Sáng 29/9, Facebook tổ chức họp báo về nguyên tắc phân phối nội dung trên bảng tin (news feed) của người dùng. Trong đó, mạng xã hội thông tin cho giới truyền thông khu vực Châu Á Thái Bình Dương về cách họ hiển thị nội dung trên bảng tin được cá nhân hoá cho mỗi người dùng và cách họ hạn chế hiển thị một số thông tin khác.

{keywords}
Ông Jason Hirsch - Trưởng bộ phận chính sách hợp pháp và liêm chính của Facebook - trong buổi họp online. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Jason Hirsch - Trưởng bộ phận chính sách hợp pháp và liêm chính - cho biết những nội dung và bài bán hàng liên quan đến các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ sẽ bị hạn chế hiển thị trên Facebook, do phản hồi từ nhiều người dùng không thích một số nội dung này.

Ông Jason đưa ví dụ minh hoạ về một sản phẩm quảng bá khả năng giảm cân nhanh chóng và cho rằng những quảng cáo như vậy rất khó để xác định tính hiệu quả khiến người dùng phản hồi không tốt, do đó nội dung dạng này sẽ bị hạn chế hiển thị.

Ông cũng đưa ví dụ về một bài viết mang lời lẽ và hình minh hoạ có tính chất lôi kéo người dùng click vào những nội dung không có giá trị. Dạng thông tin này cũng bị hạn chế do người dùng nhiều lần phản ánh.

Trả lời ICTnews, ông Jason khẳng định lại việc hạn chế những nội dung thông thường lẫn bài bán hàng liên quan đến các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ trên Facebook.

“Chúng tôi sẽ chỉ cung cấp những thông tin có giá trị liên quan đến chủ đề chăm sóc sức khoẻ. Chẳng hạn thông tin về Covid-19 phải từ nguồn chính thống và được đánh giá cao”, ông Jason nói. Đại diện Facebook liên tục nhắc về việc phân phối nội dung có giá trị cho người dùng trên nền tảng của họ, kết hợp với việc hạn chế các nội dung bán hàng về chăm sóc sức khoẻ.

ICTnews cũng đặt vấn đề có phải sắp tới những bài viết trên Facebook sẽ chỉ thuần là thông tin hữu ích, không có bài bán hàng?

Ông Jason khẳng định thông tin có giá trị được cá nhân hoá cho từng người dùng, mỗi cá nhân sẽ có tiêu chuẩn khác nhau về giá trị thông tin. Riêng các nội dung về chăm sóc sức khoẻ sẽ bị hạn chế, thậm chí có một bộ tiêu chí riêng so với nội dung khác. Tuy nhiên, ông không chắc việc người dùng có ít nhìn thấy những bài bán hàng ở các mảng khác hay không.

Trong buổi họp báo cung cấp thông tin, Facebook cho biết một người bình thường chỉ có thể xem một lúc khoảng vài chục đến dưới 300 nội dung trên nền tảng của họ. Trong khi đó, ước tính với số lượng bạn bè và nhóm mà một người tham gia, họ phải nhận tổng cộng hơn chục ngàn nội dung có liên quan. Do đó, mạng xã hội này dùng hệ thống đánh giá, chấm điểm để hiển thị nội dung phù hợp nhất trên bảng tin của người dùng, theo thứ tự tin liên quan nhất được đứng trước.

Do những thông tin được hiển thị dạng cá nhân hoá nên hai người khác nhau sẽ có hai bảng tin gần như khác nhau hoàn toàn.

Để chọn tin tức phù hợp với một người, Facebook dựa vào các đặc điểm sau: ai đăng nội dung, mức độ tương tác với nội dung, sự quan tâm của một người với dạng nội dung đó, kiểu nội dung là gì (video, hình ảnh, bài viết,...), sự phổ biến của nội dung đó trên mạng,... 

Ngoài ra, mạng xã hội cũng cân nhắc xem kết nối Internet của người dùng thế nào, nếu kết nối yếu sẽ hạn chế hiển thị nội dung ngốn băng thông như video chẳng hạn. Hoặc thiết bị người dùng đang sử dụng chạy Android hay iOS, vì với mỗi nền tảng sẽ có nội dung phù hợp với nền tảng đó.

Căn cứ vào các yếu tố trên, Facebook sẽ phân bổ những nội dung liên quan nhất đến người dùng và bảng tin sẽ thay đổi liên tục. Chẳng hạn người dùng rời khỏi nền tảng này trong vài phút quay lại thì bảng tin đã được làm mới.

Hải Đăng

Vì sao chuyên gia tài chính cho rằng Facebook, Instagram đang khiến bạn nghèo đi?

Vì sao chuyên gia tài chính cho rằng Facebook, Instagram đang khiến bạn nghèo đi?

Một số nghiên cứu cho rằng Internet khiến mọi người thu hẹp khoảng cách với bạn bè nhưng nó cũng đang gây ra căng thẳng nghiêm trọng cho sức khỏe tài chính của chúng ta.