Động thái này đánh dấu đợt tăng lãi suất lớn nhất mà cơ quan này thực hiện kể từ tháng 5/2000. Trong vòng 20 năm trở lại đây, FED thường chỉ tăng 0,25% lãi suất, cho thấy mức độ nghiêm trọng mà lạm phát diễn ra ở thời điểm hiện tại.

Trong ngày giao dịch 4/5 tại thị trường New York, Bitcoin (BTC) có thời điểm đã tăng hơn 5%, chạm mốc 40.000 USD trước khi điều chỉnh sau khi cuộc họp về chính sách tiền tệ kết thúc. Vào sáng ngày 5/5 tại phiên châu Á, BTC được giao dịch ở mốc 39.600 USD.

Chỉ báo kỹ thuật Fear & Greed Index (tâm lý sợ hãi hay tham lam) của đồng tiền điện tử dẫn đầu thị trường đang trong vùng “cực kỳ sợ hãi”, cho thấy các nhà đầu tư crypto rất thận trọng trước các dấu hiệu bất ổn vĩ mô.

Kể từ tháng 11/2021, tâm lý thị trường BTC đã chuyển từ “cực kỳ tham lam” sang trạng thái “lo sợ”.

Vốn hoá của thị trường BTC đóng góp vào 10% chỉ báo Fear & Greed. Tính từ đầu năm tới nay, đồng tiền mã hoá này vượt trội hơn các đồng mã hóa thay thế khác (altcoin), nhưng vài ngày gần đây đang có sự điều chỉnh nhẹ. Điều này có thể do sự thay đổi tâm lý của các nhà giao dịch trong ngắn hạn, đặc biệt khi cổ phiếu và tiền ảo đang vào giai đoạn mạnh nhất.

Mặc dù vọt lên 40.000 USD nhưng Bitcoin vẫn trong vùng nguy hiểm khi xu hướng chung của thị trường là giảm. BTC cần trụ vững tại vùng giá 35.000 USD trước khi chinh phục lại mốc giá 48.000 USD để mở đầu cho xu hướng tăng dài hạn.

Cũng trong cuộc họp ngày 4/5, FED cho biết đang thực hiện mục tiêu lãi suất trong khoảng từ 0,75% đến 1,00%. Một số quan chức cơ quan này ủng hộ tăng lên mức 2,5% từ giờ tới cuối năm. Tuy nhiên, chủ tịch FED Jerome Powell trấn an rằng ngân hàng trung ương sẽ không xem xét việc tăng lãi suất cơ bản lên 0,75% trong ngắn hạn.

Cơ quan này kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp để đối phó với tình trạng lạm phát. Trong khi đó, lãi suất cao cũng hút dòng tiền khỏi thị trường cổ phiếu cũng như các tài sản đầu cơ như tiền điện tử.

Vinh Ngô