Grab Việt Nam và Ví điện tử ZaloPay chính thức công bố hợp tác triển khai phương thức thanh toán mới bằng ZaloPay trên ứng dụng Grab.

Từ nay, người dùng Grab sẽ có thể lựa chọn Ví điện tử ZaloPay để thanh toán các dịch vụ: đặt xe, đặt đồ ăn, đi chợ online và giao hàng, bên cạnh hình thức thanh toán qua Ví Moca trên ứng dụng Grab, bằng các thẻ ngân hàng đã liên kết hoặc tiền mặt như trước đây.

Cả Grab và ZaloPay đều đang sở hữu hệ sinh thái riêng. Grab là siêu ứng dụng kết nối người dùng với các dịch vụ hàng ngày đa dạng từ giao nhận, di chuyển cho đến các dịch vụ tài chính. Còn “ví điện tử quốc dân” ZaloPay cung cấp loạt tính năng tiện ích và độc đáo để đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán trong cuộc sống và kinh doanh của người dùng.

Sự hợp tác giữa siêu ứng dụng Grab và Ví điện tử ZaloPay hứa hẹn đưa trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt của người dùng lên một tầm cao mới.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc điều hành Grab Việt Nam chia sẻ: “Với khả năng kết nối các nguồn thanh toán thông qua Moca và ZaloPay, ứng dụng Grab sẽ ngày càng đem đến nhiều lựa chọn thanh toán, cũng như nhiều tiện ích và ưu đãi cho người dùng. Không chỉ vậy, việc này còn đánh dấu sự hợp tác lần đầu tiên giữa hai ứng dụng hàng đầu tại Việt Nam, khi hai bên sẽ cùng tận dụng sức mạnh hệ sinh thái của nhau, chia sẻ năng lực công nghệ tài chính và sự thấu hiểu trải nghiệm người dùng để hướng đến phát triển bền vững lâu dài. Chúng tôi rất trân trọng và đánh giá cao nỗ lực hợp tác của ZaloPay trong suốt giai đoạn kết nối giữa hai tổ chức. Với cam kết mạnh mẽ của các bên, chúng tôi tin rằng sẽ có thể cùng nhau thúc đẩy đưa thanh toán không dùng tiền mặt lên một tầm cao mới.”

Bên cạnh đó, cả Grab và ZaloPay đều có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp cận nền tảng người dùng đông đảo của mỗi bên và chia sẻ kinh nghiệm để cùng nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đây là nỗ lực của cả Grab và ZaloPay nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.

Bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay cho biết: “Việc hợp tác cùng Công ty TNHH Grab là một trong những bước đi quan trọng trong năm 2023 trên hành trình xây dựng thế giới không tiền mặt của ZaloPay. Tận dụng nguồn lực về kỹ thuật và con người của hai bên, ZaloPay tin rằng có thể triển khai nhiều ý tưởng, mang đến các sản phẩm công nghệ mới hữu ích để phục vụ đa dạng nhu cầu của người dùng hơn nữa trong tương lai.

Bên cạnh hình thức ứng dụng độc lập, ZaloPay còn là ví điện tử tích hợp trong nền tảng chat Zalo. Với cách sử dụng độc đáo và thân thiện này, ZaloPay tự tin tiếp cận đa dạng đối tượng sử dụng, chứ không riêng nhóm khách hàng đã quen với các ứng dụng hiện đại. Qua đó, giúp người dùng nói chung và khách hàng Grab nói riêng có thể sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện hơn.”

ZaloPay là nền tảng thanh toán trực tuyến hay còn được gọi là Ví điện tử, phát triển bởi Công ty Cổ phần ZION và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. ZaloPay được xây dựng chuyên biệt, tích hợp nhiều tính năng độc đáo nhằm đáp ứng trọn vẹn nhu cầu thanh toán trong cuộc sống và kinh doanh của người dùng. ZaloPay là ví điện tử được tích hợp trong ứng dụng chat quốc dân Zalo. Nhờ đó, người dùng có thể chuyển tiền và thanh toán ngay trong khung chat nhanh chóng và dễ dàng. Đây cũng là một trong những ưu thế của ZaloPay khi gia nhập thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam.

Hiện tại, ZaloPay đang là đối tác của Visa, Mastercard và 39 ngân hàng nội địa nhằm hỗ trợ người dùng trong việc chuyển tiền liên ngân hàng, thanh toán và nhiều tiện ích vượt trội khác. Với hệ thống ngân hàng liên kết và đối tác cung ứng dịch vụ, sản phẩm đa dạng, ZaloPay mang đến trải nghiệm thanh toán trong 2 giây với hàng trăm tiện ích và hàng ngàn điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước.

Grab là một siêu ứng dụng hàng đầu tại Đông Nam Á, dựa trên tổng giá trị giao dịch trong năm 2021 tính riêng trên từng mảng dịch vụ giao nhận, di chuyển và ví điện tử thuộc dịch vụ tài chính, theo số liệu của Euromonitor. Grab đang cung cấp các dịch vụ giao nhận, di chuyển và tài chính kỹ thuật số tại hơn 480 thành phố thuộc 8 quốc gia khu vực Đông Nam Á bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.