Hiệu quả từ đầu tư hạ tầng giao thông

Trung tâm điều hành giao thông Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”, đến thời điểm này, nhiều cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung nhằm có cơ sở thực hiện các nhiệm vụ lĩnh vực này.

UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung của đề án và các chương trình công tác về lĩnh vực giao thông vận tải như: “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại” hay “Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố”.

Đến nay, tình trạng ùn, tắc giao thông đã từng bước được giải quyết có hiệu quả (năm 2016 còn 41 điểm; năm 2017 còn 37 điểm; năm 2018 còn 31 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông).

Công tác phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng cũng được triển khai tích cực. Năm 2018, Thành phố đã mở mới được 9 tuyến buýt, dự kiến đến cuối năm sẽ mở mới thêm 6 tuyến; đến cuối năm 2018, tổng số tuyến buýt trên địa bàn Thành phố sẽ là 124 tuyến.

Hiện nay, mạng lưới xe buýt đã phủ khắp và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn đạt 78%; 66/71 bệnh viện đạt 93%; 296/708 các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt 42%; 32/37 các khu công nghiệp đạt 86%; 82/85 các khu đô thị mới đạt 96%.

Thành phố đã thay thế và đổi mới phương tiện đến tháng 10/2018 là 139 xe; dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ có thay thế thêm 100 xe, tổng số sẽ là 239 xe; việc áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng đã được triển khai đồng bộ, 100% xe buýt được lắp thiết bị giám sát hành trình, kết nối về trung tâm điều hành giao thông. Đặc biệt, thành phố cũng đang thí điểm thực hiện thẻ vé thông minh cho tuyến BRT 01.

Đến hết năm 2018, sản lượng vận tải hành khách công cộng dự kiến đạt 805 triệu lượt hành khách; tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại là 14,19%. Đối với buýt nhanh BRT 01, sau hơn một năm đi vào vận hành, sản lượng trung bình đạt 40,1 hành khách/lượt; tỷ lệ khách sử dụng vé tháng 1 tuyến cao nhất toàn mạng (chiếm gần 6,8% lượng vé tháng 1 tuyến của toàn mạng và cao gấp 3 lần tuyến đứng thứ 2). Tỷ lệ hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng tuyến buýt BRT đạt 58,6%.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được từng bước đầu tư có hiệu quả. Thành phố cũng đã tổ chức lại giao thông trên 62 nút giao; việc quản lý duy tu duy trì kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện thường xuyên và ứng dụng công nghệ hiện đại (phần mềm GOVONE) đảm bảo an toàn giao thông trong mọi tình huống.

UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, nêu rõ nội dung nghiên cứu, định hướng thay thế dần xe buýt bằng xe buýt chạy điện, đầu tư xe chất lượng cao (vé thông minh, chất lượng khí thải) tiên tiến, đầu tư xe buýt nhỏ để kết nối trung chuyển, áp dụng quản lý xe buýt thông minh. Việc rà soát, bố trí hợp lý mạng lưới tuyến phải thực hiện thường xuyên, liên tục, gắn với kế hoạch hàng năm.

Xây dựng Đề án giao thông thông minh

Trọng tâm năm 2019, UBND TP Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ đang thực hiện trong giai đoạn 2017-2018, đồng thời, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của năm 2019. Trong đó, phối hợp với Bộ GTVT đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn Thành phố; thực hiện xây dựng Kế hoạch phát triển phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn Thành phố để đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

Thành phố phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng Đề án giao thông thông minh trong tổng thể Đề án thành phố thông minh, trong đó tập trung vào những nội dung cụ thể: Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông.

Đặc biệt sẽ hoàn thành bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe. Nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đầu cuối đảm bảo việc thực hiện kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân được hiệu quả.

Cùng với đó, thành phố cũng lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào. Hoàn thành việc rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Đồng thời nghiên cứu đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu đề xuất quy định an toàn kỹ thuật giao thông đường bộ và ô nhiễm môi trường đối với các loại phương tiện giao thông đường bộ để có biện pháp xử lý đối với xe máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục rà soát thống kê số lượng theo năm sản xuất để đề xuất biện pháp xử lý đối với những xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…