{keywords}
SofM đang bay cao trong màu áo Suning ở CKTG 2020

Có lẽ chưa bao giờ thể thao điện tử nước nhà nhận được sự chú ý lớn lao đến vậy. Khoảnh khắc mà Suning đánh bại Top Esports để bước vào trận chung kết ở giải đấu lớn nhất của Liên Minh Huyền Thoại, người hâm mộ Việt Nam như vỡ òa. Bởi ở đó có sự hiện diện của Lê ‘SofM’ Quang Duy, người Việt đầu tiên tiến xa đến như vậy ở một kỳ chung kết của Chung Kết Thế Giới (CKTG) kể từ khi giải đấu này ra đời năm 2011.

Giây phút SofM cầm Jarvan IV từ từ tiến ra từ đường bờ sông, cùng đồng đội bắt chết Trác ‘Knight’ Định và Hồng ‘Karsa’ Hạo Hiên bên team địch qua đó ấn định thắng lợi 3-1 cho Suning có lẽ là khoảnh khắc thiên tài hiếm hoi khó có cơ hội lặp lại. 

Và giờ đây, tất cả người hâm mộ Liên Minh Huyền Thoại trên thế giới đều đang hướng về trận chung kết lịch sử, nơi ánh hào quang chưa một lần rọi đến DWG hay Suning. Tâm điểm chú ý một lần nữa lại gọi tên thần rừng SofM, người đứng trước cơ hội làm nên kỳ tích chấn động thế giới trước sự theo dõi của cả chục triệu người.

{keywords}
Lượng người theo dõi trận đấu giữa Suning và Top Esports vừa qua đã lập kỷ lục

Thật vậy, kỳ CKTG năm ngoái, Liên Minh Huyền Thoại đã ghi nhận hơn 44 triệu người xem cùng lúc với tổng cộng 100 triệu người xem trên toàn cầu, một kỷ lục trong số các bộ môn eSports. Năm nay, dù thiếu vắng ngôi sao Faker cùng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, các trận đấu mở màn vòng bảng vẫn phá kỷ lục người xem, qua đó chứng tỏ sức hút mãnh liệt của giải đấu tầm cỡ thế giới này. 

Thực tế, trước Liên Minh Huyền Thoại, người Việt đã phần nào thể hiện sự thống trị ở những bộ môn như Liên Quân Mobile hay Age of Empires. Nhưng sự thống trị đó là chưa đủ để thuyết phục những người ngoài cuộc nhìn nhận về một nền thể thao điện tử đích thực. Bởi Liên Minh Huyền Thoại vẫn được xem là lá cờ đầu của eSports thế giới với quy mô và mức độ hoành tráng đã vươn đến đẳng cấp của bất kỳ môn thể thao truyền thống nào. 

Tài năng của SofM thậm chí còn được chính cộng đồng Dota 2 Việt Nam phải công nhận, gọi người đi rừng sinh năm 1998 này bằng biệt danh ‘Vua trò chơi’. Nickname này như một sự thừa nhận cho trình độ không chỉ định hình lối đi rừng của Liên Minh Huyền Thoại, mà còn giỏi ở tất cả những trò mà SofM từng chơi. Trước thềm chung kết sắp tới, người hâm mộ không phân biệt Dota 2 hay Liên Minh cũng ra sức ủng hộ cho SofM. 

“Mình nhận luôn là fan Dota 2 của SofM, theo dõi cu cậu cũng được một thời gian từ hồi mới sang Trung Quốc. Theo dõi những trận thắng thua, cảm thấy cu cậu đánh được nên mới thích. Giờ cu cậu có vinh quang hay gì đấy thì cũng vui đấy vì mình nhìn thấy được sự cố gắng và thành quả mà cu cậu gặt hái được”, bạn Trần Nguyễn Hoàng (Nghệ An) bình luận. 

{keywords}
Sân vận động Pudong, nơi diễn ra trận chung kết của CKTG năm nay

Không chỉ Hoàng, các thành viên khác của nhóm Dota 2 Việt Nam đều bày tỏ sự khâm phục lẫn thán phục trước ý chí của SofM khi một mình bươn chải nơi đất khách quê người từ năm 18 tuổi. Với việc các fan Dota 2 thường có truyền thống ghét Liên Minh Huyền Thoại, việc SofM được người hâm mộ Dota 2 yêu quý chính là minh chứng rõ nhất cho tầm ảnh hưởng của ‘Duy Cầu Giấy’ ở thời điểm hiện tại.

Vì lẽ đó, dù chỉ có một SofM trong đội hình Suning, những người hâm mộ ở quê nhà vẫn cảm thấy hết sức vinh dự và tự hào. Một khoảnh khắc thiên tài, một pha xử lý đỉnh cao của SofM có thể thay đổi tất cả, viết nên trang mới đầy tự hào cho nền eSports nước nhà. 

17h ngày 31/10 tới đây, sân vận động Pudong thành phố Thượng Hải sẽ đón chào khoảng hơn 6.300 cổ động viên, cổ vũ cho hai đội tuyển DWG và Suning ở trận chung kết của CKTG 2020. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thành lập hai đội tuyển này được vào chơi một trận chung kết ở một giải đấu quốc tế và SofM cũng là người Việt Nam đầu tiên làm được điều này.

Phương Nguyễn

Thần rừng Việt Nam làm nên lịch sử ở Chung Kết Thế Giới 2020

Thần rừng Việt Nam làm nên lịch sử ở Chung Kết Thế Giới 2020

Lê ‘SofM’ Quang Duy trở thành người Việt Nam đầu tiên vào chơi một trận chung kết của Chung Kết Thế Giới kể từ khi giải đấu này bắt đầu vào năm 2011.