Hiểm họa không chỉ cho mình, mà cho cả người thân

Facebook quyết diệt nạn mua bán like, share ảo và khuyến cáo người dùng Việt Nam

Hiện nay, rất nhiều bên thứ ba tự xưng là “đối tác” của Facebook để tăng like nhằm “hỗ trợ bán hàng” hay “tăng tương tác”. Thực chất, việc này đem lại nhiều nguy hại về bảo mật tài khoản, xảy ra do thiếu hiểu biết và cẩn trọng”

Do đó, người dùng nên chủ động tìm hiểu để trang bị kiến thức an toàn cho chính mình. Cung cấp thông tin đăng nhập cho bên thứ 3 để đổi lấy tương tác ảo đồng nghĩa với việc người dùng đã tiết lộ mật khẩu đăng nhập vào tài khoản của mình, dẫn tới những hậu quả khôn lường:

Tài khoản bị lấy cắp: Một khi mật khẩu bị tiết lộ (dù vô tình hay cố ý), người dùng phải đối mặt với nguy cơ cao bị hack hoặc bị đánh cắp tài khoản.

Mất quyền kiểm soát tài khoản: Khi được cấp quyền sử dụng, kẻ xấu có thể kiểm soát tài khoản để phát tán tin giả, tin rác, đặc biệt là các nội dung độc hại như đường link giả, vi phạm pháp luật và thông tin khủng bố… Người dùng nên chú ý những dấu hiệu cho thấy tài khoản đã bị mất quyền kiểm soát như: gửi tin nhắn spam hoặc nội dung không mong muốn, có vị trí lạ trong lịch sử đăng nhập, tin nhắn hoặc bài đăng lạ trong Nhật ký hoạt động…

Nguy hiểm cho bạn bè và người thân: Một khi tài khoản bị chiếm đoạt, người thân và bạn bè cũng sẽ dễ dàng rơi vào nguy hiểm nếu vô tư nhấp vào các đường link giả mạo và vô tình trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo và các nội dung độc hại từ những kẻ xấu này.

Doanh nghiệp cũng rơi vào thế “tiền mất tật mang”

Nhiều doanh nghiệp tìm đến các dịch vụ mua bán tương tác vì nghĩ rằng số like, share lớn sẽ đem lại danh tiếng cho công ty của mình. Tuy nhiên, danh tiếng đều được xây dựng dựa vào niềm tin, dù là cuộc sống thật hay trong không gian ảo. Quyết định dùng tiền để mua danh tiếng “ảo” bằng like, share trên Facebook có nghĩa là phá vỡ niềm tin “thật” từ những người dùng MXH chân chính. Một khi niềm tin không còn thì những con số like và share kia cũng chẳng còn ý nghĩa. 

Ông Simon Harari, Giám đốc phụ trách mảng Chính sách nội dung Facebook khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong lần đến Việt Nam gần đây đã khẳng định: “Những dịch vụ mua bán tương tác hay hỗ trợ mở khóa tài khoản đều là hành vi phạm với Tiêu chuẩn cộng đồng và bị cấm trên Facebook (kể cả Instagram). Chúng tôi sẽ thực hiện những động thái quyết liệt trong việc bài trừ các loại hình lừa đảo trên nền tảng của mình để bảo vệ người dùng, vì một môi trường mạng xã hội lành mạnh hơn.”

Chính vì vậy, các quảng cáo dịch vụ liên quan đến Facebook, hay “đối tác của Facebook”, thực chất chỉ là các chiêu trò lừa đảo để lợi dụng lòng tin của người dùng. Hoạt động lọc, xóa các các tài khoản, trang như vậy được thực hiện thường xuyên và liên tục nên những tài khoản vi phạm rất khó để “lọt lưới”.

Việc sử dụng các dịch vụ của bên thứ ba còn gây thiệt hại về mặt kinh tế cho doanh nghiệp., dẫn đến “tiền mất tật mang” khi lượng tương tác ảo tốn một khoản tiền không nhỏ lại bị xóa đi. Mặt khác, điều này còn ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp, bởi khách hàng sẽ mất đi niềm tin khi nhận thấy tương tác và số lượng theo dõi của trang bị giảm đi đột ngột, khiến việc gây dựng lại hình ảnh sẽ càng khó khăn hơn. 

Ông Nguyễn Văn Phương, chuyên gia Marketing và Sáng lập Học Viện Quản trị Kinh Doanh Sage, chuyên cung cấp các khoá đào tạo về truyền thông và marketing cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết: “Người dùng doanh nghiệp cần phải tỉnh táo trước những chiêu trò lừa đảo để lợi dụng lòng tin để trục lợi. Rõ ràng, mua bán like, share ảo không phải là một cách để xây dựng danh tiếng của doanh nghiệp một cách bền vững.”