Nếu chỉ thỉnh thoảng đọc tin tức về eSports, nhiều người hẳn sẽ rất bất ngờ khi nghe tin những chàng trai chỉ mới trên dưới 25 tuổi đã giải nghệ làm huấn luyện viên, streamer hoặc kinh doanh. Điều này là đúng không chỉ với thế giới mà còn cả với Việt Nam, vì một vài nguyên do rất dễ hiểu.

Đánh sớm, nghỉ sớm

Như các môn thể thao thành tích cao, eSports đòi hỏi sự tập luyện chăm chỉ ngay từ rất sớm. Một số thần đồng nếu bộc lộ năng khiếu sớm có thể sẽ tiến lên chuyên nghiệp còn nhanh hơn thế. Hiện tại, kỷ lục Guinness thế giới thuộc về Lil Poison (SN 1998) người đã ký hợp đồng làm tuyển thủ chuyên nghiệp từ năm 6 tuổi. 

Việt Nam cũng có những thần đồng thi đấu eSports từ khi còn khá nhỏ như Chim Sẻ Đi Nắng (SN 1996, thi đấu năm 13 tuổi), Lê ‘SofM’ Quang Duy (SN 1998, 14 tuổi), Lê Hà Anh Tuấn (SN 2008, 12 tuổi)...

{keywords}
Sena thừa hiểu áp lực của eSports là rất lớn, vì thế đã giải nghệ khi mới 22 tuổi

Hiện tại, thế hệ tuyển thủ sinh năm 1996 đã có kha khá những cái tên giải nghệ như Trần ‘Optimus’ Văn Cường, Trương ‘Sena’ Tuấn Tú hay một số cái tên nước ngoài nổi bật như Søren ‘Bjergsen’ Bjerg, Lưu ‘Mlxg’ Thế Vũ. Thậm chí, nhiều trường hợp sinh năm 1997 khác như Võ ‘Petland’ Huỳnh Quang Huy hay Nguyễn ‘Noway’ Vũ Long, Phạm ‘Kit’ Tuấn Vĩ còn giải nghệ sớm hơn. 

Thi đấu eSports khi còn trẻ, các tuyển thủ kể trên đều đã có nhiều năm tập trung nghiêm túc 100% cho tập luyện và thi đấu. Theo thời gian, phản xạ và thể lực đã bị bào mòn đáng kể dẫn tới việc phải nghỉ hưu non.

Vấn đề về sức khỏe

Bất cứ vận động viên thể thao nào cũng có thể gặp chấn thương trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu. Các tuyển thủ eSports cũng không phải ngoại lệ. Việc nhìn màn hình máy tính hoặc điện thoại trong thời gian dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt. Thế nhưng thật kỳ lạ khi phần lớn các tuyển thủ eSports lại gặp vấn đề về xương khớp ở vai và tay.

{keywords}
Uzi nâng cao chiếc cúp vô địch MSI đầu tiên trong sự nghiệp năm 2018, trước khi tuyên bố giải nghệ vào năm 2020 vì vấn đề sức khỏe

Như trường hợp của tuyển thủ rất nổi tiếng Giản ‘Uzi’ Tự Hào, anh đã phải giải nghệ khi mới bước qua tuổi 23 vì phần chân không có tí sức lực nào do ít hoạt động, trong khi phần cánh tay được bác sĩ kết luận là của một người ở độ tuổi 40, 50. Những trường hợp tương tự phải giải nghệ vì chấn thương tay, chân là không hề thiếu như Lâm ‘Hai’ Du Hải hay Dương ‘kRYST4L’ Phiên.

Trường hợp kinh hoàng nhất phải kể đến Lee ‘Wolf’ Jae Wan. Cựu hỗ trợ của SKT đã phải tuyên bố giải nghệ sau khi mắc đến 4 chứng bệnh tâm lý trong một thời gian dài bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu (anxiety disorder), rối loạn thích ứng (adjustment disorder) và rối loạn hoảng sợ (panic disorder). Thời điểm căn bệnh này xuất hiện là khi anh cùng các đồng đội gặp rất nhiều sức ép từ phía người hâm mộ do thi đấu không tốt ở giải LCK Hàn Quốc. 

Vinh quang chỉ dành cho số ít

Cũng như những môn thể thao truyền thống, người ta sẽ không nhớ về những kẻ về nhì vĩ đại trong eSports. Vinh quang chỉ dành cho người vô địch, phần còn lại chỉ nhận về toàn cay đắng và sự chối bỏ. 

Thậm chí, với cơ chế phân chia tiền thưởng ở một số giải đấu, chỉ có vô địch mới đem về nhiều tiền thưởng nhất, còn lại là rất nhỏ so với công sức bỏ ra. Điều này càng khiến cho những nỗ lực nếu không thể trở thành nhà vô địch sẽ thành ‘công dã tràng xe cát’. Vì lẽ đó, nhiều tuyển thủ đã lựa chọn con đường giải nghệ khi biết mình không thể tiếp tục tồn tại trong một môi trường giàu tính cạnh tranh và không thiếu lớp người trẻ thay thế như eSports. 

{keywords}
Những đội về nhì chỉ có cách gạt đi nước mắt và chiến đấu tiếp nếu không muốn bị quên lãng, kể cả đó có là Quỷ vương Faker

Những cái tên như Petland, Sena hay Noway nói trên chính là những người sớm nói lời từ bỏ con đường của một tuyển thủ chuyên nghiệp. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là Noway, người đã chạm đến giấc mơ của nhà vô địch và từng được xem là xạ thủ quốc dân. 

Kể cả khi vẫn còn khả năng thi đấu chuyên nghiệp, không ít tuyển thủ đành gác lại giấc mơ chinh phục cúp vàng bởi đội tuyển của họ giải thể vì không giành được kết quả tốt dẫn tới nhà tài trợ bỏ đi. 

Có sự nghiệp sau giải nghệ

Không giống như các vận động viên thể thao truyền thống phải vật lộn với chấn thương hành hạ nhiều năm và khổ sở tìm cách trang trải cuộc sống về sau. Các tuyển thủ eSports có nhiều cách để sinh tồn sau khi giải nghệ như làm streamer, làm huấn luyện viên, tham dự các sự kiện eSports với tư cách khách mời, bình luận viên, phân tích viên…

{keywords}
Ninja chính là cựu tuyển thủ thành công nhất thế giới hiện nay

Những trường hợp nổi tiếng nhất phải kể đến Tyler ‘Ninja’ Blevins và Michael ‘Shroud’ Grzesiek kiếm được hàng chục triệu USD mỗi năm nhờ hợp đồng độc quyền với nền tảng livestream. Tại Việt Nam, Noway đã tấn công showbiz thành công khi được ghép cặp với ca sĩ Cara trong Người ấy là ai. Những tuyển thủ già cỗi hơn như Nguyễn Trần ‘QTV’ Tường Vũ hay Phan ‘Baroibeo’ Tấn Trung cũng đã lập gia đình và gây dựng được sự nghiệp kinh doanh riêng đáng ngưỡng mộ.

Vì thế, giải nghệ eSports giúp các tuyển thủ cởi bỏ được áp lực và trong nhiều trường hợp, giúp họ tìm được lối đi riêng cho bản thân.

Phương Nguyễn

Việt Nam lại thua đau trước người Thái ở giải đấu eSports quốc tế

Việt Nam lại thua đau trước người Thái ở giải đấu eSports quốc tế

Thất bại tâm phục khẩu phục trước người Thái, đoàn Việt Nam rời EACC Autumn 2020 với thành tích cao nhất là hạng 3 chung cuộc thuộc về Progamer.