Theo nguồn tin từ Tổng cục Hải quan, sau 1 tháng triển khai thí điểm tại Hải Phòng, tính đến hết ngày 11/9/2017 đã có 3 doanh nghiệp tham gia Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, giám sát hơn 86.000 container ra vào cảng.

Các kết quả ban đầu cho thấy, Hệ thống giám sát hàng hóa tại cảng biển đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan liên quan, là tiền đề cho việc triển khai mở rộng tại các cảng biển trong cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, ngoại thương hàng hóa của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong những năm vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng bình quân khoảng 11,5%/năm trong giai đoạn 2012-2016. Điều này đồng nghĩa với sự quá tải trong quản lý hàng hóa tại các cảng khi hạ tầng về kho, bãi chưa đạt được những phát triển tương ứng, dẫn đến ách tắc trong luân chuyển hàng hóa tại cảng biển và làm chậm quá trình thông quan hàng hóa.

Việc theo dõi, quản lý hàng tại cảng của cơ quan hải quan cũng gặp nhiều khó khăn do sự kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan với các doanh nghiệp kinh doanh cảng còn rất hạn chế, dẫn đến thời gian lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp bị kéo dài, chi phí lưu kho bãi của hàng hóa lớn.

Với mục tiêu tiên quyết là hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển đã được triển khai.

Thông qua áp dụng hệ thống CNTT tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, các quy trình thủ tục tại cảng biển đã được đơn giản hóa, quy trình quản lý kinh doanh của cảng và quy trình quản lý nhà nước của hải quan chặt chẽ hơn, tạo nhiều thuận lợi cho cả cơ quan hải quan, các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan.

Theo Tổng cục Hải quan, trước đây quy trình thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng biển được thực hiện độc lập giữa cơ quan hải quan, các doanh nghiệp giao nhận, kinh doanh cảng, kho, bãi, mất nhiều thời gian làm thủ tục với các bên, nhất là khi nhiều khâu này còn thực hiện thủ công.

Bằng việc ứng dụng CNTT, công tác giám sát, quản lý được điện tử hóa, trách nhiệm của các bên liên quan được quy định rõ tại từng khâu. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu hồ sơ giấy trao đổi với hãng vận tải cũng như cơ quan hải quan. Nhờ đó giảm được gánh nặng trong khai báo thủ tục, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, tiết kiệm được chi phí kinh doanh.

Việc tiếp cận thông tin chính xác về hàng hóa, nắm được tình trạng hàng hóa cũng giúp doanh nghiệp có kế hoạch hợp lý, giúp điều tiết di chuyển hàng hóa trong khu vực giám sát phù hợp, tiết kiết được các chi phí lưu kho, vận chuyển.

Quan trọng hơn, điện tử hóa các thông tin trao đổi giúp cho môi trường kinh doanh minh bạch, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đối với cơ quan hải quan, hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát của hải quan. Đây là yếu tố quan trọng giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát, nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh quốc gia…