Grab hôm 25/2 vừa công bố nhận được khoản đầu tư mới lên đến hơn 850 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, bao gồm Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. (MUFG) và TIS Inc. (TIS). Khoản đầu tư sẽ được dùng với mục tiêu “mang những sản phẩm tài chính tiết kiệm và dễ tiếp cận đến với mọi người dân Đông Nam Á, đồng thời góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện trong khu vực”. 

Thông báo của Grab cho biết MUFG, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới và là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, sẽ đầu tư 706 triệu USD vào Grab. TIS, nhà cung cấp giải pháp mạng và dịch vụ hệ thống tích hợp hàng đầu Nhật Bản, sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Grab.

Sảnh văn phòng Grab tại Singapore. Ảnh: Hải Đăng

Khoản đầu tư mới từ các nhà đầu tư Nhật Bản là kết quả sau sự tăng trưởng ấn tượng của Grab trong năm 2019, khi công ty củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn và thanh toán di động ở khu vực Đông Nam Á. Grab Financial Group cũng nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh, bổ sung thêm các sản phẩm dịch vụ tài chính như bảo hiểm tiêu dùng và cho vay tiêu dùng trong khu vực. Grab đã nộp hồ sơ xin giấy phép ngân hàng số tại Singapore và ra mắt giải pháp quản lý tài sản GrabInvest.

Phát biểu về khoản đầu tư mới và hợp tác chiến lược với các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, cho biết: “Chúng tôi rất hào hứng được hợp tác với hai đối tác MUFG và TIS để đồng phát triển các sản phẩm và giải pháp tài chính cho khu vực Đông Nam Á. Đảm bảo mọi người dân Đông Nam Á có thể tiếp cận được với các sản phẩm, dịch vụ tài chính ở mức giá phải chăng là chìa khóa để thúc đẩy tài chính toàn diện cho cả khu vực”.

Theo thỏa thuận hợp tác với MUFG, cả hai công ty sẽ đồng phát triển các dịch vụ và sản phẩm tài chính thế hệ mới dựa trên sự thấu hiểu khách hàng của hai bên, hướng đến đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của đối tác nhà hàng, đối tác tài xế và người dùng Grab.

Là một phần của thỏa thuận hợp tác giữa Grab và TIS, cả hai công ty sẽ hợp tác để nâng cao cơ sở hạ tầng thanh toán di động trong khu vực Đông Nam Á và tại Nhật Bản, từ đó thúc đẩy các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Cả hai công ty cũng hợp tác phát triển các công nghệ thanh toán mới.