Ngoài các video giải trí, mẹo vặt, một bộ phận không nhỏ người dùng TikTok đang tạo ra những đoạn video độc hại với nội dung thách thức người xem thực hiện các trào lưu gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Dưới đây là 3 trào lưu bị lên án trên nền tảng video ngắn này.

Thử thách Blackout Challenge: Tự gây ngạt thở đến bất tỉnh

Vào tháng 4, một cậu bé 12 tuổi sống ở tiểu bang Colorado, Mỹ đã qua đời sau khi tham gia thử thách này. Blackout Challenge đòi hỏi người tham gia thực hiện một số hành động làm ngạt thở rồi rơi vào trạng thái bất tỉnh. Người thân cho biết cậu bé đã dùng dây giày để thực hiện thử thách này.

trao luu doc hai tren tiktok anh 1

Cậu bé Joshua Haileyesus, 12 tuổi, qua đời khi tham gia trào lưu Blackout Challenge. Ảnh: Gofunme.

Theo KCNC, cậu bé Joshua Haileyesus đã bị chết não và qua đời vào ngày 13/4 tại bệnh viên Nhi Colorado.

Không riêng trường hợp của Joshua, một bé gái người Italy, 10 tuổi, cũng thiệt mạng vì tham gia Blackout Challenge.

Thử thách Skull Breaker Challenge: Gạt chân nạn nhân

Khởi đầu từ năm 2020, một trào lưu mang tên "Skull Breaker Challenge" nổi lên trên TikTok với những đoạn video đá vào chân nạn nhân khiến người đó bị té và đập đầu xuống sàn. Hệ quả để lại khiến nhiều người phải nhập viện với những chấn thương nghiêm trọng ở đầu và cơ thể, có thể dẫn đến gãy xương.

Theo Washingtonpost, một người mẹ ở Alabama, Mỹ đã đăng tải lên Facebook nói rằng con trai bà đã bị gãy hai xương ở cổ tay và cần phải làm phẫu thuật sau khi "vô tình bị TikTok chơi khăm".

Từ một trào lưu lan truyền trên mạng, Skull Breaker Challenge đã trở thành một trò bắt nạt diễn ra ở nhiều trường học. Cô bé Aubrey Ortiz, một học sinh của trường Trung học cơ sở South Brook là một trong những nạn nhân của trò đùa nguy hiểm này.

Theo WPXI, Ortiz cho biết chân cô bé không có cảm giác, không thể động đậy và phải gắng gượng mới đứng dậy được. Em cũng chia sẻ mình sẽ không quay trở lại ngôi trường này nữa.

trao luu doc hai tren tiktok anh 2

Trào lưu Skull Breakers Challenge khá phổ biến ở các trường học. Nguồn: TikTok.

Thử thách Benadryl Challenge: Uống thuốc để tạo ảo giác

Như những trào lưu khác, sự sáng tạo của những trò đùa tai quái là vô tận. Một thử thách khác xuất hiện trên TikTok nửa cuối 2020 với tên gọi "Benadryl Challenge" thách thức người tham gia uống 12 viên thuốc kháng hitasmin (thuốc điều trị dị ứng) để tạo ra ảo giác.

Theo bà Cindy Grant, Giám đốc Liên minh Chống ma túy hạt Hillsborough, Florida, nhiều bạn trẻ cho rằng Benadryl vô hại. Thế nhưng, những loại thuốc này còn có nhiều tác dụng phụ khác, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng hoặc dẫn đến tử vong.

Bằng chứng là một cô bé 15 tuổi tên là Chloe Marie Phillips đã qua đời sau khi quay video tham gia thử thách Benadryl trên TikTok.

Trước đó, trung tâm Y tế Cook Children ở Fort Worth, Texas đã cảnh cáo các bậc phụ huynh về trào lưu độc hại này sau khi điều trị cho 3 thanh thiếu niên sử dụng thuốc quá liều. Theo Healthline, một trong số 3 đứa trẻ đã tử vong ngay trong phòng cấp cứu vì đã uống hết 14 viên thuốc Benadryl.

Ngoài Benadryl Challenge, một trào lưu khác tinh vi hơn có tên gọi "Don't search this up". Đây cũng chính là nội dung trên tất cả các video gắn hashtag #dontsearchup, kèm theo tên một tài khoản TikTok ý chỉ đừng tìm kiếm cái tên này.

trao luu doc hai tren tiktok anh 3

TikTok đã cấm toàn bộ các tài khoản lấy video khiêu dâm, bạo lực để làm ảnh đại diện. Ảnh: BBC.

Điều đáng nói là những tài khoản này sử dụng các video khiêu dâm và bạo lực để làm ảnh đại diện như một trào lưu. Ngôn ngữ chủ yếu bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha. Theo Independent, hiện những tài khoản này đã bị TikTok cấm và tìm kiếm hashtag #dontsearchup cũng không cho kết quả.

TikTok nói gì sau các trào lưu tai hại?

Đối với trường hợp đáng tiếc của cậu bé Joshua, TikTok cho biết công ty bày tỏ sự thương tiếc đối với gia đình cậu và khẳng định luôn đặt sự an toàn của cộng đồng TikTok lên ưu tiên hàng đầu.

"Những nội dung cổ vũ, lan truyền hành vi nguy hiểm đều bị nghiêm cấm và xóa ngay lập tức để ngăn chúng trở thành xu hướng trên nền tảng của chúng tôi", TikTok cho biết trong một tuyên bố sau sự việc của Joshua vào tháng trước.

Trả lời BBC về trào lưu "Don't search this up", đại diện TikTok cũng cho biết đội ngũ kiểm duyệt đang tiếp tục phân tích và sẽ thực hiện từng bước cần thiết để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

TikTok cho rằng đội ngũ kiểm duyệt của họ đang hoạt động hiệu quả, nhưng liên tiếp các trào lưu độc hại vẫn diễn ra. Vì vậy, năng lực kiểm duyệt của đội ngũ TikTok còn nhiều vẫn là câu hỏi lớn của người dùng.

Tương tự những trào lưu độc hại xuất hiện nền tảng chia sẻ video TikTok, các hiện tượng "giang hồ mạng" với nội dung video khoe mẽ, chửi bới, kích động người xem vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội này tại Việt Nam.

(Theo Zingnews)

'TikTok như một quả bom'

'TikTok như một quả bom'

Thuật toán đề xuất video của TikTok dễ dàng biến một người vô danh trở thành ngôi sao chỉ trong một đêm. Từ đó, nguy cơ về một vụ bùng nổ bê bối thông tin cũng cao hơn.