Bộ não của chúng ta là cơ quan kỳ diệu nhất, và cũng chứa đựng nhiều bí ẩn nhất trong cơ thể. Để nghiên cứu về cơ quan chỉ nặng khoảng hơn 1kg này con người đã chia ra rất nhiều ngành nghiên cứu trong các lĩnh vực y học và khoa học như thần kinh học, tâm lý học, tâm thần học…

Qua hàng ngàn năm nghiên cứu, những tưởng sẽ chẳng còn gì mới mẻ để chúng ta phải ngạc nhiên nữa, nhưng hãy cùng trang Discovery điểm lại những câu hỏi sau xem thử bạn hiểu biết đến đâu về “bộ chỉ huy” của cơ thể mình.

Não có màu gì?



Đã bao giờ bạn thắc mắc não của mình màu gì chưa? Có lẽ bạn đã từng thấy một bộ não được bảo quản trong lọ, nó có màu trắng vàng, nhạt nhẽo vô hồn. Nhưng một bộ não đang sống, bộ não đang hoạt động trong hộp sọ của bạn sẽ gồm các màu trắng, đen và đỏ. Tuy nhiên, đa phần thì bộ não có màu xám, và khi nói đến bộ não người ta thường đồng nhất nó với chất xám. Chất xám có mặt ở rất nhiều nơi trong bộ não. Nó tồn tại ở nhiều dạng tế bào khác nhau được gọi chung là tế bào thần kinh. Ngoài chất xám, còn có chất trắng, là thành phần tạo nên các dây thần kinh nối các tế bào chất xám. Một thành phần cấu tạo khác là chất đen - là những tế bào thần kinh có chứa sắc tố neuromelanin – loại sắc tố đặc biệt có thành phần tương tự sắc tố tạo màu da và tóc. Và cuối cùng là màu đỏ, màu của các mạch máu nuôi não.

Nghe nhạc Mozart sẽ làm bạn thông minh hơn?



Ngày nay, các bậc phụ huynh có con nhỏ hoặc thậm chí các bà mẹ đang mang thai thường tìm mua những đĩa nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc Mozart để cho trẻ nghe, với niềm tin rằng âm nhạc của thiên tài này sẽ tác động tích cực đến quá trình phát triển trí não của trẻ. Thực hư chuyện này thế nào?

Vào những năm 1950, một bác sĩ tai mũi họng – Albert Tomaitis – tuyên bố đã thành công trong việc sử dụng âm nhạc của Mozart để cải thiện các chứng rối loạn nghe, nói ở những bệnh nhân của ông. Đến những năm 1990, một nhóm 36 sinh viên của Đại học California (Irvine) đã tham gia một thử nghiệm, trong đó họ được nghe 1 bản nhạc của Mozart trong 10 phút trước khi làm một bài kiểm tra IQ. Kết quả sau đó cho thấy, điểm số của họ đã tăng khoảng 8 điểm so với trước khi nghe nhạc. Từ đó “hiệu ứng Mozart” ra đời.

Tuy nhiên, thử nghiệm trên đã gây ra một số tranh cãi. Một nhà khoa học khác tham gia thử nghiệm này nói rằng, thử nghiệm của họ không thực sự chứng minh được nhạc Mozart khiến một người thông minh hơn, mà nó chỉ tăng hiệu quả thực thi một công việc trong một không gian và thời gian nào đó. Cho đến nay, vẫn chưa có chứng cứ khoa học xác thực nào chứng tỏ việc nghe nhạc Mozart hay bất kỳ loại nhạc cổ điển nào có thể làm một người thông minh hơn.

Tuy nhiên, thay vì nghe nhạc, bạn có thể học chơi một loại nhạc cụ nào đó, vì đã có bằng chứng khoa học cho thấy việc học nhạc thực sự giúp bộ não hoạt động tốt hơn, tăng khả năng tập trung, tăng sự tự tin và một số chức năng khác liên quan đến bộ não.

Não càng nhiều nếp nhăn thì càng thông thái?



Não của bào thai ở giai đoạn đầu rất nhẵn, nhưng khi đến tuần thứ 40, nó đã hình thành một số lượng “nếp nhăn” như não của một người trưởng thành. Như vậy, chúng ta được sinh ra với số lượng nếp nhăn trong não nhất định và sẽ không có thêm nếp nhăn mới trong suốt cuộc đời.

Tuy nhiên, bộ não thực sự có chút thay đổi khi học một kiến thức mới. Các nhà khoa học đã phát hiện rằng não của một số động vật, như chuột, có thay đổi khi chúng học các kỹ năng mới. Theo đó, các khớp thần kinh (nối các tế bào thần kinh) và các tế bào máu nuôi não thực sự phát triển và tăng số lượng. Một số nhà khoa học khác cho rằng bộ não sẽ sinh ra tế bào thần kinh mới khi nó ghi nhớ một ký ức mới, tuy nhiên giả thuyết này chưa được xác minh trên não người.

Não càng lớn càng thông minh?



Mặc dù các nhà khoa học chưa xác định chắc chắn điều gì tạo nên trí thông minh của con người, nhưng họ đều đồng ý rằng con người là động vật thông minh nhất trái đất. Và theo quan điểm thông thường “càng to càng tốt” thì liệu có phải con người chúng ta sở hữu bộ não lớn nhất trong các loài?

Một bộ não người trung bình cân nặng khoảng 1.361 gram. Não cá heo – một loài rất thông minh – cũng có khối lượng tương đương. Cá nhà táng – không thông minh bằng cá heo – có bộ não nặng đến 7.800 gram. Não của chó săn chỉ khoảng 72 gram Não chim sẻ chỉ có 1 gram.

Bạn có nhận ra điều gì từ so sánh nhỏ trên không? Một con cá heo trung bình nặng khoảng 160 kg, còn cá nhà táng nặng đến 13 tấn. Nói chung, động vật càng to thì kích thước hộp sọ càng rộng và vì thế mà bộ não sẽ càng lớn. Trí thông minh không liên quan gì đến kích thước bộ não, mà nó liên quan đến tỉ lệ giữa khối lượng của bộ não so với khối lượng của toàn cơ thể. Ở người, tỉ lệ này là 1-50; ở phần lớn các động vật có vú khác là 1-180 và ở các loài chim là 1-22. Như vậy, ở người thì khối lượng bộ não lớn hơn cả so với các loài khác (xét về tỉ lệ cân xứng với trọng lượng và kích thước cơ thể).

Tổn thương não sẽ gây hậu quả vĩnh viễn?



Khi nghĩ tới tổn thương não, bạn thường nghĩ đến những viễn cảnh đáng sợ như mất trí, liệt một phần hay toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, tùy vào vị trí não bị tổn thương và mức độ tổn thương mà hậu quả rất khác nhau. Những trường hợp chấn động nhẹ, mặc dù có gây chảy máu và xây xát não, nhưng não hoàn toàn có khả năng tự phục hồi khá tốt.

Những trường hợp não bị tổn thương nghiêm trọng sẽ làm mất vĩnh viễn một số chức năng của cơ thể, tuy nhiên nếu có liệu pháp chữa trị hợp lý, bệnh nhân sẽ phục hồi một phần nào đó. Các tế bào thần kinh một khi bị tổn thương hoặc bị mất đi sẽ không thể tái tạo tế bào mới, nhưng các khớp nối thần kinh thì có thể sinh mới, và từ đó có thể tạo các kết nối mới tới những tế bào thần kinh không bị tổn thương. Hơn nữa, những vùng não lành lặn có thể đảm nhiệm phần việc của phần não đã mất, nhờ đó cho phép người bệnh có thể tập luyện lại các kỹ năng đã mất. Do vậy mà các bệnh nhân bị tai biến có thể phục hồi lại khả năng nói hoặc vận động của mình.

Cồn sẽ làm tổn thương tế bào thần kinh?



Các thức uống có cồn không hẳn sẽ làm chết tế bào thần kinh, tuy nhiên nó sẽ làm tổn thương các đầu mút của tế bào thần kinh; từ đó làm ảnh hưởng đến quá trình truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh, khiến cho thông tin truyền và nhận bị sai lệch.

Tuy cồn không trực tiếp giết chết tế bào thần kinh, nhưng nó là nguyên nhân gián tiếp gây hội chứng Wernicke Korsakoff – một hội chứng khiến cho tế bào thần kinh bị tổn thương ở một số nơi trong não. Hội chứng này cũng ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, làm liệt cơ mắt, và có thể gây tử vong. Nguyên nhân trực tiếp của hội chứng này là do thiếu vitamin B. Những người nghiện rượu thường có chế độ dinh dưỡng thiếu điều độ, vì thế họ thường bị suy dinh dưỡng nặng, hơn nữa việc tiêu thụ một lượng lớn cồn làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sinh tố B của cơ thể.

Chỉ có 10% bộ não được sử dụng thường xuyên?



Đây là một ngộ nhận khá phổ biến về bộ não của chúng ta. Với hơn 100 tỷ tế bào thần kinh và một số loại tế bào khác, bộ não của chúng ta liên tục hoạt động để đảm bảo các chức năng của cơ thể hoạt động trơn tru. Chỉ một tổn thương nhỏ đến bộ não cũng có thể khiến mọi thứ bị đảo lộn.

Nhờ các thiết bị hiện đại, các nhà khoa học đã phát hiện rằng, dù ta có đang nghỉ ngơi đi chăng nữa thì bộ não cũng vẫn hoạt động. Tùy theo thời điểm và loại hoạt động của cơ thể mà các vùng trên não thay phiên nhau hoạt động nhiều hay ít; và chỉ khi nào một vùng não bị tổn thương nó mới không hoạt động, còn thì bình thường, không có chuyện có một khu vực nào trong não được “ở không”. Lấy vị dụ, khi bạn đang ngồi ăn ở bàn, không có nghĩa là vùng thần kinh liên quan đến hoạt động của chân không hoạt động. Mặc dù lúc này, mọi sự tập trung của bạn là đưa thức ăn vào miệng, nhai và nuốt, nhưng ở chân vẫn diễn ra hoạt động luân chuyển máu.

  • Cao Nguyên