Tại một khu công nghiệp ở ngoại ô Thượng Hải, có một con đường nhỏ ngăn cách hai tòa nhà. Bên phải là một trung tâm đào tạo thể thao điện tử, tràn ngập nhân tài trong các trò chơi điện tử đang nổi của Trung Quốc; bên trái là trung tâm tư vấn chuyên điều trị chứng nghiện Internet.

Cả hai đều được điều hành bởi Li Gang, người mà mãi ba năm trước vẫn chỉ là một người cha đang mải miết tìm cách cho con trai mình là Li Zhennan thoát khỏi cơn nghiện các trò chơi điện tử. Li Gang cho biết con trai ông bị ám ảnh bởi game từ khi học trung học vào năm 2017, thậm chí còn muốn bỏ học để theo đuổi thể thao điện tử chuyên nghiệp.

Ông đã dành nhiều năm để tìm kiếm các cơ sở có thể giúp con trai mình vượt qua nỗi ám ảnh nhưng không hiệu. Cuối cùng, với sự hỗ trợ hết mực của cha mình, Li Zhennan đã từ bỏ việc chơi điện tử và hiện đã trở lại trường học.

Với mong muốn vận dụng tốt những kinh nghiệm của mình với chứng nghiện chơi game, Li Gang sau đó đã quyết định bắt đầu mở ra loại hình học viện mà ông đã tìm kiếm trong suốt thời gian trước đó. Ý tưởng nảy ra sau khi ông đưa con trai đến Black Ananas Gaming Club, nơi chuyên đào tạo game thủ của trò Honor of Kings - game mobile mà con trai ông bị ám ảnh - vào năm 2018.

Khi đó, ông nghĩ rằng việc đến thăm một câu lạc bộ chuyên nghiệp sẽ giúp con trai ông nhận ra rằng không dễ để trở nên chuyên nghiệp và tốt hơn hết là nó nên từ bỏ sớm đam mê của mình. Để trấn an tinh thần con trai, Li Gang đã nói với con trai của mình khi đó rằng: "Nếu con thực sự có tài năng, cha sẽ ủng hộ con."

Cuộc trò chuyện đó là nguồn gốc của ý tưởng của Li Gang. Ông quyết định thành lập một học viện với mục đích kép: tuyển chọn những game thủ có triển vọng và giúp họ đạt được tiềm năng thực sự của mình; đồng thời khuyên can những thanh thiếu niên không có triển vọng bằng cách cho họ thấy mức độ khó khăn như thế nào để có thể thành công trong đấu trường eSports.

Li Gang coi con trai mình là một ví dụ hoàn hảo về người đã hưởng lợi từ mục đích thứ hai này.

"Tôi đã mất gần ba năm để thuyết phục nó bỏ lại tất cả", Li Gang nói trong một hội thảo dành cho các bậc cha mẹ của những thanh thiếu niên nghiện internet vào tháng 3/2021.

Nhớ lại thử thách của mình, ông nói thêm: "Nó (Li Zhennan) sẽ đi ngủ lúc 2 hoặc 3 giờ sáng, và không thức dậy vào buổi sáng. Đó là một mùa đông ảm đạm, khi kỳ thi cuối kỳ đang đến gần. Tôi và vợ chỉ còn cách dội một gáo nước lạnh lên người nó".

Các bậc phụ huynh trên khán đài gật đầu đồng cảm.

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 1.
Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 2.

Li Zhennan đã đi một chặng đường dài kể từ ngày đó. Cậu hoàn toàn từ bỏ việc chơi game trực tuyến, sắp hoàn thành chương trình học cấp 3 ở nước ngoài và chuẩn bị nộp hồ sơ vào đại học.

Nhưng, giống như nhiều thanh thiếu niên khác từng đối mặt với chứng nghiện chơi game trên internet, câu chuyện của Li Zhennan khác với lời kể của cha mẹ cậu.

"Mọi người có thể không tin tôi khi tôi nói điều này, nhưng tôi thực sự không thích trò chơi điện tử nhiều như họ nghĩ," Li Zhennan nói.

Chàng trai trẻ này nói rằng bóng đá từng là niềm đam mê thực sự của mình, cậu thậm chí đã từng là đội trưởng của đội bóng ở trường trong nhiều năm. Nhưng vào năm cuối cấp hai, một mối tình không thành đã khiến cậu bị sốc tâm lý, rồi hậu quả hỗn loạn của nó khiến tinh thần cậu bị tàn phá và cô lập. Điểm số bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Trong kỳ nghỉ đông, Zhennan đã tải xuống game Honor of Kings - một trò chơi mà cậu từng coi thường - với hy vọng có thể kết bạn mới. Nhờ đó, điểm số của cậu dần được cải thiện và đỗ vào được một trường trung học hàng đầu ở Thượng Hải với tư cách là một học sinh-vận động viên.

Nhưng sau khi trải qua một mùa hè không tập trung vào học tập, cậu nhận ra mình bị tụt lại rất xa so với các bạn học mới. Tệ hơn nữa, chỉ một tháng sau khi bắt đầu nhập học, một cuộc xung đột với bạn học đã khiến cậu phải bỏ đội bóng đá. Lúc đó, Zhennan lại cảm thấy bị cô lập.

"Em gái tôi đã đến một trong những trường đại học tốt nhất trên thế giới. Tôi liên tục tự hỏi bản thân rằng: 'Làm thế nào tôi có thể chứng minh giá trị của mình?'", Li Zhennan chia sẻ. "Khi tôi khám phá ra thể thao điện tử, tôi cảm thấy mình giống như người đuối nước vớ được cọc".

Vào cuối năm 2017, Li Zhennan nói với cha mình rằng cậu muốn bỏ học để theo đuổi sự nghiệp thể thao điện tử chuyên nghiệp. Ông miễn cưỡng đồng ý nhưng không tin rằng đó là con đường đúng đắn cho con trai mình. Khi Zhennan nói với ông về thành tích chơi game cá nhân, ông trả lời rằng đó chỉ đơn giản là một mưu đồ của những người tạo ra trò chơi để thu hút mọi người.

Sau khi Li Zhennan và cha đến thăm Black Ananas Gaming Club, Li Gang đã tìm thấy một chương trình thể thao điện tử tại một trường dạy nghề ở tỉnh Sơn Đông, nơi hứa hẹn cho sinh viên tốt nghiệp một tấm bằng tốt nghiệp.

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 3.

Chương trình được chia thành một "câu lạc bộ" cho những người chơi hàng đầu và một "lớp học quản lý" cho những người còn lại. Trong số 200 sinh viên, Li Zhennan là một trong số khoảng 10 người được chọn tham gia "câu lạc bộ". Nhưng tại giải đấu chính thức đầu tiên trong đời, cậu cho biết rằng mình "đã bị đánh bại sau khi lọt vào top 8".

Li Zhennan nhớ lại sự thất vọng sau đó. Cậu nói rằng mình thường trở về ký túc xá sau khi buổi tập kết thúc vào lúc nửa đêm và nằm trên giường, không thể ngủ được, xem video phát lại trận đấu tập từ sáng hôm đó. Sau đó cậu lại mặc áo khoác, trở lại câu lạc bộ và chơi cả đêm. Khi kiệt sức, cậu chợp mắt trên ghế cho đến khi các đồng đội đến vào sáng hôm sau và đánh thức để chuẩn bị cho một ngày tập luyện khác.

Mỗi khi thua một trận đấu, cậu đều ghi nhận lại điểm yếu của mình - cũng như bộ kỹ năng của các nhân vật phổ biến nhất trong trò chơi - và đặt chúng làm hình nền điện thoại của mình. Sau khi thua 8 trận đấu liên tiếp, cậu bắt đầu luyện tập với máy tính một giờ mỗi ngày trước khi bắt đầu luyện tập. Trong gần một năm, cậu hiếm khi rời khỏi khuôn viên trường ngoại trừ lúc tham gia các giải đấu lớn và khi cần đi cắt tóc hai tháng một lần.

Sự nỗ lực của Li Zhennan đã được đền đáp vào đầu năm 2019 khi đội của cậu giành chức vô địch quốc gia tại một giải đấu mang tính thương mại. Điều đầu tiên cậu làm sau khi giành chiến thắng là gửi một tin nhắn cho cha mình, người đã không có phản hồi trực tiếp sau đó.

Thậm chí, một thời gian sau, Li Gang đã viết trong một cuộc trò chuyện nhóm giữa các thành viên trong gia đình rằng ông ấy "thà có một đứa con là sinh viên đại học bình thường còn hơn là một đứa con trai như thế này".

Khi đọc tin nhắn đó, sắc mặt của Li Zhennan trầm xuống.

"Vào lúc đó, hầu hết niềm vui mà chiếc cúp mang lại cho tôi đã biến mất. Tôi không nghĩ ông ấy đã từng khen ngợi tôi câu nào. Tôi tự nghĩ rằng có lẽ chiến thắng của mình không đủ ấn tượng", cậu nói.

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 4.
Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 5.

Khi Li Zhennan vô địch cuộc thi vào năm 2019, cậu đang ở đỉnh cao phong độ. Nhưng cậu không thể biết rằng sự nghiệp thể thao điện tử ngắn ngủi của mình sẽ đột ngột dừng lại vào tháng 4 năm đó.

Nó bắt đầu khi cậu nhận được lời mời tập luyện với RNG, một đội tuyển hàng đầu cả nước về nhiều bộ môn, trong đó có Honor of Kings. Nhưng thay vì chấp nhận lời mới, Li Zhennan đã chọn ở lại một môi trường quen thuộc là ngôi trường ở Sơn Đông.

Quyết định đó sau tất cả đã đóng dấu chấm hết cho sự tồn tại của cậu trong thế giới game. Li Zhennan nói rằng huấn luyện viên của trường sau thời gian đó bắt đầu thường xuyên xúc phạm mình. Khi cậu rút khỏi một cuộc thi để bày tỏ sự bất bình, huấn luyện viên đã đuổi cậu khỏi câu lạc bộ và giáng cấp xuống hạng quản lý.

Khi được thông báo về việc bị giáng cấp, Li Zhennan đã tìm một chỗ riêng tư để ngồi ở hành lang, bật khóc.

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 6.

LI Zhennan nghĩ rằng huấn luyện viên cuối cùng sẽ xin lỗi nhưng sau đó biết được rằng, vào đêm sau cuộc cãi nhau, vị huấn luyện viên đã gọi cho cha mẹ của cậu và nói rằng không có câu lạc bộ nào muốn nhận cậu.

Trong hai tuần ở lớp quản lý, thói quen ngủ ngày thức đêm của cậu đã trở nên tồi tệ hơn, cân nặng giảm xuống 48 kg. Cậu cố gắng giải thích hoàn cảnh của mình cho cha mẹ nhưng họ không muốn nghe.

Khi đó, Li Zhennan mới 18 tuổi. Và cậu quyết định từ bỏ đam mê, từ bỏ thể thao điện tử để trở về Thượng Hải. Cậu đã không còn chơi Honor of Kings kể từ đó.

"Theo tôi, việc ép trẻ em từ bỏ thể thao điện tử giống như dùng băng dính dán vào vết thương - nó không giải quyết được vấn đề cơ bản là tại sao chúng không muốn học ngay từ đầu", Li Zhennan nói. "Nếu bạn không có đủ tài năng để chơi game và bỏ cuộc sau một học kỳ, liệu bạn có thực sự muốn chọn ổn định và việc học tập không?"

Cậu cho rằng cha mẹ nên giúp con cái họ hiểu tại sao chúng không muốn học, thay vì chỉ phá bỏ những gì đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn cho chúng. Cậu nói: "Thực ra, tôi chỉ muốn bố tôi nói với tôi rằng ông ấy tự hào về tôi, dù chỉ một lần".

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 7.
Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 8.

Cùng thời điểm con trai quyết định từ bỏ eSports, Li Gang đã thuê một tòa nhà nhỏ ở Thượng Hải và đồng sáng lập trường đào tạo thể thao điện tử. Gần hai năm sau, ông thuê một tòa nhà ở phía đối diện của con đường để mở trung tâm tư vấn nhằm khuyên can những sinh viên không thể theo học.

Hiện tại, trường cung cấp chương trình đào tạo ba tháng, cũng như các khóa học ngắn hơn trong kỳ nghỉ đông và nghỉ hè. Sinh viên không được khuyến khích đăng ký lại trừ khi hoàn cảnh của họ cho phép đào tạo thêm.

Các trò chơi nổi tiếng như Honor of Kings, League of Legends và PlayerUnknown's Battlegrounds (PUBG) đều có phòng học chuyên dụng tại đây. Những phòng học này có những chiếc ghế chơi game đặc biệt, và trên các bức tường của chúng được trang trí bằng tên và logo của các câu lạc bộ nổi tiếng.

Li Gang cho biết trong một lần đến thăm ngôi trường ở Sơn Đông nơi Li Zhennan đã học, ông đã thấy ký túc xá của con trai mình trông không khác gì một cái chuồng lợn. Ông hầu như không thể nhìn thấy sàn nhà vì tất cả quần áo và hộp đựng thức ăn rỗng nằm rải rác khắp phòng. Ông sau đó trả tiền cho người để dọn dẹp không gian và đãi Li Zhennan cùng các bạn cùng phòng bữa tối - một cách thể hiện tình cảm với con trai.

Vụ việc đã thôi thúc Li Gang thiết lập vị trí gọi là "giáo viên kỹ năng sống", do một huấn luyện viên võ thuật hoặc đấm bốc nắm giữ, để dạy học sinh về tính tự kỷ luật. Hàng ngày, giáo viên bán thời gian này đưa học sinh ra ngoài tập thể dục buổi sáng.

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 9.

Tại đây, vào buổi sáng, các huấn luyện viên - thường là những cựu tuyển thủ eSports chuyên nghiệp - dạy cho học sinh mọi thứ cần biết về một trò chơi: từ chiến thuật và chiến lược cho đến phân tích khả năng của các nhân vật có thể chơi, thậm chí cả cách các nhân vật có thể hỗ trợ nhau để tạo thành một đội hiệu quả. Họ cũng chiếu lên màn hình các trận đấu với bình luận và phân tích đi kèm.

Các buổi chiều dành cho đào tạo thực hành, nơi học sinh tạo thành nhóm và thi đấu với nhau trong hai vòng - lúc 2 giờ chiều và 4 giờ chiều. Đôi khi, huấn luyện viên có thể sắp xếp các trận đấu tập với các đội từ bên ngoài trường.

Sau một trận đấu, giáo viên chiếu lại diễn biến trận đấu để học sinh có thể phân tích hiệu suất của họ. Vào buổi tối, sinh viên có thời gian thực hành rảnh rỗi, họ dành thời gian này để cố gắng tăng thứ hạng cá nhân của mình.

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 10.

Một cựu tuyển thủ chuyên nghiệp của Overwatch, một tựa game bắn súng online, từng làm việc trong lĩnh vực đào tạo thể thao điện tử. Cô nói rằng bản thân hy vọng sẽ nuôi dưỡng ra thế hệ nhà vô địch eSports tiếp theo, nhưng đã thất vọng trước triển vọng phát triển của các game thủ. Cô tin rằng hầu hết thanh thiếu niên gần như không có đủ tài năng hoặc quyết tâm để chơi chuyên nghiệp.

Theo nữ tuyển thủ có biệt danh "Sixi" này, các game thủ chuyên nghiệp cần phải có phản xạ nhanh và tốc độ di chuyển bằng mắt, cũng như khả năng đoán trước nước đi tiếp theo. Cùng với đó là kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp, cũng như khả năng xử lý những thất bại và nhanh chóng điều chỉnh tư duy. Cuối cùng, điều ngăn cách những người chơi hàng đầu với phần còn lại thường là thái độ của họ.

Huấn luyện viên Zhu Jinting cũng là một game thủ game FPS chuyên nghiệp, đã bắt đầu đào tạo eSports vào năm 2017. Ông đã làm việc với hơn 200 game thủ và nói rằng hầu hết các bậc cha mẹ đều nói rằng: "Nếu bạn không nghĩ rằng con của chúng tôi đủ tài năng, bạn nên khuyên họ ngừng mơ mộng."

Vì lý do này, Zhu, hiện đang làm việc tại trung tâm của Li Gang, đầu tiên cho học viên mới một số khóa đào tạo cơ bản như thực hành nhưng đặt mục tiêu dài hạn vượt xa khả năng của họ. Ông nói với họ rằng: "Tiêu chuẩn này thể hiện trình độ cơ bản của các game thủ chuyên nghiệp. Nếu bạn không thể đạt đến trình độ này thông qua luyện tập, vậy thì đừng nghĩ đến việc thi đấu chuyên nghiệp".

Một chiến thuật phổ biến khác để làm mất lòng học sinh là sắp xếp các buổi tập với một đội ở đẳng cấp trên, chẳng hạn như đội hạng hai hoặc đội dự bị của các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Ý tưởng của đề xuất này là cho rằng những sinh viên dễ bị đánh bại trong những trận đấu này sẽ bắt đầu nghi ngờ sự lựa chọn nghề nghiệp của họ.

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 11.

Nhưng những trải nghiệm này chỉ càng hun đúc tham vọng của những thiếu niên kiên cường. Một game thủ League of Legends ở Thượng Hải, yêu cầu được giấu tên, đã theo học tại một trường đào tạo thể thao điện tử ở thành phố Trùng Khánh và sau đó gia nhập trung tâm của Li Gang.

Mặc dù không đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu để chơi game chuyên nghiệp, anh chàng này vẫn chọn không trở lại trường học. Thay vào đó, cậu luyện tập ở nhà mỗi ngày, cố gắng cải thiện thứ hạng của mình. Hành vi này khiến mẹ cậu bức xúc.

"Tôi biết rằng eSport hiện đã được đưa vào danh sách các môn thể thao chính thức ở Trung Quốc, nhưng có những yêu cầu về độ tuổi - người chơi đạt đỉnh cao nhất của sự nghiệp không quá 20 tuổi. Tuy nhiên, cuối tuổi vị thành niên chính là thời điểm tốt nhất để chúng học tập. Nếu bỏ dở bài tập ở trường, thì sẽ không có gì có thể quay trở lại", cô nói.

Nhưng con trai cô có một kế hoạch của riêng mình. "Huấn luyện viên nghĩ rằng tôi có hy vọng, nhưng tôi vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Nếu tôi có thể đạt được điều đó bằng cách luyện tập ở nhà, tôi có thể nhờ anh ấy giới thiệu vào một đội tuyển. Nếu tôi không đạt được điều đó trước kỳ học tiếp theo, tôi có thể sẽ dừng cuộc chơi", cậu chia sẻ.

Khi được hỏi nghĩ gì về ý tưởng này, mẹ cậu rất hào hứng: "Anh ấy đã nói với con điều đó sao? Anh ấy thậm chí không nói chuyện này với chúng ta. Nếu thực sự là như vậy thì quá tuyệt vời ".

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 12.

Tại trung tâm thể thao điện tử đa năng của Li Gang, các thiếu niên đến từ Thượng Hải có một điểm chung. Hầu hết học sinh ở đây để theo đuổi giấc mơ và hầu hết các bậc cha mẹ miễn cưỡng ủng hộ.

Sau khi bố mẹ của Luoluo, 15 tuổi, ly hôn, cậu bỏ học để la cà ở các quán game. Cha đã gửi cậu đến một trường giáo dưỡng để rèn kỷ luật, nhưng Luoluo khẳng định mình muốn theo học eSports chuyên nghiệp.

Cha của cậu đồng ý, nhưng yêu cầu cậu ấy chuyển sang chơi League of Legends để tránh tiếp xúc với những người bạn cũ tại các quán game, những người thường chơi Honor of Kings.

Ban đầu, Luoluo có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng game nhưng lại không đạt được trình độ chuyên nghiệp. Trong một thời gian dài tự luyện tập, thành tích của cậu đã khá hơn. Sự tự tin nhờ đó cũng tăng vọt, và cậu đã dành từng giờ từng phút rảnh rỗi để hoàn thiện các kỹ năng của mình.

Nhưng gần đây, do không quen với phiên bản mới của trò chơi, cậu đã để thua liên tiếp vài trận. Những mất mát đó đã khiến cậu chán nản và hoài nghi về tương lai của mình.

Cha mẹ Luoluo đã không gặp cậu trong hơn 6 tháng, và họ chỉ đưa cho cậu một khoản trợ cấp nhỏ hàng tháng. Khi Luoluo nói rằng bản thân đang cảm thấy lo lắng, cha cậu đã cho thêm tiền để đến gặp bác sĩ trị liệu. Bác sĩ chẩn đoán: Luoluo mắc chứng rối loạn lo âu nghiêm trọng, có thể là do cảm giác bất an quá lớn.

Tại trung tâm đào tạo eSports này, ngay cả khi thua cũng có nghĩa là bạn đã chiến thắng - Ảnh 13.

Ngược lại, Liu Chang, 17 tuổi, đến từ tỉnh Hắc Long Giang có thành tích học tập xuất sắc, nhưng cậu lại dành trọn trái tim cho thể thao điện tử. Thiếu niên này ngưỡng mộ một đội tuyển Honor of Kings nổi tiếng có tên gọi QGhappy.

"Rất đông khán giả đã cổ vũ khi họ thi đấu trên sân khấu. Nó thật vinh quang và đầy cảm hứng", Liu nói.

Trong hơn một tháng trong năm học thứ nhất ở trường trung học, Liu đã thuyết phục cha mẹ cho mình theo học tại một trường đào tạo như của Li Gang. Lúc đầu, bố mẹ từ chối nhưng họ không đành lòng nhìn con trai trốn học và "nằm chờ chết" ở nhà.

Cuối cùng, sau một cuộc họp gia đình, cha cậu đã cho phép nghỉ học ít nhất sáu tháng với điều kiện cậu phải tiếp tục đi học sau đó. Nếu đi theo thể thao điện tử không thành công, cậu có thể tự do trở lại trường học bất cứ lúc nào.

Gần 10 giờ tối tại trung tâm của Li Gang, Luoluo là học sinh cuối cùng rời đi. Huấn luyện viên Zhu nói rằng cậu ấy là học sinh duy nhất còn lại trong lớp học League of Legends.

"Trò chơi đã tồn tại quá lâu. Nó không được chú ý như Honor of Kings", ông nói. "Có quá nhiều chuyên gia kỳ cựu và quá ít cơ hội cho những tân binh. Thật khó để tạo dựng tên tuổi cho chính mình".

(Theo Trí thức trẻ, Sixthtone)

 

Bên trong 'lò đào tạo' eSports tại Hàn Quốc

Bên trong 'lò đào tạo' eSports tại Hàn Quốc

Hàng nghìn thanh niên cạnh tranh mỗi năm cho chiếc ghế tuyển thủ eSports chuyên nghiệp tại Hàn Quốc, nhưng chỉ số ít đạt được ước mơ này.