Phê duyệt Đề án Trục liên thông văn bản quốc gia | Giữa năm 2020, 100% văn bản điện tử liên thông gửi, nhận 4 cấp chính quyền

Trục liên thông văn bản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương ngày 12/3/2019 phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Nguồn ảnh: Ngô Hà/khoahocphattrien.vn)

Đề án Trục liên thông văn bản quốc gia vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký quyết định phê duyệt.

Đề án nhằm cung cấp giải pháp tổng thể tích hợp, liên thông dữ liệu văn bản điện tử từ các hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) của các bộ, ngành, địa phương, là tiền đề để xây dựng, phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ và các cơ quan hành chính các cấp, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xử lý văn bản, công việc trên môi trường điện tử.

Quyết định của Văn phòng Chính phủ cũng quy định cụ thể về phạm vi của Đề án. Theo đó, hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia được triển khai phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được hạ tầng kỹ thuật, công nghệ quy định tại Quyết định 28 ngày 12/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Trục liên thông văn bản quốc gia được đầu tư, xây dựng theo hình thức thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn của đơn vị mình và nguồn vốn hợp pháp khác xây dựng hệ thống trên cơ sở yêu cầu của Văn phòng Chính phủ và cho Văn phòng Chính phủ thuê lại, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT có trách nhiệm bảo mật, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.

Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể như giai thời gian gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, phấn đấu đến năm 2020, giảm 80% thời gian gửi, nhận văn bản giữa các bộ, ngành, địa phương; năm 2019, kết nối 100% các hệ thống phần mềm QLVB&ĐH của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mở rộng kết nối tới các doanh nghiệp, tổ chức Chính trị, Xã hội nếu đáp ứng được các điều kiện công nghệ, kỹ thuật theo quy định.

Đến tháng 6/2020, theo lộ trình thực hiện Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, các hệ thống QLVB&ĐH nội bộ của các bộ, ngành, địa phương liên thông, kết nối với nhau, kết nối với Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, phấn đấu 100% văn bản điện tử liên thông gửi, nhận 4 cấp chính quyền.

Cùng với đó, hình thành cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, ứng dụng, bảo mật thông tin phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử hướng tới hình thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong năm 2019. Đây là nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025.

Một mục tiêu cụ thể nữa của Đề án là hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối tới hệ thống tham vấn chính sách, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, bảo đảm dữ liệu được tích hợp, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin (khi các hệ thống này đã sẵn sàng).

Văn phòng Chính phủ giao Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ, đúng quy định.

Trục liên thông văn bản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương ngày 12/3/2019 phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Trong báo cáo tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử vào ngày 23/7 vừa qua, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban cho biết, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Tập đoàn VNPT phát triển Hệ thống này thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ. Hệ thống đã sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, trước hết là  phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, dịch vụ công, hệ thống thông tin báo cáo.

Thống kê của Tổ công tác cho hay, từ ngày 12/3/2019 đến ngày 21/7/2019, đã có 68.257 văn bản gửi và 203.553 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. 62/95 bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành, 6 cơ quan chưa có kế hoạch nâng cấp; cung cấp 157.000 chứng thư số cho 86/93 bộ, ngành, địa phương và 314/431 lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh; có 84/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 68/95 bộ, ngành, địa phương đã sử dụng máy chủ bảo mật riêng; và 27/95 đơn vị đang sử dụng máy chủ dùng chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp.