Cuối thập 90, đầu thập niên 2000 có thể xem là thời kỳ vàng son của máy chơi game cầm tay (handheld). Trên thế giới, máy GameBoy trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp game với hơn 200 triệu máy tiêu thụ. Tại Việt Nam, máy xếp hình Brick Game cũng có một giai đoạn làm mưa làm gió và từng là vật thiết thân của những game thủ 8x, 9x đời đầu.

Cho đến cuối thập niên 2000, handheld vẫn đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp game nhờ những sản phẩm như Sony PSP hay Nintendo DS. Phiên bản kế tiếp của các hệ máy này là PS Vita và 3DS tiếp tục nối dài thời huy hoàng của máy chơi game cầm tay thêm một vài năm nữa, trước khi kỷ nguyên của smartphone được mở ra. PS Vita chính thức ngừng sản xuất năm 2019 trong khi 3DS cũng nối gót vào năm 2020. Không có phiên bản kế tiếp nào được đưa ra đã khiến thời đại của handheld chính thức chấm dứt từ đây. Vậy đâu là lý do cho sự vụt tắt này?

Điện thoại và máy tính bảng lên ngôi

Khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt năm 2007, App Store thậm chí còn chưa ra mắt. Cho đến iPhone 12, App Store đã có gần 1 triệu game và hơn 3,4 triệu ứng dụng. Google Play có một con số lớn hơn thế rất nhiều, nhưng nó cũng gồm rất nhiều ứng dụng/game bị gỡ bỏ. Điều đó chứng tỏ sức hút của iOS và Android lớn đến nhường nào. 

Ở thời kỳ đầu, các game trên điện thoại nhìn chung khó lòng so sánh được với game độc quyền trên các máy handheld cao cấp. Nhưng từ khoảng vài năm trở lại đây, cấu hình điện thoại đã mạnh lên trông thấy đi cùng với đó là các game cả trả phí lẫn miễn phí đều có chất lượng không thua kém gì những game handheld. Đó là chưa kể giả lập handheld lẫn console trên điện thoại thậm chí còn làm tốt hơn những gì mà chính hệ máy handheld có thể làm được. 

{keywords}
Máy chơi game cầm tay từng bỏ xa smartphone về mặt đồ họa lẫn thiết kế

Nhờ đó, game mobile thu hút được lượng người chơi khổng lồ tham gia vào những thế giới ảo có cả triệu người kết nối với nhau cùng lúc. Ở chiều ngược lại, hệ máy handheld vốn thuần các game offline đi cảnh một người dần trở nên lạc lõng giữa rừng smartphone, tablet, phablet đa dụng. 

Những game mobile triệu đô, thậm chí là tỷ đô đã mau chóng trở thành miếng bánh béo bở thu hút các nhà phát triển hàng đầu. Và khi hệ máy handheld khiến các nhà phát triển không còn mặn mà, game thủ cũng dần quay lưng bởi không có nhiều game mới để chơi trong khi máy đã ngày càng cũ đi và thiếu sự cải tiến về phần cứng.  

Thực tế ảo và đám mây nở rộ

Chơi game thực tế ảo (VR gaming) và game đám mây (cloud computing) chỉ là một thứ khá mơ hồ khi xuất hiện vào đầu thập niên 2010. Nhưng càng về sau, khi công nghệ càng phát triển, những ngành công nghiệp tưởng như phụ trợ này lại dần tiến bước vào sân khấu chính.

Ngày nay, nói đến thực tế ảo chính là nói đến những ứng dụng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp game, từ các game thể thao đến hành động, bắn súng. Thực tế ảo đã làm được đúng vai trò mà handheld không làm được, đó là phát triển độc lập và đi một hướng đi riêng so với console. Liệu game thủ có chịu bỏ tiền mua một chiếc máy handheld để chơi các game tương tự console nhưng có đồ họa xấu hơn hay không?

{keywords}
Game bom tấn có thể chơi được trên các thiết bị cầm tay nhờ cloud gaming

Nhưng phát súng kết liễu handheld lại đến từ điện toán đám mây. Ứng dụng của công nghệ này vào ngành game giúp cho việc trải nghiệm game bom tấn trên các thiết bị di động như smartphone hoặc tablet là điều hết sức đơn giản. Vai trò của handheld lúc này trở nên cồng kềnh, dư thừa và chỉ dành cho các game thủ thích sưu tập. 

Console vẫn là trung tâm

Dù có nhiều hình thức giải trí đa dạng, console cho đến giờ vẫn là cỗ máy giải trí số một đối với game thủ. Cỗ máy 4 năm tuổi Nintendo Switch đã tiêu thụ được 80 triệu máy trên toàn cầu và vẫn đang tạo ra cơn sốt nhờ những dòng game ‘cây nhà lá vườn’ của Nintendo như Animal Crossing, Mario, Pokemon hay The Legend of Zelda…

Trong khi đó, các hệ máy console next-gen như PlayStation 5 hay Xbox Series X/S vẫn đang liên tục cháy hàng ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật… Mức giá cạnh tranh khi nhà sản xuất chấp nhận chịu lỗ cho mỗi máy bán ra và một kho game khổng lồ trực tuyến cùng các game độc quyền hứa hẹn ra mắt trong tương lai chính là lý do để console vẫn giữ được nhiệt ở thời đại này.

Quá chăm chú vào console, các nhà sản xuất đương nhiên không đủ thời gian chăm lo cho handheld. Và đó là lý do mà hệ máy này đã bị khai tử bất đắc dĩ trong một thế giới công nghệ đang chuyển dịch liên tục từng ngày.

Phương Nguyễn

Vì sao dân tình phát sốt với "máy lọc không khí" PS5?

Vì sao dân tình phát sốt với "máy lọc không khí" PS5?

Vừa mở đặt trước đã cháy hàng, PlayStation 5 chứng tỏ sức hút mà tưởng chừng chỉ xảy ra với các sản phẩm của Apple.