook không ăn hoa hồng từ thu nhập này nhưng thi thoảng vẫn có. Ngoài ra, nó được hưởng lợi tài chính gián tiếp khi người dùng tương tác với nội dung và ở lại trên các dịch vụ, tiếp cận nhiều quảng cáo hơn.

Phát hiện của tổ chức chỉ vạch trần một phần nhỏ trong lượng thông tin sai sự thật khổng lồ trên Facebook liên quan tới đại dịch và vaccine. Người phát ngôn của mạng xã hội cho biết đang điều tra và đã xóa bỏ một số trang do vi phạm chính sách. Tuy nhiên, người này khẳng định nhiều bài viết chứa thông tin sai sự thật lại không vi phạm quy định Facebook.

Trong lúc Facebook vẫn “giằng co” về trách nhiệm với tin giả, tin giả đã gây ra hậu quả trong đời thực. Tháng 8/2020, một báo cáo trên Tạp chí Y học nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ chỉ ra gần 6.000 người đã nhập viện trong ba tháng đầu năm 2020 chỉ vì một thông tin sai lầm về Covid-19 trên mạng. Ít nhất 800 người tử vong trên toàn cầu do làm theo tin đồn uống cồn để diệt Covid-19. Còn Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định vào cuối tháng 1 khi triển khai chương trình tiêm vaccine tại đây: Tin giả và tin sai sự thật có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.

Du Lam (Tổng hợp)

 

Australia sẽ không quảng bá vaccine Covid-19 trên Facebook

Australia sẽ không quảng bá vaccine Covid-19 trên Facebook

Cho tới khi Facebook giải quyết xong vấn đề tin tức tại Australia, nước này sẽ không quảng cáo trả tiền vaccine Covid-19 trên nền tảng.