Các chuyến xe giá rẻ hấp dẫn người Việt. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo con số được công bố trong Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 (do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số -  Bộ Công Thương phát hành), có gần một nửa người Việt tham gia khảo sát đã sử dụng các ứng dụng gọi xe.

Cụ thể, theo thông tin từ Sách trắng, có khoảng 45% người tham gia khảo sát từng đặt xe trên thiết bị di động, số người chưa sử dụng các ứng dụng này tương ứng là 55%.

Trong số những người đã sử dụng các dịch vụ gọi xe, năm 2018 có tới 83% người lựa chọn việc sử dụng các dịch vụ này do tính nhanh chóng và tiện lợi, trong khi con số này năm 2017 là 60%.

Các ứng dụng gọi xe như Grab, Go-Viet, be... đang được người dùng tại Việt Nam lựa chọn không chỉ bởi sự nhanh chóng tiện dụng mà còn hấp dẫn do giá thành rẻ khi có nhiều khuyến mại. Thống kê cho thấy, có tới 71% người đã lựa chọn các ứng dụng gọi xe do giá thành rẻ, nhiều khuyến mại, trong khi con số này trong năm 2017 là 33%. Cũng theo đánh giá của 38% người sử dụng, các cuốc xe trên ứng dụng an toàn hơn do các thông tin từ tài xế sẽ dược lưu lại trên ứng dụng.

Có 60% (trong số 55% người tham gia khảo sát chưa sử dụng ứng dụng) cho rằng chưa đặt xe trên các thiết bị di động vì cho rằng không an toàn (con số này năm 2017 là 58%); 25% cho rằng giá thành không hợp lý và 15% cho rằng hình thức thanh toán không phù hợp.

Tại thị trường Việt Nam hiện nay, Grab, Go-Viet, be, FastGo... là các ứng dụng gọi xe phổ biến nhất. Nhiều ứng dụng vẫn tiếp tục “đốt tiền” trong cuộc chạy đua khuyến mại giành khách hàng, tài xế nhằm chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam.

Không có các con số thống kê chi tiết nhưng Grab hiện dẫn đầu thị trường ứng dụng gọi xe với gần 200.000 đối tác tài xế và hàng trăm triệu chuyến đi đã được hoàn thành. Các ứng dụng tiếp theo là be, Go-Viet, FastGo cũng đang sở hữu số lượng chuyến xe khá ấn tượng.