Theo báo cáo của Nhóm Phân tích Mối đe dọa Google (TAG) công bố ngày 4/6, các hoạt động của tin tặc có sự hậu thuẫn từ các chính phủ đã bị phát hiện trong một cuộc tấn công mạng nhằm chống lại cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

“Bằng cách thực hiện hành vi lừa đảo, các nhóm tấn công mạng của Trung Quốc và Iran đã nhắm đến mục tiêu là những nhân viên tham gia hỗ trợ chiến dịch tranh cử Tổng thống, cho đến nay chúng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”, Shane Huntley, người đứng đầu nhóm phân tích lên tiếng.

hacker de doa bau cu tong thong my anh 1

Người đứng đầu Nhóm Phân tích Mối đe dọa Google thông báo trên trang Twitter cá nhân. Ảnh: Twitter.

Trên Twitter của Huntley, ông cho biết cách thức lừa đảo của những kẻ tấn công là nhắm đến các tài khoản email của nhân viên, cố gắng khiến chủ nhân của email đó nhấn vào những đường dẫn liên kết lạ.

Trong một tuyên bố của Google, công ty này xác nhận đã gửi thông báo cho các nhân viên tham gia chiến dịch tranh cử bị hacker nhắm đến, đồng thời cảnh báo với các quan chức thực thi pháp luật liên bang về mối đe dọa an ninh mạng.

Trả lời The Verge, đại diện của Google cho biết không tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ các tin tặc đã đạt được mục đích. Ngoài ra, Google cũng khuyến khích nhân viên tham gia chiến dịch tranh cử sử dụng thêm các biện pháp bảo vệ để nâng cao khả năng bảo mật tài khoản.

“Chúng tôi vốn biết rõ các nguy cơ bị tấn công khi tham gia chiến dịch và đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho chúng. Ứng cử viên Joe Biden là người rất coi trọng mối nguy hiểm từ an ninh mạng, chúng tôi sẽ cảnh giác và đảm bảo các thông tin của chiến dịch sẽ được an toàn”, nhân viên nhóm hỗ trợ tranh cử chia sẻ.

hacker de doa bau cu tong thong my anh 2

Các nhân viên chiến dịch của hai ứng cử viên nắm rõ sự nguy hiểm của các cuộc tấn công mạng khi tham gia. Ảnh: Getty.

Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở Hạ tầng (CISA) sau đó cho biết họ đã lên kế hoạch công bố chi tiết về vụ tấn công với Quốc hội Mỹ, các quan chức trong chính phủ và địa phương.

Đây không phải lần đầu tiên tin tặc Iran bị buộc tội tấn công các chiến dịch tranh cử của ông Trump. Tháng 10/2019, Microsoft cho biết họ đã phát hiện ra hơn 2.700 vụ hack chiến dịch tranh cử Tổng thống. Tin tặc Trung Quốc cũng nhiều lần phải nhận các cáo buộc “can thiệp” an ninh mạng tại Mỹ, bao gồm những cuộc tấn công với mục tiêu là kết quả nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19.

Kể từ vụ bê bối tin tặc Nga xâm nhập máy chủ của Ủy ban Quốc gia Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, các cơ quan chính phủ CISA đã tăng cường củng cố không gian an ninh mạng, đồng thời hợp tác với những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft hay Google.

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc, Nga và Iran vẫn phủ nhận các cáo buộc có liên quan.

(Theo Zing)

Facebook cấm video deepfake trước bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Facebook cấm video deepfake trước bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

ictnews Khi các chiến dịch tranh cử Tổng thống đang diễn ra tại Mỹ, Facebook tuyên bố sẽ cấm các video, hình ảnh giả mạo – thường được gọi là deepfake – trên nền tảng.