Đây là thông tin đưa ra từ Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 vừa công bố. Báo cáo do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) thực hiện.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đang ở bước số hóa, đã áp dụng các công nghệ, phần mềm mới để chuyển đổi số nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra nên ngừng sử dụng, hoặc vẫn dùng nhưng gặp khó khăn. 

Cụ thể, 48,8% doanh nghiệp từng chuyển đổi số nhưng hiện không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp hoặc không còn nhu cầu. Nguyên nhân là thiếu nhân sự thực hiện và chưa xác định được mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số đúng đắn.

Trong lộ trình chuyển đổi số, chỉ một tỷ lệ nhỏ (2,2%) các doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thường áp dụng vào một số nghiệp vụ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu như hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng. 

Bán hàng qua mạng trở nên phổ biến hơn do sự hỗ trợ và tham gia đắc lực của nhiều nền tảng trực tuyến và mạng xã hội. Bên cạnh đó, nghiệp vụ kế toán là nơi diễn ra mức độ chuyển đổi số cao hơn cả với trên 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong  chuyển đổi số do rào cản về nhân lực. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hoá quy trình tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Tuy vậy, việc áp dụng tại nhiều nơi, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn mang tính cục bộ, rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược rõ ràng. Đây là nguyên nhân khiến đầu tư cho chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi.

Đáng lo ngại khi có tới 20% doanh nghiệp Việt hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số. Trên thực tế, thiếu ngân sách dành cho chuyển đổi số cũng là thách thức phổ biến tại Việt Nam.

Một rào cản khác đối với chuyển đổi số là nhân lực. Cụ thể, 56,3% doanh nghiệp được khảo sát có dưới 3 nhân sự phụ trách lên kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số, 43,7% doanh nghiệp có dưới 3 nhân sự làm việc trong bộ phận CNTT.

Theo kết quả khảo sát, doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự chuyển dịch lên môi trường số. Trong đó, những ngành có mức độ sẵn sàng cao đều liên quan trực tiếp tới khách hàng như nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe có động cơ; dịch vụ lưu trú và ăn uống hay xây dựng.

Kết quả tự đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, định hướng & chiến lược, con người & tổ chức, trải nghiệm khách hàng & bán hàng đa kênh là 3 khía cạnh có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số nhất. Ở chiều ngược lại, chuyển đổi số trong hoạt động quản trị rủi ro vẫn là điểm hạn chế của hầu hết doanh nghiệp.

Báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp cho thấy, dù có đủ nhận thức về chuyển đổi số, các doanh nghiệp khó tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình, giải pháp chuyển đổi số phù hợp là thực sự cần thiết.

Make in Viet Nam: Niềm cảm hứng cho chuyển đổi số

Make in Viet Nam: Niềm cảm hứng cho chuyển đổi số

Khẩu hiệu “Make in Viet Nam” nhằm mục tiêu cổ vũ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp công nghệ số tự tin vươn ra biển lớn; tạo niềm cảm hứng cho công cuộc chuyển đổi số và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.