Tại buổi làm việc giữa Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) với 10 doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng xuyên biên giới vào Việt Nam đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT đã giải đáp một số câu hỏi mà các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến chính sách quản lý game của Việt Nam. Đây là các doanh nghiệp đã cung cấp một số game tiếng Việt, thanh toán bằng tiền Việt qua hai App của Google và Apple.

Một trong những điểm mà các doanh nghiệp game nước ngoài quan tâm là thời gian thẩm định hồ sơ để cấp phép một game là bao lâu? Ông Tự Do cho hay, theo quy định là 20 ngày làm việc. Tuy nhiên, thời gian cấp phép còn phụ thuộc vào Hội đồng thẩm định có yêu cầu chỉnh sửa nội dung gì trong game hay không. Và khi doanh nghiệp trong nước (đơn vị đứng ra xin giấy phép – PV) đề nghị các nhà sản xuất chỉnh sửa nội dung theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, thì tùy thuộc vào việc các nhà sản xuất game chỉnh sửa mất bao lâu.

Ông Tự Do cho biết, theo pháp luật Việt Nam những nội dung bị cấm trong bao gồm: Game có yếu tố cờ bạc, đổi thưởng; nội dung bạo lực, hình ảnh hở hang, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam; game xuyên tạc và vi phạm lịch sử của Việt Nam; hình ảnh ghê rợn, hay hình ảnh bản đồ không phù hợp. Theo số liệu của Cục, 100% các game khi thông qua Hội đồng thẩm định đều phải chỉnh sửa. Cho nên, thực tế thời gian xin phép thường từ 30-45 ngày, cá biệt có game mất từ 3-6 tháng. Thời gian thẩm định nhanh hay chậm còn tuy thuộc vào chính các nhà sản xuất cho chỉnh sửa nội dung mất thời gian bao lâu.

Game Lão Gia Cát Tường chưa được cấp phép nhưng đã phát hành phiên bản tiếng Việt và được quảng cáo mạnh trên Facebook.

Trong thời gian qua, các nội dung mà Hội đồng thẩm định yêu cầu chỉnh sửa chủ yếu như: Thay hình ảnh hở hang bằng hình ảnh có quần áo, game bắn súng bạo lực quá Hội đồng yêu cầu máu không được màu đỏ (như trường hợp của game PUBG đã được cấp phép thì máu có màu xanh), không có hình ảnh chém đầu hay đâm chém một cách ghê rợn. Nhiều game phải mất thời gian khá lâu để chỉnh sửa theo đúng yêu cầu.

“Game online tác động nhiều nhất là giới trẻ, mà giới trẻ cần bảo vệ chặt chẽ hơn hơn trên môi trường mạng do đó các yêu cầu về nội dung yêu cầu các nhà sản xuất và phát hành game phải thực hiện nghiêm túc. Trước đi khi làm việc với một số cơ quan quản lý của Trung Quốc thì chính quyền Trung Quốc có chung quan điểm quản lý nội dung như vậy”, ông Tự Do nói.

Một nhà sản xuất game cũng đặt câu hỏi, đối với những game phiên bản quốc tế có sử dụng bản đồ, nhưng khi phía Việt Nam yêu cầu, nhà sản xuất game đã bỏ phần bản đồ Việt Nam đi, vậy sau này khi xin cấp phép về Việt Nam có gặp khó khăn gì không? Về vấn đề này, ông Tự Do cho biết, Việt Nam không cho phép sử dụng bản đồ thật trong game, nhưng các game có nội dung lịch sử (như game Tam quốc) có dùng bản đồ thật, điều này là không được. Đối với những game mà dùng tên các nhân vật, các địa danh cổ của Trung Quốc sẽ không yêu cầu thay hết, nhưng với những địa danh về lịch sử, địa lý gây ảnh hưởng tính trung thực của lịch sử, hay mối quan hệ ngoại giao thì Cục PTTH&TTĐT sẽ yêu cầu chỉnh sửa.

“Các nhà làm game không nên làm chính trị, và các vấn đề nhạy cảm chính trị nên bỏ qua một bên, không nên đưa vào trong game”, ông Tự Do cho biết.

Đối với những game chạy phiên bản quốc tế, phát hành tại nhiều quốc gia và liên thông server với nhau, nếu phát hành ở Việt Nam, người chơi vẫn có thể chơi phiên bản quốc tế thì nên giải quyết thế nào? Theo ông Tự Do, có những game phát hành toàn cầu sau đó mới phát hành ở Việt Nam, yêu cầu với loại hình game này khá đặc biệt, Cục vẫn cho phép phát hành ở Việt Nam nhưng để tránh việc công ty Việt Nam chỉ làm “vỏ bọc” thu tiền người chơi, nên Cục đã đưa ra 2 yêu cầu: Một là máy chủ phải có hệ thống lưu trữ dữ liệu người chơi ở Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ hệ thống máy chủ này. Khi cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp thông tin dữ liệu về người chơi thì doanh nghiệp đó phải cung cấp được. Yêu cầu thứ hai là game phải được thẩm định nội dung và điều chỉnh sửa đổi theo yêu cầu của Việt Nam, không giữ nguyên trạng so với game phát hành toàn cầu.

PUBG đã được cấp giấy phép phát hành tại Việt Nam.

Ví dụ, điển hình là PUBG Mobile phát hành toàn cầu của Tencent, khi Bộ TT&TT yêu cầu chặn ở thị trường Việt Nam thì Tencent bán cho game này cho VNG phát hành tại Việt Nam. Phiên bản PUGB phát hành ở Việt Nam bắn nhau là máu màu xanh, không phải màu đỏ như phiên bản quốc tế và Bộ TT&TT cũng không cho phép sử dụng chat voice ở trong game.

Ông Tự Do giải thích thêm, Việt Nam không ủng hộ cho dùng chat voice trong game để tránh ảnh hưởng tới vấn đề an ninh trật tự. Trong các game được phép có có chat text, nhưng yêu cầu phải có bộ lọc từ, bộ lọc từ của một số công ty game lên đến khoảng 10.000 từ. Ví dụ, những câu nói tục, chửi thề, kích động bạo lực, biểu tình, xuống đường đều phải có trong bộ lọc từ. Do chat voice không có bộ lọc từ nên nhà nước khuyến cáo các game không dùng.

Trao đổi với Cục PTTH&TTĐT, một số doanh game đang phát hành game toàn cầu như Nexon (Hàn Quốc), IGG (Singapore), Youzu, Aligame, 37game (Trung Quốc) thể hiện quan điểm sẽ nghiêm túc chấp hành và ủng hộ yêu cầu của Việt Nam để phát hành game. Ví dụ, Youzo có game Thiên sứ kỷ nguyên hiện đang phát hành rất tốt trên toàn cầu, sắp tới sẽ hợp tác với một công ty của Việt Nam để phát hành. Đại diện Aligame, là công ty phát hành game thuộc Tập đoàn Alibaba cho biết, trong thời gian tới Aligame sẽ đưa nhiều game hợp tác với công ty Việt Nam và cam kết sẽ tuân theo đúng các quy định về quản lý game online của Chính phủ Việt Nam.