Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các chính sách, quy định về Internet, đặc biệt là về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền “.vn”, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn phát triển của Việt Nam và tăng cường tính minh bạch.

Định hướng này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định sáng nay, tại Hội thảo "Giải quyết khiếu nại, tranh chấp về tên miền và sở hữu trí tuệ". 

{keywords}
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thu Hương

Theo ông, thực tiễn quá trình triển khai thực thi pháp luật trong thời gian qua đã bộc lộ một số vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp về tên miền “.vn”. "Tính chất đa dạng, đa ngành trên môi trường Internet đã làm phát sinh sự chồng lấn trong thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, Ngành, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thực thi pháp luật". Vấn đề này càng trở nên nóng hổi, cấp thiết trong bối cảnh Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP vừa được thông qua, trong đó Việt Nam là một quốc gia thành viên.

Thứ trưởng nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT, viễn thông, Bộ luôn coi thông tin và truyền thông là phương thức để thực hiện các mục tiêu của thiên niên kỷ, đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia về không gian mạng. Trong thời gian qua, Bộ đã xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để thúc đẩy phát triển CNTT, viễn thông, Internet và đã đạt được những thành quả nhất định. Tuy vậy, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh xây dựng các chính sách, quy định về Internet, đặc biệt là về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền “.vn” theo hướng bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn phát triển của Việt Nam và tăng cường tính minh bạch đối với pháp luật về viễn thông, CNTT nói chung và những quy định về tên miền internet nói riêng.

Đánh giá cao sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của các diễn giả quốc tế, các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền cũng như vai trò tổ chức của Vụ Pháp chế, Trung tâm VNNIC, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải kỳ vọng các bên sẽ trao đổi và thảo luận thẳng thắn về các quy định pháp luật hiện hành, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chính sách cũng như thực tiễn triển khai về giải quyết tranh chấp tên miền liên quan đến sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và trên thế giới, từ đó đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện chính sách của Việt nam cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chưa có quan điểm đồng nhất

Việc tên miền trùng hoặc giống với tên thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, tên tác giả, tác phẩm là vấn đề thường gặp khi giải quyết các vụ việc tranh chấp tên miền do thông lệ chung quốc tế coi tên miền Internet và Sở hữu trí tuệ là hai lĩnh vực độc lập.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chỉ ra rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đang tồn tại song song hai cách hiểu khác nhau, thuộc về lĩnh vực quản lý của hai Bộ là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học Công nghệ.

Cụ thể, trong các văn bản chuyên ngành TT&TT, các xung đột (nếu có) trong trường hợp, đăng ký, sử dụng tên miền trùng hoặc giống tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền tác phẩm, tác giả,... được coi là các vụ việc tranh chấp. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, từ cấp Luật (Luật Công nghệ thông tin) cho tới Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 72/2013/NĐ-CP), hay Thông tư do Bộ TT&TT ban hành (Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT) đều quy định đây là tranh chấp tên miền, được xử lý theo các hình thức quy định tại Luật Công nghệ thông tin (theo ba hình thức: Thông qua thương lượng, hòa giải; Thông qua trọng tài; Khởi kiện tại tòa án).

Thế nhưng do Luật Sở hữu trí tuệ hiện còn tồn tại quy định coi đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nên các văn bản dưới Luật về vấn đề này (lĩnh vực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý) lại đang áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó có đưa nội dung xử lý thu hồi tên miền như là một biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP). Điều này có nghĩa là sử dụng biện pháp hành chính để xử lý vụ việc tranh chấp tên miền.

Chính vì sự thiếu đồng nhất trong cách nhìn nhận vấn đề này nên thực tiễn thời gian qua đã phát sinh nhiều rắc rối, tranh cãi liên quan đến vấn đề sở hữu tên miền. Để giải quyết vấn đề, Chính phủ đã giao cho hai Bộ phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch, hướng dẫn trình tự thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, với mục đích là giải quyết được hài hòa quyền và lợi ích của các bên khi xung đột xảy ra.

Ông Tân cho rằng, trước khi xây dựng Thông tư thì các bên cần thống nhất một số quan điểm chung, đó là việc đăng ký tên miền mà chưa đưa vào sử dụng (có thể để chuyển nhượng) là nhu cầu thực tế và chính đáng, đã được Thủ tướng cho phép tại Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg.

"Chúng ta chỉ nên quy định trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền đối với chủ thể tên miền có hành vi đăng ký, sử dụng tên miền với dụng ý xấu như bôi nhọ, nói xấu, gây ảnh hưởng xấu, phản cảm, cung cấp dịch vụ hoặc chào bán sản phẩm, hàng hóa vi phạm,... Còn các vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh theo quy định về Sở hữu trí tuệ sẽ xử phạt hành chính theo các quy định về sở hữu trí tuệ chuyên ngành", ông Tân đề xuất, song vẫn lưu ý rằng vấn đề này không phải chuyện của riêng quốc gia nào mà cần phải "tuân thủ nguyên tắc, thông lệ quốc tế".

Trong khi đó, đại diện Công ty Mắt bão đã chỉ ra một số hiện trạng tại Việt Nam hiện nay, như lúc chủ thể đăng ký tên miền trùng với nhãn hiệu thì nhãn hiệu chưa chắc đã nổi tiếng. Sau một thời gian, khi nhãn hiệu nổi tiếng thì mới bắt đầu quay sang đòi lại tên miền, dẫn tới tranh chấp. Tương tự, doanh nghiệp được bảo hộ thương hiệu trên thực tế lại không đăng ký trước tên miền có liên quan đến thương hiệu. Chủ thế khác đăng ký vì có nhu cầu sử dụng lại bị coi là vi phạm hành chính theo Nghị định 99 và có thể bị thu hồi tên miền. Thế nhưng việc xử lý qua con đường hành chính chỉ có thể thu hồi tên miền .vn chứ tên miền quốc tế thì không thể thu hồi được.

"Hiện nay chúng ta đang tồn tại mâu thuẫn giữa một bên là kinh doanh phát triển tên miền, với một bên là các quy định về quản lý chưa thống nhất, do đó chủ thể không cảm thấy yên tâm khi đăng ký sử dụng tên miền", vị này kết luận.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe phổ biến thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tên miền “.vn” và sở hữu trí tuệ. Đặc biệt Hội thảo có sự tham gia và trình bày tham luận của các chuyên gia pháp lý nổi tiếng, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về tên miền và sở hữu trí tuệ như ông David H.Bernstein – Luật sư, Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA) - Thành viên Hội đồng của Trung tâm Trọng tài WIPO và nguyên là Đồng Chủ tịch của Tiểu ban Luật Internet – Bộ phận giải quyết tranh chấp của American Bar Association (ABA); ông Jia Rong Low - Trưởng bộ phận chiến lược và sáng kiến - Văn phòng ICANN khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các chuyên gia có kinh nghiệm tại Việt Nam về quản lý cũng như tư vấn pháp luật về công nghệ thông tin và sở hữu trí tuệ.

T.C