Vào tháng 4, CEO Tesla bất ngờ đưa ra lời đề nghị mua lại công ty truyền thông xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD. Sau khi cân nhắc, ban lãnh đạo công ty đã chấp nhận “bán mình”. Thế nhưng, đây cũng là lúc Musk cố gắng rút khỏi thương vụ bom tấn, dẫn đến tranh cãi và đưa hai bên ra pháp đình, kéo theo cả một chuỗi những nhân vật đằng sau ra ánh sáng.

Từ người sáng lập nền tảng mạng xã hội Twitter, cho đến những nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, chủ tịch tập đoàn công nghệ khổng lồ, và cả những ngân hàng từ phố Wall, tất cả đều bị cuốn vào cuộc chiến pháp lý dai dẳng, phức tạp.

Đến nay, luật sư hai bên đã đưa ra hơn 100 trát đòi hầu toà, nhắm vào các ngân hàng tên tuổi (Goldman Sachs, Morgan Stanley), những nhà đầu tư nổi tiếng (Andreessen, Horowitz, Sequoia), các cố vấn hàng đầu, thành viên hội đồng quản trị nhiều hãng công nghệ (Twitter, Salesforce, Mastercard). Thậm chí, đội ngũ pháp lý hai phe còn đệ trát hầu toà lẫn nhau.

Hầu hết các Vip công nghệ tại Silicon đều bị kéo vào vụ kiện. (Ảnh: NYTimes)

“Mọi công ty tại thung lũng Silicon dường như đều bị kéo vào cuộc chiến kinh thiên động địa này”, Carold Langford, giáo sư đạo đức pháp lý tại Đại học San Francisco cho biết.

Các chuyên gia pháp lý cho hay, ngay cả quy trình thủ tục pháp lý của vụ kiện lần này cũng là độc nhất, khi toà án Delaware đã nén khối lượng công việc cần hàng năm để giải quyết xuống chỉ còn 3 tháng.

Cuộc chiến của những đồng Dollar xanh

Cả hai bên đều cho thấy mình không hề thiếu tiền, khi vung tay không tiếc cho các yêu cầu trát hầu toà thay vì chỉ nhắm tới một vài người trong cuộc. Điều này cũng là lý do khiến phần lớn giới tinh hoa công nghệ đều góp mặt trong vụ việc.

“Phiên toà này như thể là một cuộc diễu hành của những người nổi tiếng giới công nghệ”, Raffi Melkonian, đối tác tại Wright Close & Barger nhận định, đồng thời nói rằng các vụ kiện liên quan hợp đồng thường ít khi nhận được sự chú ý của công chúng.

Đến nay, Twitter vẫn đang tích cực hơn trong cuộc chiến “quăng bom” này, khi đưa ra hơn 84 trát hầu toà để tìm kiếm chứng cứ việc CEO SpaceX đã chán nản với thương vụ mua lại, do suy thoái kinh tế làm giảm khối tài sản khổng lồ của ông.

Trong khi đó, Alex Spiro, luật sư của Musk cho rằng, “đây là một chiến thuật tung hoả mù cũ, không phải những gì mà các công ty làm, khi họ không có gì phải che giấu”, ngầm cáo buộc Twitter đang cố gắng kéo càng nhiều người vào vụ việc gây nhiễu loạn thông tin.

Bên cạnh các nhà đầu tư đồng ý chi tiền cho Musk thực hiện thương vụ, “Chim xanh” còn gửi trát hầu toà cho bạn bè và cộng sự của Elon Musk, chẳng hạn như cựu thành viên hội đồng quản trị SpaceX, Antonio Gracias và giám đốc điều hành giải trí Kristina Salen, để nắm sâu hơn về các cuộc trao đổi của họ. 

Bên kia chiến tuyến, Musk đồng ý sàng lọc các tin nhắn từng gửi hoặc nhận trong khoảng thời gian từ ngày 01/1 đến ngày 08/7 để tìm kiếm các nội dung liên quan tới Twitter. Đến nay, tổng số trát hầu toà bên CEO Tesla đề nghị là hơn 36. Ngày 29/8, người đàn ông giàu nhất hành tinh tiếp tục yêu cầu triệu tập Pieter Zatko, cựu giám đốc bảo mật Twitter, người cáo buộc nền tảng mạng xã hội này đã đưa ra những tuyên bố sai lệch về hoạt động bảo mật của mình.

Phía Musk cũng yêu cầu lượng dữ liệu khổng lồ từ Twitter, gồm cả thư từ giữa các thành viên hội đồng quản trị và thông tin tài khoản trong nhiều năm. Tuần trước, toà đã cho phép Musk tiếp cận tập hợp giới hạn 9.000 tài khoản mà “Chim xanh” đã kiểm toán để xác định số lượng tài khoản ảo trong một khoảng thời gian cụ thể.

Trước sự rắc rối của các trình tự pháp lý, nhiều bạn bè của Elon Musk đã tỏ ra khó chịu trước các yêu cầu từ Twitter. Khi nhận được trát hầu toà dài 62 trang từ công ty mạng xã hội vào tháng này, Lonsdale, một nhà đầu tư từng làm việc với Musk tại Paypal đã phải hét lên rằng “đây là một cuộc thăm dò quấy rối khổng lồ”.

Ngô Vinh (Theo NYTimes)