Hà Nội lần đầu khảo sát chất lượng lớp 12 trực tuyến

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa cho biết, từ ngày 29/5 đến ngày 31/5 vừa qua, Sở đã phối hợp với Cục CNTT - Bộ GD&ĐT tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng cho các học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố theo hình thức trực tuyến trên hệ thống phần mềm Hanoi Study.

Đây là đợt khảo sát đầu tiên trong tổng số 3 đợt mà cơ quan này sẽ tổ chức trong năm 2020. Các đợt khảo sát được tổ chức nhằm góp phần chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 12 toàn thành phố về kiến thức, kỹ năng phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

{keywords}
Hình thức khảo sát trực tuyến giúp cho học sinh Hà Nội làm quen với cách học và thi mới, tự mình đặt ra cho mình các mục tiêu trong học tập (Ảnh minh họa)

Trong mỗi đợt khảo sát trực tuyến tuyến, mỗi học sinh THPT dự kiểm tra 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (các môn Toán, tiếng Anh) và 1 bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Mỗi học sinh giáo dục thường xuyên dự kiểm tra 2 bài, trong đó có 1 bài bắt buộc là môn Toán và 1 bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí).

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, các bài kiểm tra khảo sát đối với lớp 12 THPT năm học 2019 - 2020 được thực hiện trực tuyến theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Học sinh làm bài khảo sát tại nhà, ngoài giờ học trên lớp và đề nghị cha mẹ học sinh là người giám sát việc làm bài của học sinh. Khảo sát thường được tổ chức vào lúc 19h30 hoặc ngày Chủ nhật và kết quả của bài kiểm tra khảo sát không bắt buộc lấy điểm.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc tổ chức kiểm tra khảo sát trực tuyến trên hệ thống Hanoi Study sẽ giúp học sinh thử nghiệm làm bài thi trắc nghiệm khách quan, tự đánh giá năng lực của bản thân, khuyến khích cho học sinh năng lực tự học, tự đánh giá, trách nhiệm cá nhân với sự phối hợp của gia đình học sinh.

Kỳ kiểm tra khảo sát trực tuyến qua phần mềm Hanoi Study cũng giúp cho các nhà trường, cụm trường giảm bớt thời gian, công sức, tài chính trong công tác in sao đề kiểm tra khảo sát, công tác coi, chấm bài khảo sát.

Đảm bảo cho 74.000 học sinh Hà Nội làm bài cùng lúc

Thông tin về đợt khảo sát đầu tiên từ ngày 29 – 31/5/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, cùng với việc chuẩn bị về chuyên môn, Sở đã chuẩn bị, tính toán toàn diện khả năng cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền đáp ứng tốt nhất kỳ khảo sát chất lượng trực tuyến. Trước khi đợt khảo sát thứ nhất diễn ra, Sở cũng đã tổ chức cho gần 7.000 học sinh THPT thực hiện làm bài thử nghiệm trên hệ thống.

{keywords}

Trong thời gian tổ chức khảo sát cho học sinh toàn thành phố, Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc kết nối của các địa phương trong cả nước với hệ thống máy chủ của Bộ. “Hệ thống có thể đáp ứng cho trên 200.000 học sinh tham gia dự khảo sát trong cùng một thời điểm nên hoàn toàn yên tâm về hệ thống đảm bảo cho hơn 74.000 học sinh của Hà Nội thực hiện khảo sát”, Sở GD&ĐT Hà Nội dẫn báo cáo của bộ phận kỹ thuật.

Kết quả, lần đầu tiên kỳ khảo sát bằng hình thức trực tuyến diễn ra với quy mô lớn, với hơn 74.000 thí sinh tham gia khảo sát, tỷ lệ học sinh nộp bài thành công các môn đều đạt khoảng 99%.

Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, do đây là lần đầu Hà Nội tổ chức khảo sát trực tuyến với quy mô lớn, có hàng chục nghìn học sinh tham gia nên khó tránh khỏi tình trạng một số học sinh còn bỡ ngỡ, chưa quen. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia khảo sát, nộp bài thành công cao đã phản ánh sự quan tâm của phụ huynh, sự tham gia tích cực của học sinh với cuộc khảo sát lần này.

Tuy nhiên, một sự cố ngoài mong muốn đã xảy ra ngay khi bài thi môn Toán được tổ chức (ngày 29/5/2020). Cụ thể, hệ thống phần mềm đã bị tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán – PV) từ bên ngoài gây nhiễu và quá tải hệ thống tại thời điểm phát đề cho thí sinh. Cục CNTT đã nhanh chóng kiểm soát, hệ thống đã được khắc phục kịp thời cho thí sinh thực hiện bài khảo sát bình thường. Về cơ bản các lỗi kĩ thuật xảy ra vào buổi khảo sát đầu tiên đã được khắc phục gần như triệt để ở các buổi sau.

Trong quá trình tổ chức khảo sát đợt 1, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng ghi nhận hiện tượng chống phá kỳ khảo sát này như: tổ chức giải bài đưa đáp án lên mạng xã hội, kích động học sinh không tham gia khảo sát, viết bài hoặc thông tin không đúng lên mạng xã hội. Sở sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, xử lý hiện tượng này trong các đợt khảo sát tiếp theo.

“Bước đầu, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn 1695 ngày 2/6/2020 đề nghị Công an thành phố Hà Nội điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật việc làm của các đối tượng có hành vi chống phá, tấn công vào hệ thống, làm ảnh hưởng đến hệ thống đường truyền, làm sai lệch mục đích của kỳ khảo sát, không mang tính giáo dục, tạo dư luận xấu trong cộng đồng nhất là với các em học sinh trong việc học tập, thi cử.

Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, Sở GD&ĐT cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp là giáo viên, học sinh cố tình vi phạm các quy định của pháp luật cũng như quy chế của ngành", đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.

Trên cơ sở kết quả khảo sát đợt 1, hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đang phối hợp với Cục CNTT – Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng chuyên môn, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, hướng dẫn, tuyên truyền, hoàn chỉnh thiết bị, tập huấn kỹ năng, chuẩn bị tốt nhất cho đợt khảo sát lần hai và ba sắp tới. 

Trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Giáo dục đã được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai như: Số hóa tài liệu, giáo trình; 100% các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình; Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp…

Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT chủ trì triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo ở bậc đại học và dậy nghề gắn với công nghệ số.

 M.T

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.