Catfish, một nhà phát triển phần mềm gian lận trong game, trở mình khó ngủ. Anh quyết định dừng bán phần mềm cheat game PUBG Mobile, mẻ “tôm tươi” bất chính mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ, sau khi hai cộng sự của mình bặt vô âm tín suốt nhiều ngày liên tiếp. Anh đóng cửa toàn bộ dịch vụ, mặc cho khách hàng cay cú. Sáng ngày 20/1, tỉnh sớm sau một giấc ngủ chập chờn, Catfish đọc được tin nhắn của một tay phân phối hàng cấm, mật danh “IIIIIIIII”, báo rằng anh này phải tới Thượng Hải gấp.

Ngái ngủ, đầu óc không thông tuệ, Catfish bối rối vô cùng. Bạn làm ăn thường sẽ báo nghỉ sớm lắm cơ, nhưng “sau khi xâu chuỗi các sự kiện lại, tôi hoảng loạn tột cùng”, Catfish nói với phóng viên Motherboard.

Ngay lập tức, Catfish xóa sạch dữ liệu trên những server anh ta dùng để vận hành phần mềm gian lận, lôi búa ra đập tan tành mọi ổ cứng “có thể chứa tệp tin liên quan tới phần mềm cheat”.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 1.

Dự cảm không lành của Catfish đã đúng: mấy tay bán hàng, trong đó có IIIIIIIII, đã bị bắt hết. Cảnh sát Trung Quốc làm việc với hãng game, hãng công nghệ khổng lồ Tencent triệt phá đường dây cung cấp phần mềm gian lận lớn. Theo lời cảnh sát Côn Sơn, cơ quan hành pháp của thành phố nằm bên rìa Thượng Hải, thành công hồi đầu năm nay là kết quả của nỗ lực điều tra kéo dài từ tháng Ba năm ngoái, bắt đầu không lâu sau khi Tencent tố cáo trang web của Catfish và đồng bọn.

“Tôi đã quen với việc lên sóng truyền hình Trung Quốc”, Catfish nói.

Năm ngoái, 10 người thuộc tổ chức bán phần mềm gian lận game này đã bị bắt. Nhưng theo lời Catfish, đây chỉ là những nhà phân phối cheat nhỏ lẻ, việc bắt hai cộng sự thân tín của Catfish mới là rút dây động rừng, khiến Catfish phải nhanh chóng phá hủy bằng chứng, ngừng mọi hoạt động kinh doanh và tìm đường tẩu thoát.

Đầu tháng Tư, cảnh sát buộc tội hai nhân viên bán hàng có tên là He và Wang, nói rằng họ thuộc đường dây gian lận trong game “lớn nhất thế giới” có tên “Đùi Gà”. Cáo buộc “lớn nhất thế giới” có những cơ sở đáng giá triệu đô hậu thuẫn. Theo lời cảnh sát, tổ chức bán phần mềm gian lận đã thu về 77 triệu USD. Cậu Wang sở hữu số xe hơi thể thao hạng sang (bao gồm cả Ferrari và Lamborghini) với tổng giá trị lên tới gần 3 triệu USD, và một cơ số Bitcoin có giá trị 4 triệu USD, cho dù Wang chỉ làm công việc bình thường với đồng lương hơn 2.900 NĐT/tháng, trên 10 triệu đồng.

Theo lời nhà cầm quyền, hai nhân vật trên chỉ là tôi tớ chịu trách nhiệm kiểm soát chi phí hoạt động, phân phối lợi nhuận cho cấp dưới, thu tiền kiếm được và liên hệ trực tiếp với Catfish.

“Tôi biết cảnh sát đã theo dõi tổ chức của mình được một thời gian dài”, Catfish trả lời phỏng vấn Motherboard. “Tôi chưa bao giờ tiết lộ danh tính của mình với các cộng sự, nhưng tôi vẫn luôn đau đáu rằng họ thuộc hàng bất khả xâm phạm, chưa từng nghĩ họ sẽ bị bắt”.

Theo lời Catfish, anh ta mới là đầu não của hoạt động buôn bán phần mềm gian lận trị giá nhiều triệu USD. Và trong bài phỏng vấn độc quyền với Motherboard, anh kéo hờ tấm màn che đậy ngành công nghiệp bất hợp pháp đã tồn tại từ những buổi đầu game online trở nên thịnh hành.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 2.

Catfish là biệt danh mà Motherboard đặt cho nhà phát triển phần mềm gian lận, và cũng là người đứng đầu tổ chức mới bị chính quyền triệt phá. Hiện Catfish vẫn đang bị truy nã bởi chính quyền Trung Quốc - những người gọi anh là Cheat Ninja, bởi lẽ tổ chức của Catfish sở hữu một danh sách dài những tên miền cung cấp phần mềm gian lận, trong đó có CheatNinja.com. Cũng trên trang web này, vào ngày 23/1 - ba ngày sau khi chính quyền Trung Hoa triệt phá đường dây gian lận lớn, họ thông báo dừng hoạt động do “vấn đề pháp lý với Tencent”.

Để xác định danh tính của mình, Catfish gửi cho Motherboard bằng chứng cho thấy anh ta là quản trị viên của một kênh chat trên Slack cùng một admin khác có tên “IIIIIIIII”, người đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và công bố danh tính thật. Cũng theo những nguồn tin khác trong cộng đồng gian lận game, một trong những biệt danh của Catfish có xuất hiện trong những bản cheat cũ; Catfish đã từng trực tiếp tham gia quá trình phát triển phần mềm gian lận.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 3.

Trong những game bắn súng như PUBG, Overwatch và CoD: Warzone, vấn nạn hack vẫn cứ bóp nghẹt người chơi ngay từ những ngày đầu game lên sóng. Kẻ sử dụng phần mềm thứ ba có thể nhìn xuyên tường, hay bắn người chơi khác mà không lệch phát nào.

Những game kể trên có thể có tiết tấu nhanh đến chóng mặt, thu hút những người chơi có phản xạ thượng thừa và cảm quan game cực tốt, nên việc chiến thắng trong những trò chơi này không dễ dàng, việc thua trận do khả năng được đa số người chơi chấp nhận. Nhưng vẫn tồn tại nhiều kẻ cay cú muốn tìm kiếm chiến thắng mà không phải tốn công, chúng bắt đầu sử dụng phần mềm gian lận.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 4.

Khi người chơi rời game, nhất là những trò chơi miễn phí như Apex Legends, Warzone hay PUBG Mobile - vốn chỉ kiếm tiền qua vật phẩm làm đẹp cho nhân vật trong game, thì doanh thu của nhà phát triển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là lý do nhà phát triển thuê về những đội chống gian lận chuyên nghiệp, rồi áp dụng luật cấm nghiêm khắc hay những phần mềm anti-cheat có khả năng cấm vĩnh viễn hacker tham gia game (thông qua ban IP và ban trực tiếp phần cứng của cheater), đồng thời nhanh chóng vá lỗ hổng ngay khi chúng lộ diện.

Nhưng nỗ lực đến mấy, hacker/cheater vẫn tồn tại trong thế giới game online, bởi lẽ ngành công nghiệp chế tạo và buôn bán hack cũng sôi động vô cùng, người chơi sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để có được lợi thế bất công. 

Bảy năm trước, đã có nhà phát triển phần mềm gian lận khẳng định anh thu về 1,25 triệu USD/năm; cách đây chẳng lâu, một hacker cho thấy anh ta đã sống 20 năm nhờ khai thác lỗ hổng có trong game online. Ngành công nghiệp game cũng dùng đòn tài chính để răn đe. Họ tiến hành kiện các bên phát triển phần mềm gian lận, đòi bồi thường tới hàng triệu USD, thế nhưng vấn nạn vẫn còn đó.

Tại Trung Quốc, việc phát triển và phát hành phần mềm gian lận đều bị quy vào tội tấn công an ninh mạng. Năm ngoái, chính quyền Trung Hoa đã tống giam 5 thanh niên trong vòng 6-9 tháng vì phát triển và bán phần mềm gian lận cho game Peacekeeper Elite (phiên bản PUBG Mobile tại Trung Quốc). Đầu năm nay, một người đã phải lãnh án tù 3 năm, nhận án phạt 100.000 NDT (khoảng 357 triệu VNĐ) vì viết và bán phần mềm cheat của Knives Out, một tựa game mobile nổi tiếng khác. Theo các tờ báo địa phương, anh này bị kết tội phát tán phần mềm độc hại có khả năng thao túng hệ thống máy tính.

Theo báo cáo mới được Statistica công bố, số lượng game thủ Trung Quốc chơi trên nền tảng di động lên tới 650 triệu người, chủ yếu chơi những game như PUBG Mobile hay Warzone; thị trường game di động tại Trung Hoa sinh ra khối lợi nhuận khổng lồ. Tencent, nhà phát triển và phát hành game lớn của Trung Quốc, không ít lần lên tiếng dè bỉu những kẻ gian lận trong game, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm truy vết hacker.

“Tencent Games quyết tâm tạo ra môi trường chơi game công bằng cho các game thủ. Đội an ninh của chúng tôi liên tục nỗ lực chống lại nạn gian lận và luôn tối ưu hệ thống bảo mật trong game”, Tencent viết trong email gửi báo giới.

Năm ngoái, Tencent Games Security tung một video kèm tuyên bố “kẻ gian sẽ luôn bị trừng phạt”. 

Video mang chủ để chống nạn gian lận trong game từ nhà phát triển PUBD Mobile.

Trong vụ việc triệt phá tổ chức Cheat Ninja của Catfish, người phát ngôn của Tencent từ chối cung cấp thông tin liên quan tới quá trình điều tra. Tuy nhiên, họ có xác nhận việc tổ chức cung cấp phần mềm gian lận này tập trung vào game PUBG Mobile, và rằng quá trình điều tra vẫn đang được tiếp tục.

Khi cảnh sát Côn Sơn công bố cáo trạng, tập đoàn Tencent đã tặng cho sở một kỷ niệm chương với dòng chữ: “Vũ bão như sấm sét, dọn internet, triệt phá hành vi sai phạm, cùng dẹp loạn”.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 6.

Tencent và các bên điều tra gọi tổ chức buôn bán công cụ gian lận này là Đùi Gà, cái tên được truyền cảm hứng bởi chính biểu tượng của phần mềm; theo lời Catfish, ý tưởng này tới từ dòng thông báo chiến thắng của game là “winner winner chicken dinner”, hay game thủ Việt Nam gọi là “ăn cơm gà”. Tuy nhiên, tên chính thức đầu tiên của phần mềm là Sharpshooter - Xạ Thủ hay gần đây, tên nó được đổi thành Cheat Ninja. Cái tên Cheat Ninja xuất hiện khi Catfish và đồng phạm tuyển thêm người, và mở trang web bán phần mềm hack có cái tên như vậy.

Tên thì mới, nhưng tuổi đời tổ chức của Catfish đã nhiều và liên tục thu lời lớn, có lẽ họ là những kẻ giàu có bậc nhất trong số những công ty buôn phần mềm cheat.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 7.

“Chúng tôi biết có những nhà phát triển cheat thu được tới 2 triệu USD mỗi tháng. Tức là 24 triệu USD một năm. Nếu anh làm việc trong ngành này khoảng 3 năm, anh sẽ thu được khoản tiền vào tầm đấy”, một người làm trong ngành công nghiệp game chia sẻ.

Một người trong ngành khác đồng ý với nhận định trên. Anh này lấy ví dụ về LeagueSharp, một nhà cung cấp phần mềm hack cho riêng game Liên Minh Huyền Thoại. Năm 2017, Riot Games yêu cầu LeagueSharp phải bồi thường 10 triệu USD, con số khổng lồ này được đưa ra dựa trên tổng thu nhập của việc bán phần mềm hack cho một game duy nhất.

Theo lời anh này, một tổ chức bán công cụ hack game lâu đời, phủ rộng nhiều game hoàn toàn có thể phá con số kỷ lục trên. 

Catfish từ chối đưa ra số tiền mà tổ chức bán phần mềm hack của mình thu được, nhưng có nói rằng con số 77 triệu USD mà cảnh sát công bố cũng gần đúng, khi xét tới giá Bitcoin trong những tháng vừa qua. Anh khẳng định số tiền thu được đã đủ để anh lui về ở ẩn ngay hôm nay nếu muốn.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 8.

Catfish chưa bao giờ nghĩ đến ngày phần mềm anh viết ra lại nổi tiếng, và khiến anh giàu có tới vậy. Và hiển nhiên, cũng không nghĩ đến ngày anh rơi vào tầm ngắm của cảnh sát Trung Quốc. Anh không ngờ một cơn tò mò nổi lên cuối năm 2017 lại đưa anh dấn sâu vào con đường này.

Khoảng 4 năm về trước, anh và bạn bè vẫn đang đắm đuối PUBG trên nền tảng PC. Đến khi gặp quá nhiều hack, cậu kỹ sư phần mềm này ngứa nghề, muốn tìm hiểu cách viết một phần mềm gian lận để mình và bạn bè cùng sử dụng. Khi Tencent công bố phiên bản PUBG cho iOS và Android, anh cũng phát triển luôn cả cheat cho hai nền tảng mới. Phần mềm do Catfish viết cung cấp cho người chơi khả năng nhìn xuyên vật cản, đồng thời cho phép tâm súng súng tự động đặt trúng mục tiêu.

Thông qua một nhóm chat cùng những nhà phát triển cheat khác, Catfish sớm tìm được đối tác phân phối cheat, họ dự định dồn lực khai thác thị trường Trung Quốc. Tại đất nước tỷ dân này, các phần mềm gian lận thường được bán trên những trang web phủ vỏ bọc là buôn phần mềm có bản quyền, khách hàng sẽ trả phí để nhận mã kích hoạt. Ngoài ra, cheat còn được bán qua các nhóm trên WeChat và những forum liên quan.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 9.

Thành công nhanh chóng làm mờ mắt cả Catfish lẫn người phân phối cheat. Đối tác của Catfish sợ bị Tencent và cảnh sát dòm ngó, Catfish thì lo danh tính mình bị lộ. Đến lúc ấy, nhờ trí tò mò mà Catfish mới hiểu: hóa ra, phát triển và bán phần mềm gian lận trong game là liên tục chơi đuổi bắt với nhà phát triển, lúc nào cũng phải tìm cách qua mặt hệ thống anti-cheat của Tencent. 

“Quá nhiều áp lực trong việc liên tục thêm vào phần mềm chức năng mới, theo dõi bản cập nhật mới, và tìm con đường mới để lách qua hệ thống an ninh, tôi nhận ra rằng mình cần thêm những nhà phát triển khác nữa”, Catfish nói.

Lợi nhuận quá nhiều, ma lực quá lớn để anh dừng sớm như vậy.

Catfish nói lúc này, anh đang thu 10-15 USD/người cho mỗi tháng đăng ký sử dụng dịch vụ gian lận. Những phần mềm cheat thuộc dạng này thường được bán theo gói tính theo tháng, bởi lẽ game liên tục được cập nhật, các nhà phát triển game liên tục vá con cưng của mình trong khi những kẻ gian như Catfish liên tục tìm khe hở. Mỗi ngày, họ nhận về hàng ngàn đợt đăng ký làm mới gói, có lúc số tiền Catfish thu được lên tới 350.000 USD/tháng.

“Rõ ràng đây không phải con số thường xuất hiện trong ngành phát triển phần mềm gian lận. Tôi nghĩ, chúng tôi thành công là vì chúng tôi phân phối thứ cheat xịn nhất cho tựa game ăn khách nhất”, Catfish nói.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 10.

Khuất sau cơn mưa tiền bất chính, Catfish bận bịu với từng dòng code, tìm cách cung cấp phần mềm hack cho game thủ PUBG Mobile. Nhận sự giúp đỡ từ nhân viên mới - một người bạn của Catfish, anh tiếp tục trò đuổi bắt với Tencent.

Tại mốc thời gian này, phần mềm gian lận của Cheat Ninja được thiết kế để chạy trên một môi trường giả lập, vừa chạy được game lại vừa vận hành được cheat. Một lý do nữa khiến phần mềm này được nhiều người sử dụng là nó không yêu cầu người dùng Android phải “root” máy. Nhưng đến giữa năm 2019, Catfish nhận ra họ cần chuyển hướng phát triển; họ yêu cầu máy phải root để dùng được phần mềm gian lận, động thái này nhằm tránh bị hệ thống anti-cheat phát hiện.

Các nhà nghiên cứu bảo mật tại cơ quan Lookout đã phân tích phần mềm của Cheat Ninja và khẳng định với Motherboard: phiên bản cũ của phần mềm cheat vận hành được trong cả môi trường ảo, trên phần mềm giả lập và trên điện thoại Android đã được root.

Cuối năm 2019, Catfish mở rộng địa bàn hoạt động, tấn công những thị trường béo bở của Call of Duty và Fornite. Anh dự định mang phần mềm của mình tới với game thủ toàn cầu. Hợp tác thêm với nhiều đối tác bán hàng khác, Cheat Ninja có được khách hàng mới từ Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, Ả-rập Xê-út và Ai Cập.

Việc kinh doanh nở rộ, doanh số bán ra lại nhiều như thời phần mềm của Cheat Ninja chạy được trên smartphone đã root, họ lại kiếm được 400.000 USD/tháng. Lúc này, các phần mềm gian lận vẫn được phân phối thông qua các nhà bán lẻ, rải rác trên nhiều website, forum và kênh chat riêng. Catfish và bạn mình phát triển cheat, cộng sự của họ tuồn hàng cho cấp dưới đi bán và thu tiền.

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 11.

Thế nhưng, 2020 là một năm “việc kinh doanh không thuận buồm xuôi gió”, Catfish kể, bởi lẽ PUBG đã có thêm nhiều đối thủ, bản thân game mất dần sức hút. Hơn nữa, Tencent và cảnh sát Trung Hoa đã bắt đầu dồn lực truy vết phần mềm gian lận. Hôm 10/6/2020, cảnh sát bắt giữ và kết tội 10 người được cho là có liên quan tới hoạt động của Cheat Ninja.

“Tôi biết họ đã để ý tới tổ chức của mình từ lâu rồi. Họ bắt bớ người bán hàng của chúng tôi suốt cả năm qua”, Catfish nói.

Nửa năm sau vụ bắt giữ kể trên, vào ngày 12/1, cảnh sát Côn Sơn bắt được Wang, còn mật danh IIIIIIIII xộ khám vào ngày 20/1.

Đến lúc này, Catfish vẫn chưa biết tới việc hai cộng sự thân tín đã sa lưới pháp luật. Nhưng nhận thấy những hành vi kỳ lạ của IIIIIIIII, Catfish bắt đầu nghi ngờ đây không phải người mà mình làm ăn cùng suốt bấy lâu. Catfish hỏi chuyện một số thành viên thân tín khác, biết được IIIIIIIII gửi đi nhiều tin nhắn lạ lắm, cứ đòi bạn bè bấm vào link mua hàng trên Taobao.

Catfish lần theo địa chỉ truy cập của IIIIIIIII và thấy rằng anh này đang ngụ tại với một địa chỉ IP tại tỉnh Giang Tô, gần thành phố Thượng Hải. Catfish nảy sinh nghi ngờ, bởi lẽ tất cả các đồng nghiệp đều dùng proxy để đăng nhập dù ở bất cứ đâu. Bên cạnh đó, cách thời điểm này ít lâu, cảnh sát đã bắt giữ một số thành viên tổ chức tại Giang Tô.

“Tôi xâu chuỗi sự việc, rồi đọc từng dòng cái lịch sử hội thoại dài mấy tháng để đảm bảo mình không lỡ nói ra điều gì không nên”, Catfish kể lại. 

Ngay lập tức, cậu ta đóng cửa trang Cheat Ninja; theo lời Catfish kể, vào thời điểm này, trang web đang có tới 600.000 người đang hoạt động. 

Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 12.
Lóc thịt “Đùi Gà”: hành trình thăng hoa và sụp đổ của đế chế cung cấp phần mềm hack game trị giá hơn 1.772 tỷ VNĐ - Ảnh 13.

Kể từ lúc cảnh sát triệt phá tổ chức phát triển và buôn bán phần mềm gian lận, Catfish đang ẩn mình. Trong lúc đó, những phiên bản khác của phần mềm hack đang cố kiếm chác tại thị trường mà ngôi vương đang bỏ ngỏ.

Từ một nhà phát triển tại Kazakhstan, phần mềm gian lận có tên gọi Cheat Ninja Sharpshooter bắt đầu nổi; lần cuối ứng dụng này được cập nhật là hồi tháng Tư, với hơn 100.000 lượt tải và cài đặt. Giá thành đăng ký sử dụng gói cheat này dao động từ 3,99 USD cho tới 20,99 USD. Catfish nói rằng phần mềm này không liên quan tới tổ chức Cheat Ninja của anh, và nhà phát triển ứng dụng kia từ chối trả lời câu hỏi từ phía Motherboard.

Một trong những nhà phân phối bản cheat năm xưa đang tiến hành quảng bá phần mềm gian lận thông qua một website giống hệt trang Cheat Ninja đã dừng hoạt động. Nhóm các nhà phát triển này gọi sản phẩm của mình là bản sao của phần mềm cũ, và nhân vật có tên Md Samad, người đứng sau chiếc Đùi Gà mới rán, khẳng định mình không rõ ai đã phát triển Cheat Ninja. Điều này cho thấy danh tính của người đứng sau tổ chức triệu đô được giấu kín tới mức nào.

“Không ai biết danh tính của họ cả. Họ sống trong bí mật”, Md Samad viết trong một đoạn chat.

“Ngay từ đầu, chúng tôi hiểu rõ nguy cơ đứng sau phần mềm gian lận nhắm vào các game Trung Quốc, nên đã có những biện pháp giấu mình kỹ càng”, Catfish nói. “Chúng tôi biết đây là lối kinh doanh lắm rủi ro, nên biết về nhau càng ít thì càng tốt”.

Những ngày đầu thoát vòng lao lý, Catfish khẳng định anh sẽ trở lại buôn phần mềm gian lận với một cái tên khác, coi đó là cách trả đũa Tencent và cơ quan chức năng vì đã bỏ tù đồng phạm của mình. “Tôi muốn phá hoại game của họ và tấn công lợi nhuận của công ty”, Catfish nói.

Nhưng vài ngày sau, anh đổi ý.

“Tôi sẽ từ bỏ cái dự định cung cấp dịch vụ này. Tôi không cần phải làm tiền thông qua cách này nữa, và áp lực vô cùng khi cứ phải chạy theo phần mềm anti-cheat, rồi cả sức ép từ đối thủ, từ các tổ chức lừa đảo, v.v... còn chưa kể đến cả cảnh sát nữa”, Catfish nói. “Chắc tôi vẫn sẽ làm cheat thôi, nhưng chỉ để tự dùng và phân phát cho bạn bè nữa”.

Và trên hết, Catfish nhận định anh muốn bỏ thời gian ra chơi game nhiều hơn, những tựa game như Counter-Strike: Global Offensive, Valorant, Cyberpunk 2077, Hitman và Final Fantasy.

“Tôi đã bỏ quá nhiều công sức vào phát triển phần mềm gian lận, nên chẳng còn thời gian và tâm trạng để mà thưởng thức trò chơi điện tử nữa”, Catfish nói.

(Theo Pháp luật & Bạn đọc, Motherboard)

 

Giao diện não-máy tính cho game thủ có khả thi?

Giao diện não-máy tính cho game thủ có khả thi?

Công nghệ này sẽ mang đến trải nghiệm thực tế chưa từng có cho người chơi, nó cũng sẽ có thể ứng dụng trong y tế nếu được phép thương mại hóa.