Muốn làm khoa học, phải rèn luyện công phu

GS đã có một sự nghiệp nghiên cứu khoa học đồ sộ với những thành quả vang dội. Ngoài đam mệ và kiên trì, GS chắc hẳn phải có “bí quyết” nào đó?

Việc nghiên cứu khoa học cũng như đi bơi. Nếu chỉ bơi năm, bảy mét thì không cần học, đẩy xuống nước vùng vẫy một lúc cũng bơi được. Nhưng muốn bơi xa, bơi ở biển lớn thì phải được đào tạo rèn luyện công phu, bài bản. Nếu muốn nghiên cứu khoa học phải học nghiên cứu một cách chính quy qua các lớp đào tạo hoặc tự học một cách nghiêm túc. Tôi đã trải qua 2 con đường đó và rất sớm. Năm 32 tuổi, tôi đã may mắn được tiếp xúc không khí nghiên cứu khoa học cùng các giáo sư Thụy Điển. (Ở thời tôi tuổi đó là sớm, với các bạn bây giờ thì không còn sớm vì các bạn có điều kiện rộng mở, Internet rất phát triển).

Khi đó tôi còn làm lâm sàng nên chưa học được nhiều, nhưng sau đó là quá trình tự học. Ra nước ngoài đến thư viện nào tôi cũng tìm đọc sách về nghiên cứu khoa học, người ta dạy rất chi tiết, kể cả cách viết 1 bài báo. (Vì không biết điều này nên hiện giờ rất nhiều anh em có số liệu nhưng không biết viết bài báo, bị hội đồng phản biện trả lại).

Rồi tôi học qua các hội nghị/hội thảo khoa học. Anh em nào chăm chỉ thì tham dự đến cuối cùng, nhưng không phải ai cũng ý thức được đây là dịp giao lưu học hỏi. Diễn giả giảng bài có tên tuổi, giờ giải lao mình đến trò chuyện. Sau đó thì duy trì liên lạc. Họ là người có thể giúp cho mình các ý tưởng, hiệu đính các bài báo và có thể mời họ sang Việt Nam giảng bài. Các bài giảng và những câu chuyện bên lề sẽ giải đáp các thắc mắc, từ đó có thể lóe lên những tia sáng và định hướng cho nghiên cứu.

Ngoài phương pháp, theo GS, còn những yếu tố quan trọng nào khác quyết định sự thành công của quá trình nghiên cứu khoa học?

Ham muốn làm khoa học của từng người phụ thuộc vào sự giáo dục từ nhỏ, sự bồi đắp sự tìm tòi, sáng tạo. Tuy nhiên, để kích thích sự ham muốn tìm tòi, sáng tạo thì xã hội nói chung và tổ chức phải coi trọng và đánh giá cao, dành cho công tác nghiên cứu khoa học sự ghi nhận xứng đáng.

Chỉ khoa học mới đem lại sự đột phá vì có thể mang lại thay đổi cuộc sống cho cả triệu người. Vì thế rất nhiều trường đại học ở nước ngoài coi nghiên cứu khoa học là một tiêu chí bắt buộc để đánh giá. Mỗi Tiến sĩ phải có 1 công trình nghiên cứu. 2 năm mà Giáo sư không có bài báo khoa học thì phải đi chỗ khác. Số công trình nghiên cứu xuất bản là tiêu chuẩn hàng đầu để xếp hạng trường Đại học trên thế giới.

Nghiên cứu khoa học là ngọn đuốc dẫn đường, đòi hỏi sự dấn thân. Tại Viện Nghiên cứu tế bào gốc công nghệ gen Vinmec, GS đang có chính sách nào để xây dựng đội ngũ kế cận và thúc đẩy ngọn lửa nghiên cứu ở các nhà khoa học trẻ?

Tôi “ép” các anh em mỗi tuần phải gửi cho tôi 1 bài tóm tắt về vấn đề gì đó, để buộc họ đọc sách. Người làm nghiên cứu phải coi đọc sách là nhu cầu bức thiết, không đọc thì thấy bứt rứt không yên. Lúc nào cũng phải đau đáu, luôn trăn trở, luôn tìm tòi thì mới là làm khoa học.

Trong tiếng Anh, “search” nghĩa là tìm kiếm, “research” nghĩa là tìm đi tìm lại. Khi tìm đi tìm lại một cái gì thì là nghiên cứu. Và phải tìm đi tìm lại, bạn mới thấy được điều gì đó mà người khác chưa thấy. Đó chính là cốt lõi của nghiên cứu khoa học.

“Người Việt Nam có thể làm khoa học được ở trình độ quốc tế”

GS có lần đã chia sẻ rằng các công trình nghiên cứu không phải là điều ông tự hào nhất. Vậy với một người đã dành trọn tâm huyết cho nghiên cứu khoa học, điều gì đặc biệt hơn có thể làm ông tự hào?

Điều tôi tự hào là đã chứng minh được rằng người Việt Nam có thể làm khoa học được ở trình độ quốc tế. Người Việt Nam không phải mặc cảm, tự ti là chỉ có mời chuyên gia nước ngoài đến giảng bài mà ngược lại các nhà khoa học Việt Nam có thể đi dạy, đi mổ ở nước ngoài.

GS Nguyễn Thanh Liêm vừa trở thành 1 trong 2 nhà khoa học của Việt Nam lọt vào danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu của Châu Á năm 2019 (Asian Scientist 2019) do Tạp chí Khoa học châu Á (Singapore) bình chọn.

Điều tôi tự hào nữa là có thể khơi gợi được những đốm lửa nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trẻ ở Vinmec, khi mà các bạn đã bắt đầu quen với tinh thần “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối”. Số lượng các bài báo nghiên cứu khoa học công bố ở nước ngoài còn chưa nhiều, nhưng cũng đã bắt đầu có trong 1 – 2 năm gần đây. Có sự thúc đẩy và được truyền cảm hứng có thể tạo ra cơ sở để Vinmec làm tốt nghiên cứu khoa học và có những cống hiến đột phá trong tương lai.

Xin cảm ơn giáo sư!