Trả lời ICTnews, First News - Trí Việt cho biết phòng bản quyền của công ty đã xác định hơn 43 trang bán sách giả trên Facebook, gần 68 gian hàng bán sách giả trên cách trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo, hơn 116 kênh YouTube đăng tải sách nói trái phép v.v… 

Công ty này thu thập tất cả các thông tin về các đơn vị kinh doanh sách giả nói trên và gửi về cho Phòng A05 – An ninh mạng cùng đầy đủ bằng chứng pháp lý để tiến hành xử lý trong thời gian sớm nhất. 

“Riêng với hành vi buông lỏng quản lý hàng hóa trên sàn thương mai điện tử, mà cụ thể ở đây là công ty Recess (Lazada), chúng tôi đã cẩn thận lập vi bằng ghi nhận toàn bộ hành vi mua bán, giao nhận sách giả. Đây sẽ là các chứng cớ quan trọng để First News tiếng hành khởi kiện Lazada trong thời gian sắp tới”, phía First News phản hồi ICTnews.

Sách bị cáo buộc làm giả được First News đặt mua từ các trang thương mại điện tử. Ảnh: FB ông Nguyễn Văn Phước

First News không nói rõ có kiện các trang thương mại điện tử khác như Shopee hay Sendo, hai trang họ có đề cập trong cáo buộc bán sách giả.

Trước đó, trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Văn Phước - nhà sáng lập và CEO công ty sách First News - tố cáo các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo có các gian hàng bày bán sách vi phạm bản quyền của First News, Alpha Books và các nhà xuất bản khác. Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books - cũng lên án các trang Lazada, Shopee, Sendo… và vài trăm trang bán sách giả khác bán sách không có bản quyền của công ty ông Bình. 

Trong văn bản trả lời ICTnews, phía Alpha Books khẳng định rất nhiều sách được lưu hành trên thị trường là sách giả, theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2015, và định nghĩa về hàng giả của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương. 

“Chúng tôi cho rằng hành vi “sản xuất và buôn bán hàng giả” phải chịu chế tài hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ Luật hình sự 2015, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, Alpha Books nêu rõ.

Trong khi đó, theo Alpha Books, sách in lậu hay sách vi phạm bản quyền là sách dịch từ văn bản gốc nhưng không được sự cho phép của tác giả.

Alpha Books là một trong số các đơn vị bị làm giả sản phẩm tương đối nhiều, cả sách in và bản thu audio hay ebook. Sách giả hiện nay tinh vi hơn, và được chào bán công khai tại các nhà sách, trên các shop online của sàn thương mại điện tử. Năm 2018-2019 cùng với First News, Nhã Nam, Nhà xuất bản Trẻ… Alpha Books đã tham gia xử lý một loạt trang mạng kinh doanh audio books lậu. 

Phía First News cho biết có khoảng 1.400 đầu sách trong đó có gần 300 đầu là sách bán chạy, và cả 300 tựa sách này đều bị vi phạm bản quyền ở cả sách giấy, sách điện tử và sách nói. Cá biệt, với những cuốn sách bán chạy mọi thời đại của First News như Đắc Nhân Tâm, Đi tìm lẽ sống, Bí mật tư duy triệu phú hay Nghĩ giàu Làm giàu có đến hơn 10 đơn vị in giả, gây thiệt hại doanh số vô cùng lớn. 

Hiện tại, First News đang làm việc chặt chẽ với Cục Xuất bản, Đoàn liên ngành phòng chống in lậu trung ương, lực lượng quản lý thị trường cũng như các đơn vị báo đài để tiến hành xử lý khi phát hiện các cơ sở in ấn, gia công đóng xén và tập kết sách giả, sách in lậu. 

Dù First News và các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động in ấn và kinh doanh sách giả, sách in lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, trên thực tế, sách giả vẫn luôn được bày bán ngang nhiên ở các trục đường lớn như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Phạm Văn Đồng, Đường Láng, Trần Quốc Hoàn.

Việt Nam bị ảnh hưởng trong việc bảo vệ hình ảnh sở hữu trí tuệ

Cả hai công ty đều cho rằng việc làm lậu các phiên bản sản phẩm của Alpha Books và First News không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ, quyền lợi của người tiêu dùng – được dùng hàng chuẩn, đúng giá trị… mà còn ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Sách mua bản quyền nước ngoài không phải luôn đàm phán được tất cả các phiên bản: in sách giấy, sách điện tử, sách nói… mà các nhà xuất bản nước ngoài rất cẩn trọng trong việc trao các quyền này cho đối tác Việt Nam vì e ngại thị trường khó kiểm soát. Chính vì thế, phần lớn sách mua bản quyền nước ngoài chỉ cho riêng phiên bản sách in.

Vậy nên khi các sách này bị làm lậu và tung lên rao bán trên mạng cho các phiên bản ebooks (sách điện tử), audio books (sách nói) thì sẽ là bằng chứng rõ ràng việc Việt Nam là thị trường vi phạm bản quyền.

Cả hai công ty cho biết đã kết hợp nhiều biện pháp đối phó: từ báo cáo (report) trang web, trang,... tới gửi công văn đến các đơn vị quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu xử lý. Nhưng kết quả thu được là không đáng kể, do các trang lậu này thường sử dụng máy chủ đặt ở nước ngoài – không thể can thiệp.

Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, nhiều trường hợp vi phạm đã bị phanh phui và xử phạt nhưng với thủ đoạn sản xuất và buôn bán sách giả ngày càng tinh vi, cũng như khung chế tài pháp lý xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe… nên “sách giả” vẫn là một vấn nạn nhức nhối.

“Nếu nhận thức rõ sự nghiêm trọng của hành vi in lậu và định danh nó thuộc nhóm hành vi “sản xuất hàng giả” để áp dụng các chế tài của Luật hình sự, chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm đạt được kết quả trong cuộc chiến chống “vấn nạn in lậu””, đại diện hai công ty nêu vấn đề.

Trước đó, trả lời ICTnews về các cáo buộc buôn bán sách vi phạm bản quyền, Shopee nêu trách nhiệm của người bán và của sàn thương mại điện tử này. Trong đó, trách nhiệm của người bán phải “tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…”.

Về phía Shopee, đơn vị này sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.

Phía Shopee muốn nhận được bằng chứng liên quan đến các cửa hàng bán sách in lậu của First News để xử lý nhưng cho biết chưa nhận được tài liệu.

Sendo trả lời cho biết chỉ hợp tác với với các nhà bán thỏa điều kiện do cơ quan nhà nước quy định đối với ngành hàng sách và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan,... cũng như các doanh nghiệp có liên quan, để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời tất cả hành vi vi phạm của người bán.

ICTnews liên hệ với Lazada nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời cho vụ việc trên.