Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết trong giai đoạn dịch Covid-19, tỷ lệ thanh toán xuyên biên giới tại Việt Nam gia tăng, trong đó bao gồm thanh toán chi phí quảng cáo cho Facebook và Google.

{keywords}
Nhân viên đơn vị giao hàng online trên đường phố TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng)

Tại Việt Nam, hai nền tảng nói trên đang chiếm thị phần lớn nhất về quảng cáo online. Song Facebook dường như mất lợi thế. Bản cập nhật iOS 14.5 khiến mạng xã hội này chịu ảnh hưởng nặng nề, cộng với việc chăm sóc khách hàng quảng cáo kém hơn đối thủ có thể khiến Facebook bị quay lưng.

Anh Danh Nguyễn, một người kinh doanh hàng cao cấp tại TP.HCM, cho biết doanh thu trên chi phí quảng cáo từ Facebook đang giảm xuống nhiều so với trước.

“Cùng với số tiền quảng cáo có khi gần trăm triệu đồng mỗi tháng, doanh thu đang giảm xuống khoảng 20-30%”, anh Danh nói với ICTnews.

Điều này có thể đến từ việc mới đây khi Apple nâng cấp hệ điều hành lên iOS 14.5, có điều khoản để người dùng chọn có cho ứng dụng theo dõi hành vi hay không. Việc chọn không cho phép các ứng dụng như Facebook thu thập dữ liệu sẽ khiến các quảng cáo kém chính xác hơn vì thông tin về hành vi không còn chính xác.

Tuy nhiên, anh Danh cho biết doanh thu đến từ Facebook đã không còn tốt ngay trước khi Apple tung iOS 14.5, điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự cạnh tranh của các nền tảng thương mại điện tử.

Hàng triệu người dùng iPhone khốn đốn vì iOS 14.5.1

Hàng triệu người dùng iPhone khốn đốn vì iOS 14.5.1

Bản cập nhật iOS 14.5.1 vá hai lỗi bảo mật lớn song lại khiến người dùng iPhone khốn đốn vì gây ra những vấn đề nghiêm trọng.  

Thêm vào đó, theo anh Danh, đối với các cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ như anh, việc hỗ trợ từ Facebook khá kém so với nền tảng khác. Khi có sự cố xảy ra, chờ đợi phản hồi từ nền tảng này thường mất thời gian. Trong khi đó, dù không quá thuận tiện nhưng Google vẫn có đội ngũ nhân viên nói tiếng Việt hỗ trợ người quảng cáo ở chừng mực nhất định.

Không phủ nhận Facebook vẫn là một kênh quảng cáo và bán hàng hiện hữu, anh Danh cho biết đang có dự định mở rộng kinh doanh sang các nền tảng online khác. “Tôi sẽ đưa thử một số sản phẩm ít cao cấp hơn lên các sàn thương mại điện tử xem hiệu quả thế nào”, anh Danh cho hay.

Từ khi Covid-19 bùng phát, thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng mạnh. Theo thống kê của Visa, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử trong giai đoạn quý 1 năm 2021 tăng 5,5 lần so với quý 4 năm 2020. 

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng khẳng định sự tăng trưởng của mua sắm online thời dịch. Chẳng hạn, ở lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến, khảo sát của Vecom cho thấy sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%. 

Với tốc độ tăng trưởng 15% trong năm 2020, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.

Do xu hướng người dân tăng cường mua sắm online, các đơn vị kinh doanh tích cực lên sàn. Số lượng người bán mới tham gia thương mại điện tử cũng tăng lên.

Một chương trình chỉ dành cho nhà bán mới trên Shopee vào tháng 4 cho thấy chỉ trong vòng một tháng, số lượng nhà bán tham gia đạt gần 8.000.

Để thu hút nhà bán lên sàn, các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada đều có nhiều chính sách thu hút nhà bán mới. 

Tuỳ theo quy mô cửa hàng, Shopee tặng các gói như miễn phí vận chuyển, đặt quảng cáo ở nơi có lượng truy cập cao, hiển thị nổi bật ra trang chủ. Việc này nhằm giúp tăng lượt truy cập cho cửa hàng, tăng doanh thu, thu hút người mua, đồng thời xây dựng nhóm khách hàng trung thành. Nền tảng này cũng tặng những khoá học để đào tạo các nhà bán mới gia tăng doanh thu.

Phía Tiki có các gói hỗ trợ nhà bán mới tuỳ thuộc vào số lượng sản phẩm và ngành hàng. Chẳng hạn, miễn phí các gói hiển thị và công cụ quảng cáo, hỗ trợ xuất hiện trên các chương trình siêu giảm giá để hiển thị sản phẩm ở vị trí trên trang chủ, gia tăng tần suất xuất hiện nhằm tiếp cận khách hàng.

Câu chuyện Apple cho phép người dùng từ chối bị thu thập dữ liệu có thể ảnh hưởng đến nhiều ứng dụng, tuy nhiên nhìn vào cách phản ứng có thể thấy Facebook chịu ảnh hưởng lớn nhất. Xét riêng yếu tố quảng cáo và bán hàng, việc mạng xã hội số 1 thế giới bị kìm chân có thể là cơ hội để các nền tảng khác vươn lên, trong đó có những nền tảng thương mại điện tử.

Hải Đăng

Người bán hàng online Việt lao đao sau bản cập nhật iOS 14.5

Người bán hàng online Việt lao đao sau bản cập nhật iOS 14.5

Bản cập nhật iOS mới nhất cho phép người dùng chặn các ứng dụng như Facebook theo dõi họ. Điều này khiến hiệu quả quảng cáo trên mạng xã hội này giảm sút.