Vấn đề xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia là một nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp sáng ngày 4/11.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 4/11 (Ảnh Quốc hội cung cấp)

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc xây dựng kết nối chia sẻ khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương hiện chưa có sự đồng bộ, thống nhất cao. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả. Do đó, chưa thật sự mang lại thuận lợi cho người dân khi tiến hành các giao dịch có liên quan, thậm chí có những việc gây phiền hà cho người dân. Ví dụ như câu chuyện sổ hộ khẩu mà chúng ta đã đề cập. 

“Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Bộ TT&TT và các bộ, ngành có liên quan để khắc phục những tồn tại này trong thời gian tới nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số, chính quyền số hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia?” - đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu câu hỏi.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông (Ảnh Quốc hội cung cấp)

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mới có 8 cơ sở dữ liệu kết nối, trong đó có 5 cơ sở dữ liệu quốc gia và 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhưng mang tính toàn quốc. Những cơ sở dữ liệu này một khi đã kết nối qua đường trục về kết nối, chia sẻ kết nối dữ liệu mà Bộ TT&TT vận hành (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - PV) thì sẽ hiệu quả.

Mỗi ngày hiện có khoảng 2 triệu giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ngành với nhau, tăng khoảng 4 lần so với năm 2021. Trong đó, có đóng góp rất đáng kể của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP đã được Bộ TT&TT đưa vào sử dụng, phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ 2 vấn đề phải tập trung giải quyết để thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu. Trước hết, đó là việc có nhiều cơ sở dữ liệu khác của các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng nhưng chưa kết nối và chia sẻ. Và một số hệ thống CNTT muốn kết nối để lấy dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành nhưng chưa đảm bảo điều kiện.

Bộ TT&TT đang tập trung xử lý 2 vấn đề trên. Việt Nam có khoảng 3.000 hệ thống CNTT của cơ quan nhà nước, vấn đề là phải đảm bảo an toàn an ninh mạng để có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu. Mặt khác, các bộ, ngành chính thức công bố cơ sở dữ liệu của mình đã hoàn thành để Chính phủ cũng như Bộ TT&TT thúc đẩy quá trình kết nối và chia sẻ. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. (Ảnh Quốc hội cung cấp)

Thông tin lại với đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận về lý do một số cơ quan có tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về mặt luật pháp, không có dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, Chính phủ sẽ quyết định việc xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu.

Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương chưa yên tâm về cơ sở dữ liệu do mình xây dựng có chính xác không nên đắn đo việc có đưa ra cho mọi người sử dụng hay chưa. Lý do thứ hai, cơ sở dữ liệu của mình, nếu cho nhiều cơ quan, đơn vị kết nối, khai thác, giả sử những hệ thống kết nối vào không đảm bảo an toàn thì hệ thống của mình có bị ảnh hưởng không. 

"8 cơ sở dữ liệu đã kết nối, chia sẻ, có thể nói là không có chuyện cát cứ, được khai thác hiệu quả. Đây là 8 trường hợp đầu tiên giúp chúng ta có những kinh nghiệm ban đầu để mở rộng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Cho biết năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm: một giải pháp quan trọng sẽ được Bộ TT&TT tập trung trong năm tới là yêu cầu các bộ, ngành, địa phương công khai về các cơ sở dữ liệu của bộ, tỉnh mình, về thời hạn hoàn thành các cơ sở dữ liệu, khi hoàn thành sẽ chia sẻ những thông tin, dữ liệu gì?

Vân Anh