Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/10. Với mức xử phạt tăng từ 2-3 lần đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, nghị định này có thể gây ảnh hưởng rất lớn với giới buôn hàng xách tay, trong đó có iPhone xách tay.

“iPhone xách tay” là tên gọi chung ở thị trường Việt Nam, ám chỉ tất cả iPhone nhập không nhập theo đường chính ngạch. Nhiều năm nay, loại hàng này tồn tại song song với iPhone nhập chính ngạch, thường được gọi là “iPhone chính hãng”. Một cựu quản lý cấp vùng của Apple tại Việt Nam từng cho biết thị trường iPhone xách tay quá mạnh là một phần lý do khiến Apple chưa có Apple Store chính hãng.

iphone xach tay sap bi xoa so anh 1

Cảnh mua bán, trao tay mỗi dịp iPhone bán ra tại Singapore có thể không còn khi siết chặt quy định về iPhone xách tay. Ảnh: Xuân Tiến.

Chia sẻ với Zing, nhiều đại diện của các đơn vị bán lẻ cho biết động thái của chính phủ có thể ảnh hưởng mạnh tới thị trường xách tay. Tuy nhiên, nếu muốn hoàn toàn “dẹp” thị trường này sẽ cần nhiều nỗ lực hơn của Apple.

Apple đầu tư hơn nữa mới dẹp được xách tay

“Ở phân khúc trên 10 triệu, iPhone 11 hiện nay đang bán chạy nhất. Tuy nhiên, theo tôi thì Apple vẫn đang làm khó mình khi không có sản phẩm đáng chú ý giá dưới 10 triệu.

Máy tốt nhất giá dưới 10 triệu của họ là iPhone 7 Plus bản 128 GB, đang bán giá gần 9 triệu. Nếu đợt tới mẫu máy này hết hàng thì coi như Apple bị hổng phân khúc này”, đại diện một nhà bán lẻ tại Hà Nội chia sẻ với Zing.

Cùng quan điểm này, ông Mai Triều Nguyên, đại diện hệ thống Mai Nguyên cho rằng người mua iPhone chính hãng thường ít quan tâm tới mẫu máy giá rẻ.

iphone xach tay sap bi xoa so anh 2

Việc xếp hàng, mua iPhone từ Singapore để bán lại kiếm lời đã trở thành thói quen của nhiều dân buôn. Ảnh: Trần Đạt.

“Những mẫu giá thấp hơn như iPhone 7 Plus, iPhone 6s Plus chỉ là góp thêm lựa chọn cho khách hàng. Thường thì khách hàng mua iPhone sẽ chọn các mẫu đỉnh, giá cao nhất như iPhone 11 Pro và Pro Max bán rất chạy. Nếu tìm mua ở tầm giá thấp thì họ sẽ chọn luôn hàng xách tay”, ông Nguyên cho biết.

Cuối năm 2019, một nhà bán lẻ từng nhận xét “Apple chỉ coi Việt Nam là thị trường hạng 3” khi giải thích lý do dòng iPhone 11 chính hãng về chậm, tới 1/11 mới có hàng.

Chính sách giá chưa cạnh tranh, chưa hỗ trợ nhiều về các chương trình thúc đẩy bán hàng là lý do nhà bán lẻ này cho rằng Apple chưa coi trọng thị trường Việt Nam. Đến nay, sự hỗ trợ từ Apple vẫn chưa có nhiều thay đổi.

“iPhone chính hãng sẽ trở thành mặc định khi hàng xách tay không còn. Muốn vậy, hãng cần có quyết tâm hơn với thị trường.

Trước đây, nhiều thương hiệu khác cũng có hàng xách tay, nhưng giờ gần như không còn nữa. Cách làm của họ thực ra chỉ là hỗ trợ nhà bán lẻ tốt hơn, như bán sớm, giá ngang với các nước, hậu mãi, khuyến mãi tốt và đưa ra nhiều chương trình cho đại lý, đối tác. Sau khi làm vậy, hàng xách tay tự triệt tiêu”, ông Nguyên chia sẻ thêm.

Giá là nguyên nhân chính khiến người dùng chọn iPhone xách tay

Tuy chưa thực sự quyết tâm ở thị trường Việt Nam, các nhà bán lẻ cũng cho rằng nỗ lực vài năm nay của Apple đã giúp iPhone chính hãng phổ biến hơn.

“Khoảng cuối năm 2019 đến nay khách hàng có xu hướng mua hàng chính hãng hơn. Mức chênh lệch giá giữa hàng chính hãng và xách tay trước đây thường trên 20%, giờ chỉ còn khoảng 10%. Mức chênh lệch không còn nhiều cộng với quyền lợi về bảo hành, nguồn hàng rõ ràng chất lượng đã khiến nhiều người chọn mua iPhone chính hãng nhiều hơn”, ông Nguyễn Đạt, chủ hệ thống Di Động Việt chia sẻ với Zing.

"Đối với hệ thống, việc kinh doanh hàng chính hãng an tâm hơn vì hàng hóa ổn định hơn so với hàng xách tay. Khi bán hàng chính hãng thì hệ thống phải cam kết với Apple không được bán hàng xách tay", ông Đạt nói thêm.

iphone xach tay sap bi xoa so anh 3

Nhiều người vẫn chọn mua iPhone xách tay vì có hàng sớm ở thị trường Việt Nam. Khi hàng đã ổn định, mức giá iPhone xách tay vẫn còn chênh lệch nhiều so với chính hãng. Ảnh: Lê Trọng.

"Yên tâm" cũng là lý do nhiều nhà bán lẻ dần nói không với thị trường xách tay. Các hệ thống kinh doanh nhiều mặt hàng, nhiều thương hiệu sẽ phải có sự đảm bảo tài chính từ các hãng bảo hiểm, và kinh doanh hàng xách tay sẽ làm quy trình này phức tạp hơn.

"Để nhập hàng từ các hãng với tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi buộc phải có đảm bảo từ các hãng bảo hiểm. Như vậy, muốn kinh doanh nghiêm túc các chuỗi phải từ bỏ hàng xách tay", đại diện một chuỗi bán lẻ chia sẻ.

Khảo sát qua một số trang web bán điện thoại, các mẫu iPhone xách tay giờ đây thường được ghi thành “iPhone chính hãng” kèm theo mã thị trường như ZA, LL, ZP… đại diện cho các thị trường như Singapore, Mỹ, Hong Kong… Mức chênh lệch giá với iPhone chính hãng vẫn khá lớn, từ 4-8 triệu tùy phiên bản.

iphone xach tay sap bi xoa so anh 4

Các mẫu iPhone bán cho thị trường Mỹ, Singapore hay Hong Kong thường được liệt kê là "iPhone chính hãng" kèm mã thị trường.

“Dung lượng càng cao, mức chênh càng nhiều. iPhone xách tay cũng có nhiều loại, nếu là loại có đầy đủ giấy tờ mua bán ở nước ngoài thì số lượng ít, giá cao nhưng yên tâm hơn.

Thực tế là tôi chỉ muốn bán hàng có hóa đơn vì dễ bảo hành ở hãng, mình cũng bớt phải chịu trách nhiệm sau khi bán. Tuy nhiên, với nhiều người thì mức giá vẫn là quan trọng nhất”, Chí Bảo, người kinh doanh thiết bị điện tử tại Hà Nội cho biết.

Khác với iPhone XR, iPhone 11 thu hút người dùng Việt vì chức năng đầy đủ và mức giá cũng khá tốt. Điều đó đem lại cho nhà bán lẻ hy vọng rằng iPhone 12, nếu được đặt giá tốt, sẽ tiếp nối thành công.

"Chúng tôi đang chờ đợi thông tin về giá và ngày bán ra của iPhone 12. Nếu có giá tốt, iPhone chính hãng hoàn toàn có thể lấn át thị trường xách tay. Cùng là hàng Apple, nhìn sang tai nghe và đồng hồ, hàng chính hãng đang làm tốt nhờ yếu tố giá", ông T. cho biết.

(Theo Zing)

Mua iPhone xách tay tại Việt Nam chưa bao giờ nguy hiểm đến vậy

Mua iPhone xách tay tại Việt Nam chưa bao giờ nguy hiểm đến vậy

Tuy có giá rẻ hơn vài triệu đồng so với hàng chính hãng, iPhone xách tay lại ẩn chứa nhiều rủi ro cho người dùng.