Đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu đã có tác động rất lớn tới các ngành như du lịch, dịch vụ và dầu mỏ. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá dầu thô trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới đã giảm mạnh. 

Tình trạng này buộc khu vực Trung Đông, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, phải tìm bài toán khác. Lời giải đã mau chóng được đưa ra, đó là đầu tư vào thể thao điện tử (eSports).

Dòng tiền đổ vào eSports ở khu vực Trung Đông đã có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ từ cuối năm 2019. Cho đến nay, Activision đã lắp đặt máy chủ riêng của Call of Duty ở hai thành phố của Ả Rập Xê Út. 

{keywords}
Ngày càng nhiều giải đấu eSports được chọn đăng cai tổ chức ở khu vực Trung Đông.

Cùng thời điểm, Riot Games cũng mở máy chủ Trung Đông cho các game eSports đình đám như Liên Minh Huyền Thoại và Valorant vào tháng 10. Tới tháng 12, một nhà mạng viễn thông của Kuwait quyết định lập đội tuyển thể thao điện tử Zain Esports và đứng ra tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp trong khu vực Trung Đông.

Trong báo cáo thành lập tổ chức, Zain cho thấy những con số hết sức triển vọng như băng thông chơi game đã tăng 300% kể từ tháng 02/2020, tốc độ tăng trưởng của ngành game cao nhất thế giới, doanh thu của khu vực châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi chiếm 23% toàn cầu.

Còn ở quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt như Thổ Nhĩ Kỳ, eSports đã được quan tâm phát triển từ sớm và đang được hưởng những quả ngọt từ sự đi tắt đón đầu này. Theo Liên đoàn Thể thao điện tử nước này, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 15.000 đội tuyển với hơn 1.000 tổ chức eSports chuyên nghiệp cùng 2.121 tuyển thủ (175 người là nữ) được cấp phép hoạt động. 

Đó là lý do Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào hoạt động nhà thi đấu eSports lớn nhất khu vực từ tháng 01/2019 với sức chứa 1.600 người, 100 tuyển thủ thi đấu trên một diện tích rộng 3.800m2. 

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ chính là nước đi đầu ở khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi) với doanh thu ngành game đạt 908 triệu USD, lượng người xem eSports đạt 4,5 triệu trên tổng số 32 triệu game thủ, đứng thứ 18 thế giới. 

Sự nhanh chân của Istanbul khiến Dubai không thể đứng ngoài cuộc chơi. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang tích cực nhận đăng cai tổ chức nhiều giải đấu lớn trên thế giới và khu vực trong những năm gần đây.

UAE cũng lên kế hoạch xây dựng tổ hợp nhà thi đấu ở thủ đô Abu Dhabi và sân thi đấu đặc biệt ở Dubai. 

{keywords}
Esports cho phái nữ cũng được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ở Trung Đông. (trong ảnh: đội tuyển eSports nữ đầu tiên được thành lập ở khu vực này)

Còn tại Ả Rập Xê Út, eSports đang được hỗ trợ tích cực bởi hoàng tử Faisal bin Bandar bin Sultan Al Saud, người hiện đang là chủ tịch của Liên đoàn Thể thao điện tử Ả Rập và Liên đoàn Thể thao trí tuệ và điện tử Ả Rập Xê Út. 

Tầm nhìn của hoàng tử Faisal bin Bandar là đưa ngành game đóng góp 0,8 - 1% nền kinh tế Ả Rập Xê Út vào năm 2030, tương đương doanh thu 21,3 tỷ USD. Dù Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã xác nhận sẽ không xem xét đưa eSports vào nội dung thi đấu trước kỳ Thế vận hội 2028, hoàng tử Faisal bin Bandar vẫn đặt niềm tin rất lớn vào môn thể thao này.

“Tuyển thủ eSports chuyên nghiệp chỉ chiếm 1-2%, họ là những vận động viên thực thụ. Tôi tin tưởng rằng eSports xứng đáng là một phần của phong trào Olympic. Đây thực sự là môn thể thao của thế hệ kế tiếp. 

Ranh giới giữa thể thao truyền thống và thể thao điện tử đang ngày càng mờ nhạt. Tôi hy vọng điều đó sẽ sớm đưa chúng ta đến dưới ngọn cờ Olympic, bởi mọi tuyển thủ chuyên nghiệp mà chúng ta có, không chỉ ở Ả Rập Xê Út mà còn trên toàn thế giới, xứng đáng được điều này”, hoàng tử Faisal bin Bandar nói trong một buổi phỏng vấn hồi năm 2018.

Phương Nguyễn

Ban hành danh mục 10 nội dung thi đấu eSports của SEA Games 31

Ban hành danh mục 10 nội dung thi đấu eSports của SEA Games 31

Quyết định số 996/QĐ-BVHTTDL vừa được ban hành đã chi tiết hóa 526 nội dung thi đấu của 40 bộ môn, trong đó có 10 nội dung thi đấu thuộc 8 bộ môn eSports.