Cũng trong bài nghiên cứu này cho biết, người tiêu dùng thích xem các video trực tuyến về chủ đề liên quan đến "Phim dài tập/phim lẻ" (60%), "Âm nhạc" (50%) và "Chương trình giải trí/ Trò chơi truyền hình/ Chương trình thực tế" (48%), các chương trình khám phá cuộc sống, thế giới hoang dã được xem ít nhất (dưới 20%).

Mặc dù có đến 80% người Việt Nam xem nội dung truyền hình do các đơn vị trong nước sản xuất, tuy nhiên tỷ lệ bình quân khán giả xem và tiếp cận truyền hình có xu hướng giảm khiến tốc độ tăng trưởng thuê bao trả tiền theo hình thức truyền thống tăng trưởng chậm lại, chỉ ở mức 4-5%/năm. Trong khi đó, OTT (dịch vụ truyền hình trên nền tảng Internet) tăng trưởng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu, với 50%/năm.

Trái lại, thuê bao truyền hình OTT phát triển như vũ bão, năm sau gấp đôi năm trước, sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Dư địa cho phát triển dịch vụ truyền hình OTT còn lớn. Chưa kể, sự hiện diện của HBO, cùng một số doanh nghiệp dịch vụ xuyên biên giới khác, cho thấy thị trường OTT có một sự cạnh tranh khốc liệt.

Phần lớn người tiêu dùng đều chọn cách xem video tại nhà (97%) với vợ/chồng của mình (45%) bằng điện thoại thông minh (76%) và TV thông minh (73%). Do đó, chương trình khuyến mãi liên quan đến gia đình sẽ thu hút nhiều người dùng hơn. Đa số mọi người (84%) rất thú vị khi đăng ký dịch vụ để xem một nội dung mới. Tuy nhiên, họ không sẵn sàng sử dụng nhiều dịch vụ cùng một lúc. Báo cáo cho rằng, 41% sẽ chỉ mua dịch vụ mới khi cắt dịch vụ hiện tại.

Xu hướng của các OTT hiện tại là ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, từ đó phân tích nhu cầu, mong muốn của khách hàng và đưa đến các nội dung theo đúng sở thích, thói quen, thời điểm cho từng đối tượng khác nhau. Sự dịch chuyển của người dùng khi xem các nội dung phim ảnh, giải trí, thể thao trên Internet thay vì ngồi trước TV được coi là mối đe dọa đối với ngành truyền hình trả tiền của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong cuộc đua ứng dụng OTT, sự thấu hiểu người dùng Việt sẽ giúp các nền tảng nội phân tích dữ liệu tốt hơn cũng như cung cấp các gói nội dung phù hợp hơn với thói quen và nhu cầu của người dùng. Mặt khác, nếu như truyền hình trả tiền truyền thống đang dần trở nên mờ nhạt và ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhất là hiện nay sự cạnh tranh còn đến từ các doanh nghiệp viễn thông lớn, bởi những thế mạnh tài chính, công nghệ…