Esports đã bắt đầu hình thành ở Việt Nam từ cả chục năm trước, nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây mới bắt đầu được thừa nhận rộng rãi từ xã hội và nhận sự đầu tư nghiêm túc từ các nhãn hàng, nhà tài trợ, nhà đầu tư. 

Tiến tới kỳ SEA Games 31 diễn ra vào năm 2021, nước chủ nhà Việt Nam đang cân nhắc nâng tổng số môn thi đấu từ 36 lên 40 môn, với 4 môn lựa chọn từ 20 môn thi đấu do các nước thành viên đề xuất. Trong số này, eSports có thể xem là điểm sáng nếu được tổ chức với rất nhiều bộ môn thi đấu thế mạnh, có thể giành huy chương vàng cho thể thao nước nhà.

Liên Minh Huyền Thoại

Việt Nam bắt đầu tham gia giải vô địch thế giới Liên Minh Huyền Thoại từ khá sớm khi Saigon Jokers đại diện cho khu vực Đông Nam Á tham dự sự kiện lớn nhất của Liên Minh Huyền Thoại tại Los Angeles (Mỹ).

Sau đó, dấu ấn lớn nhất của Liên Minh Huyền Thoại nước nhà chính là việc Việt Nam được Riot Games công nhận là một khu vực riêng và chính thức tách ra khỏi GPL (Đông Nam Á) vào năm 2018.

Kể từ đó đến nay, người ta được chứng kiến nguồn lực xã hội đầu tư vào Liên Minh Huyền Thoại ở mức độ chưa từng có với những bản hợp đồng, lót tay cho tuyển thủ, những thương vụ đình đám lên tới cả bạc tỷ.

{keywords}
Khả năng tổ chức một giải đấu Liên Minh Huyền Thoại quy mô, chuyên nghiệp ở Việt Nam là hoàn toàn có thể. (Trong ảnh: nhà thi đấu GG Stadium ở TP.HCM)

Cùng với đó, trình độ của các đội tuyển cũng được nâng cao nhờ cải thiện cơ sở vật chất (gaming house), đội ngũ tuyển thủ, huấn luyện viên chuyên nghiệp hơn, được cọ xát với các đội tuyển hàng đầu khu vực khác.

Thậm chí, các tuyển thủ Việt Nam còn xuất ngoại sang thi đấu ở các nước Đông Nam Á cho tới khi giải đấu trong khu vực này bị hủy bỏ để thay thế bằng giải liên khu vực Đông Nam Á, Hong Kong, Đài Loan.

Chính vì thế, những đối thủ đáng ngại nhất của Việt Nam trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia đã suy yếu đáng kể. Cơ hội giành vàng của chúng ta ở bộ môn Liên Minh Huyền Thoại này là rất cao.

Liên Quân Mobile

Tương tự như trường hợp của Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile cũng có những bước phát triển thần tốc trong vài năm trở lại đây. Việt Nam đã không chỉ khẳng định vị thế số 1 trong khu vực mà còn trên toàn thế giới, nhờ tầm vóc của Team Flash.

Tuy vậy, cú sảy chân ở kỳ SEA Games 30 thực sự là một bước lùi tai hại cho Liên Quân nước nhà. Ở giải đấu quốc tế gần nhất là APL 2020, các đội tuyển đại diện Việt Nam cũng không giành được kết quả tốt.

{keywords}
Đại diện Liên Quân Việt Nam tham dự SEA Games 30 đã có kết quả không tốt. (Trong ảnh: đội Mocha ZD eSports)

Đây là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ với Liên Quân nước nhà. Nếu không muốn chứng kiến cảnh người Thái tiếp tục thống trị bộ môn này, các team của Việt Nam sẽ phải tập luyện hết sức nghiêm túc và thi đấu hết mình trong bất kỳ trận đấu nào, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, nhằm chọn ra đại diện ưu tú nhất tranh tài ở các giải đấu quốc tế.

Free Fire

Đây là một bộ môn mà các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia có phong trào phát triển tương đối mạnh. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn có thể tự tin vào khả năng giành vàng ở Free Fire, nhờ vào lực lượng hiện có với hệ thống giải đấu quy củ, chuyên nghiệp. 

{keywords}
Free Fire đang có bước phát triển tốt ở Việt Nam. (Trong ảnh: đội Team Flash)

Dù vậy với một game đấu trường sinh tồn ít nhiều dựa vào sự may mắn ở các vòng bo lẫn trang bị nhặt được, một khi trận đấu chưa bắt đầu thì chưa thể nói trước được điều gì. Đội tuyển tận dụng tốt mọi cơ hội cộng với chiến thuật hợp lý mới là đội có thể mỉm cười giành chiến thắng sau cùng.

Pro Evolution Soccer

Sự phổ biến của PES ở Việt Nam từ hàng chục năm qua đã giúp cho chúng ta có được một lực lượng các tuyển thủ chất lượng nổi lên từ những phong trào nhỏ lẻ ở địa phương. Điểm yếu và thiếu duy nhất là sự đầu tư về mặt con người trên cả một chặng đường dài, điều đang bắt đầu được cải thiện trong những năm trở lại đây.

{keywords}
Thần đồng PES 12 tuổi của Việt Nam.

Với một thế hệ các tuyển thủ tài năng ở hiện tại như Tâm Figo, Thành Mù, Jesus, Duy Mập, Quang Barca hay mới nhất là thần đồng 12 tuổi Lê Hà Anh Tuấn, chúng ta có cơ sở để tự tin sẽ giành vàng ở bộ môn này.

Các môn thi đấu khác 

Số lượng các môn eSports là vô cùng lớn, dẫn tới số nội dung thi đấu có thể là vô hạn. Vì lẽ đó, rất khó để đưa tất cả các môn eSports mà người Việt Nam yêu thích vào chương trình thi đấu ở SEA Games 31, kể cả khi có được sự phê duyệt của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á.

Danh sách không được kể tới ở đây gồm Dota 2, Fortnite, Đế Chế, FIFA Online 4, Auto Chess, Teamfight Tactics, Starcraft II, PUBG, Hearthstone, Clash of Clans, Clash Royale... Với điều kiện cơ sở hạ tầng, công tác huấn luyện trọng tài, cơ cấu tổ chức Liên đoàn eSports còn hạn chế, có lẽ chỉ nên hy vọng vào việc có 1-2 môn thi đấu eSports được lên khung tổ chức, nếu nó được đưa vào SEA Games 31 mà thôi.

Hữu Phương

Chưa chốt đưa eSports vào nội dung thi đấu ở SEA Games 31

Chưa chốt đưa eSports vào nội dung thi đấu ở SEA Games 31

Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á lần thứ I/2020 vừa kết thúc hôm 22/7 vẫn chưa quyết định bổ sung các môn thi đấu mới, trong đó có thể thao điện tử (eSports), tranh tài ở SEA Games 31.