VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử về chiến lược phát triển ngành game Việt Nam sắp tới.

{keywords}   

Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử                 

Là cơ quan quản lý trong lĩnh vực game online, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành game tại Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Lê Quang Tự Do: Có thể nói trong thời gian qua, sự phát triển của ngành game ở Việt Nam có nhiều bước tiến lớn, điển hình là dưới sự chỉ đạo định hướng và đồng hành của Bộ TT&TT, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, năm 2021, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam đã chính thức được thành lập với tên gọi VGDA (Vietnam Game Development Alliance).

Đến nay, Liên minh đã thu hút và tập hợp được gần 60 thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng, trong đó Ban Điều phối có 10 thành viên: VNG, Vietnam Esports, GOSU Corp, SohaGame, VTC Game, Gamota, Funtap, Viettel Media, Travellet, Solaplay. 

Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử tại Việt Nam được thành lập trên tinh thần “Đoàn kết chia sẻ - Không ngừng đổi mới” để cùng chung tay đóng góp và phát triển Game Việt, bắt kịp xu thế toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng hình ảnh và truyền thông về các hoạt động, đóng góp của ngành cho xã hội.

Theo số liệu của các tổ chức như Google, Sensor Tower, Data.ai, Việt Nam đang nằm trong top đầu sản xuất và phát hành game toàn cầu từ các kho ứng dụng quốc tế. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có bình luận gì về các số liệu này không?

Thực tế các số liệu trên Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đều nắm trực tiếp từ báo cáo của các tổ chức quốc tế. Theo đó, Việt Nam đang là nước có số lượng các studio làm ứng dụng và game đứng số 1 Đông Nam Á.

Tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên có một điều, hiện phần lớn các studio làm ứng dụng và game đều phát hành ở thị trường quốc tế và mở công ty ở nước ngoài. Đến khi các studio này lớn mạnh thì hoạt động luôn ở quốc tế, không quay trở lại trong nước và chủ yếu làm gia công cho các công ty nước ngoài. Mục đích của việc này là để tránh việc phải đóng thuế, vì thế vừa gây thất thu cho ngân sách và vừa bị chảy máu chất xám ra nước ngoài.

Hiện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đang nghiên cứu các chính sách để phát huy lợi thế, đồng thời khắc phục những bất cập trong thời gian tới.

Chiến lược sắp tới để phát triển ngành game của Việt Nam sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Về chiến lược, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đang nghiên cứu và xây dựng. Tuy nhiên, cơ bản sẽ tập trung vào 2 mảng chính của ngành game hiện nay là sản xuất và phát hành.

Hiện theo cơ cấu, mảng sản xuất đang chiếm 12% về doanh thu và mảng phát hành chiếm đến 88%, điều này cho thấy mảng sản xuất vẫn còn yếu và hạn chế.

Sở dĩ mảng sản xuất chiếm doanh thu khiêm tốn và chênh lệch lớn với số liệu của các báo cáo quốc tế về game đưa ra, là như đã nói ở trên, ở lĩnh vực này còn có “tranh tối, tranh sáng”. Theo đó, các studio đặt ở nước ngoài họ không đóng thuế nên nhà nước không thu được tiền và không thể cộng vào sổ sách về doanh thu và lợi nhuận để tính chung được.

Ở lĩnh vực này, nhiệm vụ của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử khi xây dựng chiến lược là đề xuất đưa ra những chính sách để bảo vệ, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất game phát triển ở Việt Nam. Đưa các studio lớn đang đặt ở nước ngoài trở về kinh doanh trong nước và cổ vũ các studio tiến hành khởi nghiệp từ Việt Nam, thay vì đặt ở nước ngoài và né tránh nghĩa vụ thuế như hiện nay. 

Ở mảng phát hành, Việt Nam hiện tại phát triển rất tốt và chiếm tới 88% doanh thu. Tuy nhiên, ở mảng này các doanh nghiệp trong nước chủ yếu đi mua game nước ngoài về phát hành và đa phần là game Trung Quốc. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp trong nước đang đi làm thuê cho nước ngoài, cho các công ty Trung Quốc. Bên cạnh đó, nó cũng dẫn đến các vấn đề “nhạy cảm” liên quan đến nội dung, lịch sử, văn hoá, khi giới trẻ chủ yếu chơi game nước ngoài như hiện nay. 

Ngoài ra, còn có hiện tượng một số ít doanh nghiệp tìm cách làm bình phong cho doanh nghiệp nước ngoài “núp bóng” phát hành game trong nước, thu tiền người dân Việt Nam, nhưng không đóng thuế hoặc đóng thuế rất ít. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong thời gian qua.

Hướng sắp tới, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ giải quyết việc giảm phụ thuộc vào game nước ngoài trong mảng phát hành và tăng doanh thu cho các doanh nghiệp trong nước, để không phải đi làm thuê như hiện nay.

Mục tiêu của Việt Nam sẽ đặt mình ở vị trí nào trên bản đồ ngành game thế giới?

Hiện Cục đang xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để phát triển ngành game. Chẳng hạn, ở lĩnh vực sản xuất game, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ đưa ra các kế hoạch để phát huy thế mạnh của các kỹ sư và studio của Việt Nam trong thời gian tới.

Như đã nói ở trên, hiện theo thống kê từ các tổ chức quốc tế Việt Nam đang đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á về làm ứng dụng và game, trên các kho ứng dụng như App Store và Google Play. 

Chẳng hạn như số lượng các nhà phát triển game của Việt Nam trên kho ứng dụng của Apple theo báo cáo là 180.000 nhà phát triển, năng lực nằm ở top 3 Đông Nam Á. Nhưng, hiện chúng ta vẫn chủ yếu là gia công cho các công ty nước ngoài.

Có một điều nữa, là người Việt Nam hiện nay rất nhanh nhạy với các xu hướng công nghệ mới. Điển hình như trong thời gian qua là việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào phát triển game và có những sản phẩm nằm trong top đầu thế giới, đáng chú ý là studio SkyMavis với game Axie Infinity đã trở thành kỳ lân công nghệ, với vốn hoá có thời điểm lên đến 3 tỷ USD. 

Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu các phương án để phát huy các lợi thế về sự sáng tạo và bắt kịp xu hướng công nghệ của các kỹ sư và studio game của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển ngành game trong nước, vì đây là ngành công nghiệp không khói tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao, lại phù hợp với các doanh nghiệp Việt, Bộ TT&TT cũng đã trình Chính phủ bổ sung điều chỉnh một loạt các quy định quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chơi game của người dân, để hạn chế tối đa những mặt trái của game, nhất là đối với trẻ em.

Lê Mỹ

Game Việt đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ

Game Việt đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ

Nhiều tựa game Việt vào top toàn cầu, các doanh nghiệp phát triển game mọc lên nhiều hơn, tạo ra một giai đoạn rực rỡ cho mảng game di động tại Việt Nam.