Blockchain bị gắn mác chỉ là game và tiền mã hoá

Tháng 9/2020, Ngân hàng BIDV là ngân hàng đầu tiên tuyên bố ứng dụng Blockchain trong tài trợ thương mại, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ này trong giao dịch phát hành thư tín dụng, tới một ngân hàng thông báo ngoài hệ thống. Sau sự kiện này, một loạt ngân hàng khác đã công bố ứng dụng Blockchain trong giao dịch tài chính. 

Blockchain là xu hướng công nghệ hiện nay và được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Công nghệ này được ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế để số hóa dữ liệu, thông tin người bệnh, đơn đặt hàng, quản lý kho, giao dịch cho các thiết bị y tế… Hiện Blockchain cũng được ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục để theo dõi và lưu trữ dữ liệu học tập của học sinh, sinh viên và có thể đánh giá năng lực của cá nhân so với yêu cầu đầu vào dựa trên dữ liệu học vấn. 

Trong nông nghiệp, Blockchain được dùng để truy xuất nguồn gốc và vòng đời sản xuất nông sản, sẽ giúp người dùng cũng như người buôn bán nắm được các thông tin về sản phẩm một cách chính xác từ người nuôi trồng đến cửa hàng, siêu thị và đến tay người dùng. Các ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng dùng để xác thực thông tin khách hàng, khả năng tín dụng trực tiếp mà không cần qua trung gian.

Tại Việt Nam, các công ty công nghệ như: FPT, Viettel, Misa… đang ứng dụng mạnh mẽ blockchain để cung cấp các dịch vụ số cho khách hàng của mình. FPT hiện có nền tảng akaChain ứng dụng công nghệ Blockchain để rút ngắn thời gian triển khai các nghiệp vụ, như định danh khách hàng điện tử, chấm điểm tín dụng, chương trình khách hàng thân thiết và truy xuất nguồn gốc, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả vận hành, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tại Việt Nam nhận thức về công nghệ Blockchain đang bị méo mó, xem nó chỉ là tiền mã hoá và game. Công bằng mà nói, những dự án tiền mã hóa mới nổi đã vụt tan và sự thành công của một số game Blockchain như Axie Infinity… đã làm cho nhiều người lầm tưởng và đánh đồng như trên. 

Blockchain có nhiều tiềm năng tại Việt Nam

Phát biểu tại CTO Summit 2022, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ (CTO) của FPT cho rằng, Blockchain không chỉ là tiền điện tử.

“Với Blockchain, chúng tôi thấy đã được ứng dụng trên 50 lĩnh vực khác nhau. Blockchain vẫn mới với hầu hết các tổ chức, đa phần các ứng dụng đang được các công ty lớn sử dụng đều mang tính thử nghiệm. Nhiều người nói Blockchain như bong bóng dotcom những năm 2000. Là người làm công nghệ, chúng tôi thấy rằng, khi có một công nghệ mới ra đời, tất các các tổ chức sẽ xem xét nó có thể ứng dụng vào lĩnh vực nào tốt nhất”, ông Vũ Anh Tú nói.

CTO của FPT còn cho hay, 4 ứng dụng của Blockchain đang mang lại ý nghĩa to lớn cho cuộc sống. Đầu tiên là quản lý chuỗi cung ứng. Ví dụ khi chúng ta vào nhà hàng và ăn một món ăn, làm sao nhà hàng đó kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, Blockchain có thể quản lý việc này. Thứ hai, đó là lĩnh vực bảo hiểm và y tế. Ví dụ khi đi khám, một trong những điều mất thời gian nhất là lấy tiền bảo hiểm. Blockchain đã được ứng dụng ở nhiều công ty trên thế giới, cho phép mỗi khi bệnh viện có kết luận quá trình lấy bảo hiểm được thực hiện tự động qua smartcontract và có thể xử lý ngay giúp người dùng. Tiếp theo, là các chương trình đầu tư bất động sản. Ở Việt Nam ngày nay đã có các công ty chia các dự án bất động sản thành các đơn vị tài sản mã hoá, và mọi người dù ít tiền cũng có thể tham gia đầu tư vào nó. Cuối cùng, Blockchain là nền tảng tốt nhất cho định danh điện tử. 

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ (CTO) của FPT khẳng định, Blockchain không chỉ là tiền điện tử mà nó còn ứng dụng vào nhiều ngành khác.

“Ở Việt Nam, Blockchain là một trong những công nghệ được ưu tiên phát triển. Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới với những công ty vô cùng sáng giá, trở thành kỳ lân trong lĩnh vực. Điều đó cho thấy chúng ta đã đi những bước chân rất sớm với công nghệ này, đạt những thành tựu được thế giới công nhận. Blockchain cũng dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam và đang có nhiều ứng dụng khá hấp dẫn. Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo dùng Blockchain để làm nền tảng lưu trữ văn bằng. Những ngân hàng đã sử dụng Blockchain để làm thư tín dụng, bảo lãnh cho hợp đồng", ông Tú nói.

Dưới góc nhìn của mình, ông Huy Nguyễn, Đồng sáng lập KardiaChain cho hay: "Trong thời gian gần đây Việt Nam đã trở thành một trong những nước nắm bắt xu hướng công nghệ nhanh bậc nhất, với blockchain cũng không là ngoại lệ. Hai năm trước khi tôi vừa về Việt Nam, khi nhắc đến blockchain đa số mọi người nghĩ ngay đến Bitcoin hoặc những ứng dụng tài chính. Tuy nhiên công nghệ này có nhiều tiềm năng hơn thế trong các lĩnh vực khác của đời sống từ giáo dục, y tế đến đô thị thông minh". 

"Việt Nam đang trở thành điểm sáng về công nghệ blockchain với hệ sinh thái đa dạng, luôn cập nhật nhanh xu hướng của thế giới, một số lĩnh vực thậm chí đang có vai trò dẫn dắt. Có một tiến trình rất đặc biệt của công nghệ blockchain là từ những cuộc thảo luận tự do, sôi nổi trên các hội nhóm, mạng xã hội, công nghệ này giờ đây đã nhiều lần trở thành chủ để được thảo luận tích cực trên nghị trường, quốc hội và các diễn đàn kinh tế, công nghệ. Tôi cho rằng đây là tín hiệu đặc biệt quan trọng cho thấy bước chuyển mình của blockchain về việc được công nhận rộng rãi từ người dân cho đến các nhà hoạch định chính sách" ông Huy Nguyễn nói thêm.

Mới đây, báo cáo của của MarketsandMarkets chỉ ra, thị trường Blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021. Trong số top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa vào công nghệ Blockchain trên thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về Blockchain, hiện có hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt hoạt động trong lĩnh vực và có vốn hóa trên 100 triệu USD, đồng thời đã xuất hiện những startup kỳ lân.

Thái Khang